Ðiều đáng lo ngại nhất hiện nay là phần lớn các cơ sở cung cấp dịch vụ này không đạt chuẩn và nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng. Nhu cầu này ngày càng tăng cao, đặc biệt là từ khi có nhiều trường học trên địa bàn cắt giảm số lớp bán trú học ngày hai buổi vì thiếu cơ sở vật chất. Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố thì sĩ số bình quân học sinh trên lớp ở khối tiểu học thường dao động ở mức 45 đến 52 học sinh (không tính trường chuẩn), thậm chí có nơi đạt mức 53 em/lớp. Khi sĩ số học sinh ở các trường công lập không ngừng vượt chỉ tiêu, phụ huynh buộc phải tìm nơi gửi trẻ buổi 2 ở ngoài. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người đã mở dịch vụ trông giữ trẻ bán trú với giá cả khá cao. Cụ thể như ở các quận Gò Vấp, Bình Tân, 12, giá trông giữ trẻ buổi 2 có giá từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng tháng, bao gồm đưa đón, nấu ăn hai bữa và học văn hóa. Nếu chỉ đón vào buổi trưa không thôi, phụ huynh phải trả từ 20 đến 25 nghìn đồng/trẻ/lượt. Do chưa có khung pháp lý đối với loại hình dịch vụ này cho nên các cơ sở nhận trông giữ trẻ bán trú thỏa sức quảng cáo theo ý muốn để thu hút phụ huynh. Nhưng trên thực tế thì chẳng mấy nơi thực hiện nghiêm túc việc dạy văn hóa cho trẻ. Chất lượng bữa ăn có thật sự bảo đảm vệ sinh hay không thì cũng không ai hay biết bởi chẳng có ai kiểm tra, giám sát. Tương tự, khi các trường mầm non công lập thường xuyên quá tải thì dịch vụ trông giữ trẻ tại gia lại có dịp mọc lên như "nấm sau mưa", đặc biệt là tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn. Theo Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA), đến nay lao động nhập cư vào địa phương này chiếm tới 70% số công nhân. Trong đó, tỷ lệ công nhân nữ là 63,6%, với khoảng 80 nghìn người có con từ một đến năm tuổi. Phần lớn công nhân nhập cư do phải trang trải các khoản chi phí nhà trọ, chi phí sinh hoạt, nuôi con... nên hầu hết chọn giải pháp gửi con tại các điểm trông giữ do tư nhân tổ chức. Ðáng lưu ý, phần lớn công nhân không có hộ khẩu thường trú nên rất khó xin vào trường công, do đó cũng tìm tới các cơ sở giữ trẻ bên ngoài. Hiện số cơ sở giữ trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình, lớp tư thục tại TP Hồ Chí Minh thống kê được vào khoảng gần 300 điểm và hơn 900 nhóm trẻ, lớp dân lập. Dù góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho trường công nhưng sự tăng lên ồ ạt loại hình giáo dục này cũng gây sức ép đối với năng lực quản lý của chính quyền cơ sở. Việc xảy ra những vụ việc ngược đãi trẻ em ở các cơ sở trông trẻ tại gia, không có phép trong thời gian qua được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy đang có một lỗ hổng lớn trong việc quản lý, giám sát. Vì thế, đã đến lúc thành phố cần quan tâm giải quyết vấn đề này.
Trước hết, cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát. Bắt buộc các điểm trông giữ trẻ cần thưc hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở. Ðề ra các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với những cơ sở tham gia loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, thành phố cần khuyến khích người dân và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tham gia vào lĩnh vực này theo phương thức xã hội hóa và có sự hỗ trợ của thành phố về kiến thức, vốn, địa điểm... Tương tự như ở một số doanh nghiệp đã tổ chức thí điểm mô hình trông giữ trẻ cho công nhân, như Trường mầm non Ánh Dương Samho của Công ty TNHH Việt Nam Samho với tám phòng học, một nhà bếp, một kho hàng và
một phòng y tế, đáp ứng nhu cầu trông giữ được 300 trẻ. Công ty TNHH May thêu - chế biến thực phẩm Hà Giang tổ chức lớp giữ trẻ cho con em công nhân hoàn toàn miễn phí ngay tại khuôn viên của doanh nghiệp giúp người lao động vừa tiết kiệm kinh phí, vừa được chăm sóc con. Mặt khác, công nhân tăng ca đến giờ nào thì trẻ được giữ đến giờ ấy, kể cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Tuy nhiên, các mô hình này hiện mới có rất ít.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học, thành phố đặt mục tiêu cấp phép cho 1.014 trường mầm non vào năm 2020. Tuy nhiên, số trường mầm non có cấp phép và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng từ năm 2003 đến 2010 mới chỉ tăng 111 trường, chưa đạt 30% chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 10 KCX-KCN. Nếu mỗi KCX-KCN dành 5.000 m2 đất để xây trường mầm non thì tương ứng với 700 trẻ được tiếp nhận. Như vậy, với 15 KCX, KCN thì TP Hồ Chí Minh sẽ có 9.100 trẻ được tiếp nhận nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 10% số trẻ trong độ tuổi mầm non. Do vậy, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp kịp thời củng cố hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em một cách rộng khắp và phát triển cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em, nâng cao mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng hưởng thụ, đặc biệt là con em công nhân tại các KCX- KCN.