Cần quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt việc nuôi giống chó dữ

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ loài chó dữ tấn công người, gây những thương tích, hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong, khiến dư luận bức xúc. Do vậy, cần quy định, có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa việc nuôi loài động vật đặc biệt.
Cần quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt việc nuôi giống chó dữ

Mới đây, tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, một bé gái bốn tuổi bị chó pitbull nhà hàng xóm tấn công với hàng chục vết thương ở mặt. Ngày 11/12/2023, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhi đã được các bác sĩ lọc rửa và khâu vá tạo hình thẩm mỹ. Theo lời kể của người nhà, khi cháu bé đang đi xe đạp chơi với bạn ở ngõ thì bị con chó pitbull nhà hàng xóm tấn công. Sau khi cháu bé được cứu thoát, con pitbull tấn công cháu bé được xét nghiệm, kết quả dương tính với virus gây bệnh dại.

Hơn ba tháng trước, ngày 3/9/2023, tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, một con chó pitbull được nuôi tại gia đình bà N.T.S. (66 tuổi) đã bất ngờ giật đứt xích, lao vào cắn ông N.V.Đ. (chồng bà S). Khi thấy chồng bị chó tấn công, bà S. tìm cách xua đuổi thì lập tức bị con chó quay sang cắn xé. Sau khi được giải cứu, bà S. bị chấn thương nặng, giập nát nhiều phần mềm, xương cẳng chân bị gãy, đứt nhiều mạch máu.

Thời gian qua ở Bình Dương, Thanh Hóa, cũng liên tiếp xảy ra vụ việc chó pitbull cắn chết người, gây bức xúc trong dư luận. Tối 17/5/2023, cụ bà 82 tuổi, ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bất ngờ bị chó pitbull của gia đình nuôi lao vào cắn tử vong. Năm 2022, tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một con chó pitbull nặng khoảng 40kg đã tấn công chủ nhà, khiến nữ chủ nhà tử vong sau hai ngày nằm viện.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp chủ nuôi bị chính chó pitbull của mình cắn chết. Theo các chuyên gia về động vật, pitbull là giống chó có nguồn gốc từ Anh và châu Mỹ, hiện ngày càng được nuôi nhiều ở Việt Nam. Chó pitbull có cơ thể to lớn, rất hung dữ, hiếu chiến và gan lỳ. Hàm của pitbull có cấu tạo đặc biệt, có cơ chế "khóa khớp" cho nên khi đã cắn nạn nhân thì sẽ không dễ dàng nhả ra. Vết thương do pitbull cắn để lại rất sâu và rộng, có khả năng gây thiệt mạng cao. Trong bảng xếp hạng những giống chó nguy hiểm trên thế giới, loài pitbull đứng đầu. Hiện nay, có hàng chục quốc gia trên thế giới đã cấm nuôi giống chó nguy hiểm này hoặc ban hành các điều kiện nghiêm ngặt về việc sở hữu và nhập khẩu loài chó pitbull.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Luật Chăn nuôi và Luật Thú y có những quy định quản lý chặt chẽ về nuôi chó, mèo. Theo quy định của pháp luật, người dân nuôi chó, mèo phải khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng dại theo quy định. Khi dắt chó ra ngoài đường phải có biện pháp phòng hộ như đeo rọ mõm, có người quản lý chó và khi để chó cắn người, chủ nuôi phải đền bù theo quy định.

Quản lý chặt việc nuôi chó, mèo là cần thiết khi nguy cơ từ việc nuôi loài động vật này ảnh hưởng tới xã hội. Cục Chăn nuôi sẽ căn cứ vào các văn bản quy định của pháp luật, dựa vào cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và thông lệ quốc tế để đưa ra biện pháp quản lý nuôi chó dữ nhằm giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc cho người dân, cộng đồng.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Cục Chăn nuôi đang xây dựng thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó mèo, dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2024.