Cần nhân rộng mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng

Trong 10 năm qua, mạng lưới cán bộ y tế tại 63 tỉnh, thành phố tham gia tư vấn cai nghiện thuốc lá được thiết lập thông qua các khoá đào tạo giảng viên nguồn và chuyên sâu về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá qua hệ thống tổng đài tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá qua hệ thống tổng đài tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo báo cáo của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), đến nay cả nước có 1.367 giảng viên nòng cốt và 2.665 cán bộ y tế tại 63 tỉnh, thành phố được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá.

Cả nước có 24 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, trong đó nhiều bệnh viện có liên quan đến các bệnh do sử dụng thuốc lá và lượng bệnh nhân lớn như: Bạch Mai, Phổi trung ương, Ung bướu Hà Nội, Nhân dân Gia Định, Trung ương Huế, Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, E, Đa khoa Trung ương Cần Thơ… Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện nòng cốt hỗ trợ kỹ thuật về CNTL trong toàn quốc.

Từ năm 2015 đến nay, các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá chủ yếu được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá với việc thành lập và tổ chức tư vấn miễn phí qua điện thoại và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả người dân có nhu cầu cai nghiện thuốc lá đều được tư vấn và hỗ trợ miễn phí và thuận tiện qua hai tổng đài 1800-6606 và 1800-1214.

Bên cạnh đó, Quỹ đã hỗ trợ một số tỉnh, các tổ chức thí điểm mô hình như phòng tư vấn tại một số bệnh viện quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2021-2023, Quỹ đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai triển khai mô hình phòng khám, tư vấn cai nghiện thuốc lá lồng ghép vào phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản thí điểm tại một số cơ sở y tế tuyến huyện

Tại cộng đồng, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã phối hợp Viện Nghiên cứu y xã hội học để triển khai thí điểm một số mô hình dựa vào cộng đồng như mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế xã, phường triển khai tại tỉnh Thái Nguyên; xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn điện thoại hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam...

Theo báo cáo của các bệnh viện nhận hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong giai đoạn 2015-2023, đã có hơn 208 nghìn lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá, trong số hơn 50 nghìn người được tư vấn chuyên sâu, đã có 8.630 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng; 3.200 người cai nghiện thành công trên 1 năm.

Kết quả điều tra hút thuốc lá trong người trưởng thành (trên 15 tuổi) cho thấy tỷ lệ người dân được cán bộ y tế tư vấn bỏ thuốc tăng từ 40,5% (năm 2015) lên 90% năm 2023.