Cần làm rõ việc sử dụng đất công ở huyện Trần Văn Thời

Tại miền biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), tình trạng quản lý, sử dụng đất công diễn ra rất lộn xộn. Huyện ủy Trần Văn Thời đã chỉ đạo UBND huyện tiến hành xác minh, xử lý triệt để, tránh tình trạng làm nửa vời như cuối năm 2014.

Nhà ông Vũ Văn Thông (bán cà-phê) xây trên đất bảo lưu ven sông.
Nhà ông Vũ Văn Thông (bán cà-phê) xây trên đất bảo lưu ven sông.

Đua nhau thuê, chiếm đất công

Từ trên cầu Rạch Ruộng mới, ngó thẳng về hướng con lộ nông thôn dẫn tới khóm 9 và khóm 10 (thị trấn Sông Đốc) sẽ thấy có phần đất bảo lưu ven sông (tính từ mé sông vô bờ 70 m). Phần lớn đất bảo lưu nơi ấy, hiện đã bị lấn, chiếm gần hết. Rõ nhất là đoạn khoảng 700 m từ nhà ông Vũ Văn Thông, ở khóm 10 đến nhà ông Trần Phước Vạn, Bí thư Chi bộ khóm. Tuy chưa được Nhà nước đầu tư làm kè nhưng nhiều đoạn đã được gia cố bằng kè bê-tông kiên cố. Trên bờ kè, có khá nhiều trụ đá, cách nhau từ 4 đến 8 m, là mốc giới để phân chia giữa các nền đã bị lấn, chiếm để sang bán hoặc cất nhà trái phép. Dễ thấy nhất là hai căn nhà trọ cất trái phép gần Trường THPT Sông Đốc

của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Sông Đốc Võ Văn Nam. Gần đó là nhà của Bí thư Chi bộ khóm 10 Trần Phước Vạn. Ông Vạn sử dụng đất bảo lưu để cất nhà lấn ra triền sông, khiến con lộ nông thôn đi ngang đoạn trên bị bẻ cong. Ông còn bán nền cho hộ ông Phong (ngụ khóm 9) và bà “Út nước đá”. Sau khi mua được nền, bà Út đã cất nhà kiên cố. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Ngọc Ánh cất nhà, mở quán bán nước giải khát; Bí thư Chi bộ khóm 9 Trần Suy Nghĩ, ông Đinh Quốc Toản vừa bao chiếm đất trái phép để cất nhà vừa chia lô bán nền.

Không bao chiếm trái phép, nhưng bên này cầu Rạch Ruộng mới, cán bộ Sông Đốc và những người thân đua nhau thuê đất công. Bà Lương Kim Quyên (vợ Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú) đứng tên thuê hơn 16.700 m2 đất công ở khóm 10 để làm sân bóng đá, bóng chuyền. Em rể ông Phú là ông Lê Thanh Hiền cũng thuê được 260 m2 đất ở khóm 9.

Còn tại khóm 7, hàng chục thửa đất công được nhiều cán bộ chủ chốt tại địa phương thuê lại. Sau khi thuê, phần lớn cán bộ, quan chức cất nhà kiên cố, hoặc cho thuê lại để kiếm lời, thậm chí sang bán.

Có hay không chuyện bán đất công ?

Trong những ngày thực tế viết bài này, chúng tôi nghe người dân Sông Đốc nhắc nhiều đến ông Lê Thanh Tiền (khóm 7), một “đại gia” có “quyền lực ngầm”, được đặc quyền thuê nhiều thửa đất công.

Năm 2012, ông Tiền tự lập phương án sản xuất, kinh doanh, xin thuê phần đất công cạnh lộ xe khóm 7 để làm mặt bằng cho trại sản xuất tôm giống. Dù không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất của ông Tiền, nhưng lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu, để rồi UBND huyện Trần Văn Thời ký Quyết định số 136/QĐ-UBND (ngày 3-4-2012) chấp thuận cho ông Tiền thuê hơn 7.500 m2 đất.

Ông Tiền lấy hơn 4.700 m2 trong số đó để cho 12 hộ khác thuê lại với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong khi toàn bộ diện tích đất (hơn 7.500 m2) ông Tiền thuê trong bốn năm, tổng số tiền phải nộp cho Nhà nước chỉ khoảng 382 triệu đồng (làm tròn số).

Sau khi thuê lại đất từ ông Tiền, nhiều người xây nhà trái phép để cho thuê lại, thậm chí sang bán, trục lợi bất chính. Điển hình là ông Lê Hiếu, công chức địa chính - xây dựng thị trấn Sông Đốc, hợp đồng thuê lại của ông Tiền 900 m2 đất (hợp đồng không ghi số tiền cụ thể). Sau đó, ông Hiếu bán lại đất cho ba hộ dân với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng.

Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Trần Văn Thời, nhờ cha ruột là Lê Văn Hai đứng tên trên hợp đồng, thuê lại của ông Tiền 340 m2 đất. Thửa đất thuê ấy, ông Hùng sau đó đứng tên trong hợp đồng để chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Bé Tư với giá 580 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch HĐND thị trấn Sông Đốc, có vợ là Nguyễn Thị Út đứng tên thuê lại của ông Tiền 180 m2 (hợp đồng ghi giá hai bên thỏa thuận). Sau khi thuê, ông Hải bán lại cho ông Dũng "cà lăm” với số tiền 185 triệu đồng.

Trong khi có người dễ dàng thuê đất công, thì có người xin thuê đất công phải qua tay trung gian, hoặc bị gây khó dễ.

Trình bày với chúng tôi, cựu chiến binh Ninh Cao Phu, 68 tuổi (tạm trú khóm 10, Sông Đốc) cho biết, hơn mười năm nay, ông xin thuê đất công để cất nhà ở tạm nhưng không được, phải ở nhờ nhà người cháu. Uất ức, ông Phu gởi đơn thưa những cán bộ không cho ông thuê đất thì bị “tố ngược” rằng, ông bao chiếm 290 m2 đất công ở khu nghĩa địa (cạnh lộ xe Sông Đốc). Không thể lặng thinh chịu tiếng oan là người “cướp” đất công, ông Phu làm đơn khiếu nại. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời kết luận ông Phu không chiếm đất công. “Để sửa sai, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời ký Quyết định số 1622 (ngày 19-5-2015) thu hồi Quyết định 92 (ngày 28-11-2014) mà mình đã ký trước đó, giải oan cho tôi. Vậy mà đến giờ, việc xin thuê đất của tôi vẫn không được giải quyết” - ông Phu thất vọng nói.

Nhiều trường hợp tương tự khác cũng lận đận vì xin thuê đất công, như: Ông Trần Minh Tâm (64 tuổi), bà Bùi Ngọc Kiền (45 tuổi), cùng ngụ tại khóm 7; bà Lại Hồng Hoa (40 tuổi, ngụ khóm 6). Các trường hợp trên xin thuê đất công để cất nhà, được chính quyền địa phương chấp thuận nhưng sau đó bị lấy lại đất cho cá nhân và doanh nghiệp khác thuê.

Cần làm rõ những khuất tất

Đang trên lộ trình tiến lên đô thị loại bốn, lại là thị trấn miền biển động lực nhất ở Cà Mau, đất chật, người đông (hơn 40.000 dân), nên nhu cầu đất đai ở Sông Đốc là rất lớn. Để giải quyết tạm nhu cầu bức bách cho nhân dân, trong giai đoạn chờ thực hiện quy hoạch, Huyện ủy, UBND huyện Trần Văn Thời chủ trương cho thuê nhiều phần đất công thổ thuộc quyền quản lý. Nhưng có khoảng 24.000 m2 trong tổng số hơn 40.000 m2 đất công đã cho thuê ở Sông Đốc, phần lớn rơi vào tay những người có quyền, tại địa phương.

Việc cho thuê đất công có được thông báo rộng rãi cho dân biết hay không? Do đâu cho thuê đất ngắn hạn (từ 1 đến 5 năm) lại chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Đất cho thuê là đất nông nghiệp nhưng người thuê lại xây dựng nhà cửa thì khi thu hồi sẽ tính toán như thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Văn Thời Lê Phong cho biết: Chủ trương Huyện ủy, UBND huyện cho thuê đất công là để dễ bề quản lý, tạo điều kiện cho nhân dân có nơi buôn bán, kinh doanh tạm và ngân sách có thêm nguồn thu. Song, khi triển khai thì bộ phận thực thi nhiệm vụ làm còn lỏng lẻo, khiến nhiều bất cập và hệ lụy phát sinh. Thấy được điều ấy nên vừa rồi, lãnh đạo Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tiến hành xác minh, làm rõ thêm lần nữa những “lùm xùm” trong việc thuê, sang bán đất công trái phép ở Sông Đốc.

“Tổ chức, cá nhân nào làm sai; nếu sai thì sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố theo quy định của pháp luật. Còn ở lần xác minh trước vào cuối năm 2014, một số cán bộ dính dáng đến việc trục lợi đất công bất chính đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác" - đồng chí Lê Phong khẳng định.

Về việc cán bộ, quan chức Sông Đốc lấn, chiếm đất bảo lưu ven sông để cất nhà trái phép, sang nhượng, Huyện ủy sẽ chỉ đạo rà soát, xác minh sớm. Với những phần đất công cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích ở Sông Đốc, Huyện ủy đã chỉ đạo phải thu hồi lại tất cả. Chủ trương thu hồi đã có từ cuối năm 2014 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan thực thi tại địa phương mới dừng lại ở mức nhắc nhở, động viên chứ hầu như chưa có trường hợp nào bị thu hồi - đồng chí Lê Phong thừa nhận.