Đường vào cảng thường xuyên ùn ứ
Vào giờ cao điểm, từng dòng xe container xen lẫn với xe máy, ô-tô di chuyển từng chút một qua cầu Rạch Đĩa trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, rồi đổ về hướng khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Nhiều năm qua, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ dẫn từ Quận 4, Quận 7 qua huyện Nhà Bè đã trở nên quá tải do lượng phương tiện tăng nhanh, nhất là các dự án nhà ở ken dày hai bên, càng làm cho xe tải di chuyển về cảng Hiệp Phước hết sức khó khăn.
Ngoài ra, nút giao đường Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ đang xây dựng chưa hoàn chỉnh nên tình hình giao thông toàn tuyến chưa có lối thoát. Một kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, khu cảng biển Hiệp Phước chỉ khai thác đạt khoảng 25% công suất do tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh đang phải “gồng mình” suốt ngày đêm vì sự gia tăng số lượng xe cộ ra vào cảng. Trong khi đó, nhiều năm qua, dự án mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ giai đoạn 2 vẫn chưa được thành phố triển khai thực hiện.
Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức), cảng lớn nhất phía nam, cũng trong tình trạng quá tải vì xe container ra vào cảng liên tục trong khi hạ tầng chung quanh chậm được đầu tư. Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển M&N, trụ sở tại đường Ký Con, Quận 1 cho biết: Công ty có sản lượng hàng rất lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, châu Phi. Hầu hết, hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp thông qua cảng Tân Cảng và cảng SP-ITC (nằm tại khu vực Phú Hữu, thành phố Thủ Đức).
Việc Thành phố Hồ Chí Minh thu phí cảng biển để đầu tư hạ tầng giao thông là hợp lý nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải “oằn mình” gánh chi phí xăng, dầu, nhân công do hạ tầng và đường sá còn thiếu, chưa được thông suốt; từ đó, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh, nhất là trong thời kỳ tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho rằng: Với hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, lẽ ra thành phố cần làm sớm việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường để tăng tính kết nối, tính đồng bộ và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa đi, đến các cảng biển từ lâu.
Nay có nguồn thu phí, việc đầu tư cần được thành phố minh bạch, “rót” vào dự án nào thì cần công khai lộ trình để nhân dân giám sát, doanh nghiệp nắm bắt số tiền họ đóng được sử dụng ra sao, đầu tư vào dự án hoặc công trình kết nối cảng biển nào.
Gần 77.000 doanh nghiệp khai và nộp phí
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn hai năm thu phí (từ tháng 4/2022 đến ngày 8/7/2024) có 76.700 doanh nghiệp khai báo và đăng ký nộp phí cảng biển, với số phí thu được gần 5.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày có 300 doanh nghiệp khai báo và nộp phí, với số tiền bình quân 5,6 tỷ đồng. Cũng theo đơn vị phụ trách thu phí, từ ngày 1/4/2022 đến nay, các doanh nghiệp cảng đã phối hợp nhắc nhở hơn 20.000 doanh nghiệp nộp phí; phối hợp cưỡng chế hơn 15.000 doanh nghiệp.
Nhìn lại quá trình vận hành hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển gần hai năm qua, lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố cho rằng: Hệ thống thu phí đến nay vận hành ổn định, bảo đảm thông suốt và phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu; thực hiện nghĩa vụ đóng phí hạ tầng cảng biển theo quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố. Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa đánh giá: Phần lớn doanh nghiệp cảng đều phối hợp tốt trong việc kiểm soát hàng hóa và hạn chế hàng hóa qua cảng khi có yêu cầu hạn chế của cảng vụ; đồng thời, phối hợp nhắc nhở những trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí theo quy định; phối hợp xác minh kích thước container, xác minh hàng hóa được vận chuyển vào cảng, rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến đường thủy.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, trên cơ sở đề án thu phí, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua danh mục các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển gồm 27 công trình, được sử dụng từ nguồn thu phí, sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố; trong đó, có 15 dự án được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách thành phố, với tổng kinh phí 24.000 tỷ đồng (trong số này, sáu dự án đã có chủ trương đầu tư, chín dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư).
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết: Nguồn thu được sẽ nộp cho ngân sách thành phố để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, chỉ để lại 1,3% thuê hệ thống phần mềm và chi phí. Cụ thể, thành phố đã và sẽ đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên những dự án kết nối khu vực cảng Cát Lái gồm: Mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; mở rộng đường Đồng Văn Cống; xây dựng nút giao An Phú. Đồng thời, các dự án kết nối cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng cần được ưu tiên đầu tư như: Dự án mở rộng trục đường bắc-nam, từ đường Nguyễn Văn Linh-nút giao cầu Bà Chiêm; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ hoàn chỉnh; duy tu nạo vét luồng Soài Rạp; cầu Thủ Thiêm 4, trục đường bắc-nam từ cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước…
Phí hạ tầng cảng biển đã đóng góp cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh một nguồn lực đáng kể, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ trở lại phát triển kinh tế-xã hội. Hội đồng nhân dân thành phố chỉ rõ, sau khi trừ chi phí, hòa vào ngân sách thì tái đầu tư vào hạ tầng giao thông chung quanh hệ thống cảng biển, góp phần giảm tải giao thông cho thành phố.
Không để “phí chồng phí”: Trong đơn kêu cứu gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố mới đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét miễn thu phí hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư (Công ty xi măng Hà Tiên) đối với dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, thành phố Thủ Đức. Các doanh nghiệp cho rằng, tất cả các tuyến đường mà phương tiện sử dụng để lưu thông giao nhận hàng hóa tại hệ thống cảng Phú Hữu đều đã được bố trí các trạm thu phí, cụ thể là Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (đặt tại xa lộ Hà Nội), Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (đặt tại đường Võ Chí Công), Trạm thu phí Long Phước (đặt tại cao tốc Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây). Như vậy, việc triển khai thu phí cho xe ra vào đường Nguyễn Thị Tư thuộc dự án BOT sẽ tạo ra tình trạng phí chồng phí.