Cần mạnh tay xử lý nạn đua xe trái phép ở vùng nông thôn

Thời gian gần đây, tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục xuất hiện tình trạng nhiều thanh thiếu niên tụ tập, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, diễn ra ở cả thành phố và các vùng nông thôn, không chỉ vào ban đêm mà còn cả ban ngày.

Tình trạng đua xe trái phép tại một số địa phương vẫn phức tạp. (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)
Tình trạng đua xe trái phép tại một số địa phương vẫn phức tạp. (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)

Theo người dân, nguyên nhân do sự hiểu biết về pháp luật của các em còn hạn chế, mặt khác, gia đình chiều chuộng mua xe, giao xe cho con sử dụng ngay cả khi chưa đủ tuổi. Cùng với đó, các điểm sửa xe vì lợi nhuận sẵn sàng biến các xe thông thường thành những chiếc xe có vận tốc lớn để trợ giúp cho trò chơi tốc độ của thanh thiếu niên.

Mới đây, lợi dụng thời gian cuối tuần và tỉnh Vĩnh Phúc nới lỏng một số biện pháp giãn cách cũng như một số quy định phòng, chống dịch Covid-19, hàng trăm thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 đến 23 ở các huyện trong và ngoài tỉnh đã tụ tập, đổ về huyện Tam Đảo đua xe trái phép. Điều đáng nói, đa số những người này đều không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, đi xe không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, bốc đầu... gây mất an ninh-trật tự.

Lực lượng chức năng đã tổ chức bắt giữ hơn 200 đối tượng đi trên 100 xe máy có hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông và đua xe trái phép. Đây là vụ việc có số lượng người và phương tiện bị bắt giữ lớn nhất từ trước tới nay. Chỉ tính từ đầu tháng 4/2021 đến nay, Công an huyện Tam Đảo đã bắt giữ hàng trăm đối tượng có hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, bốc đầu... gây mất trật tự xã hội, khiến nhiều người dân địa phương lo sợ và mong muốn các ngành chức năng vào cuộc, kiên quyết trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Để giữ gìn sự bình yên của huyện miền núi Tam Đảo nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, cần phải có sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của người dân, các cơ quan chức năng địa phương. Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, cần nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp giáo dục, giám sát con em sử dụng phương tiện giao thông đúng mục đích, xem lại việc giáo dục con cháu. Ngoài ra, tại một số khu vực thanh thiếu niên có biểu hiện đua xe trái phép cần được lực lượng công an quản lý sát sao, các đối tượng vi phạm sau khi bị xử lý theo quy định được đưa về các khu dân cư cần công khai nhằm giáo dục, cảm hóa dưới sự quản lý của cộng đồng. Gia đình các thanh thiếu niên cũng phải cam kết, tăng cường quản lý con em mình không tái phạm.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để hạn chế tình trạng đua xe trái phép, ngoài việc xử lý theo Điều 266 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 34 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…, các cơ quan có thẩm quyền cần có những chế tài xử phạt bổ sung phù hợp đối với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng khi tham gia đua xe trái phép.