Giáo dục Ðắk Nông nhiều khởi sắc

Xuất phát điểm từ “vùng trũng”, giáo dục tỉnh Ðắk Nông đã có bước chuyển tích cực, cơ bản tiến kịp mặt bằng chung của Tây Nguyên và cả nước, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong.
Một tiết học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Tốc độ gia tăng dân số làm tăng quy mô số lượng học sinh, trong khi năm học 2023-2024, tỉnh Đắk Nông thiếu 1.351 biên chế giáo viên. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ yêu cầu đổi mới, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu, thiếu phòng học và các phòng chức năng phục vụ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học đã cũ, xuống cấp, hư hỏng. Tiếp cận chuyển đổi số còn khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, một số thiết bị, máy tính lâu ngày đã hư hỏng, chậm được thay thế, bổ sung.

Trong bối cảnh khó khăn bộn bề, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chăm lo phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên. Khi mới thành lập tỉnh Đắk Nông, số giáo viên đạt chuẩn còn ít, tỉnh sớm tạo điều kiện hỗ trợ cử giáo viên đi học thạc sĩ, các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ. Đến nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn vượt chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Phương án giải bài toán thiếu giáo viên là điều tiết hợp lý số lượng hiện có, bố trí dạy liên trường, liên cấp, dạy vượt giờ. Chuyển đổi số được thúc đẩy như duy trì dạy học trực tuyến với hình thức bồi dưỡng thêm, giao bài và hướng dẫn bài tập về nhà; thi, kiểm tra, đánh giá trên phòng máy tính; triển khai phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử…

Toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học từng bước được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, có 204/317 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục có những bước khởi sắc, bứt phá, trên cả lĩnh vực giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, THCS mức độ 1. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia được nâng lên ở mức trung bình chung của cả nước. Thành tích các đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia và khu vực tăng cả số lượng và chất lượng. Xuất sắc đoạt giải Nhì Tin học quốc gia, mang về thành tích cao nhất cho ngành giáo dục Đắk Nông, Nguyễn Anh Dũng, lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh là một trong 15 học sinh được chọn thi Olympic Tin học khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dũng bộc bạch, đam mê tin học được thổi bùng khi về học tại trường chuyên, em luôn biết ơn sự quan tâm chỉ bảo, dạy dỗ của thầy Nguyễn Đình Khương, các chuyên gia và nhà trường luôn động viên, hỗ trợ để có điều kiện ôn luyện tốt nhất. Không phụ niềm tin của thầy cô, bè bạn, em cần cù học hỏi, làm nhiều bài tập rèn kỹ năng, tham gia một số cuộc thi để cọ xát, nâng cao kiến thức.

Giáo dục Ðắk Nông nhiều khởi sắc ảnh 1

Cơ sở vật chất nhiều trường học ở Đắk Nông được đầu tư.

Cô Nguyễn Thị Tịnh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (Đắk Sôr, Krông Nô) hồ hởi chia sẻ, trước đây phòng học chỉ là nhà cấp bốn thì nay được xây nhà tầng khang trang. Chính quyền địa phương quan tâm sát sao, hỗ trợ huy động trẻ tới lớp, đầu tư xây sân trường mới. Học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần một nửa, chăm ngoan, thông thạo tiếng Việt. Lớp 3A có 42 học sinh, các em đi học đều, hăng say phát biểu, được cô chủ nhiệm Lại Thị Bích Hằng rèn cặp nên sức học ngày một khá. Bé Lương Phan Quỳnh Hoa, dân tộc Thái khoe, trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, lý thú “học mà chơi, chơi mà học”, em hăng hái tham gia và đoạt giải cuộc thi viết chữ đẹp, học sinh giỏi tiếng Việt, toán cấp huyện. Mong muốn của cô trò là nhà trường được đầu tư thêm bể bơi, sân bóng đá mi-ni để rèn thể lực, nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn hơn nên tỉnh ưu tiên đầu tư nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh được đến trường, nâng chất lượng ngang tầm với các vùng có điều kiện thuận lợi. Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1 được chú trọng. Toàn tỉnh có 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện và 1 trường THPT Dân tộc nội trú cấp tỉnh, 2 trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Các trường đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, tổ chức bếp ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng, quan tâm chăm sóc sức khỏe học sinh.

Để các em giao lưu, học hỏi, phát huy năng khiếu bản thân, phát triển hài hòa trí-thể-mỹ, nhiều trường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ-thể thao, tăng cường giáo dục đặc thù gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực hoạt động xã hội. Học sinh xa nhà, thiếu thốn cả về kiến thức, kỹ năng sống, chăm sóc của cha mẹ, buổi đầu tự ti, mặc cảm nên rất cần sự thấu hiểu, quan tâm và chia sẻ. Giáo viên luôn đồng hành, chia sẻ để các em tự tin hòa nhập trong môi trường tập thể. Các trường tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp đối tượng, tâm lý lứa tuổi, học sinh có lực học khá, giỏi được định hướng, bồi dưỡng tham gia thi học sinh giỏi, nhóm học kém hơn được giáo viên kèm cặp, khích lệ. Việc duy trì tự học buổi chiều, tối hiệu quả giúp rèn kỷ cương và nâng cao lực học, phát huy tư duy sáng tạo của học sinh.

Với đặc thù học sinh tuổi mới lớn sống xa nhà, các giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng tận tâm chăm lo, mối quan hệ cô trò thêm gắn bó. Trường có 15 lớp, thầy cô coi học sinh như con, kèm cặp sát sao, uốn nắn, nhắc nhở từ hành vi nhỏ, hằng ngày chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Bằng trải nghiệm, tình thương, thầy cô luôn lắng nghe và thấu hiểu, chỉ dạy điều hay, lẽ phải, động viên, an ủi mỗi khi các em gặp chuyện buồn. Buổi đầu học sinh ngại chia sẻ, cô giáo chủ nhiệm dùng “bảo bối” tiếp cận bằng cách viết thư để dưới bàn học, bày tỏ đồng cảm hoàn cảnh gia đình, động viên trò gắng học. Thấu cảm tấm lòng cô giáo, các em chăm học hơn, mạnh dạn tham gia hoạt động của lớp, của trường, chấp hành nền nếp nội quy.

Giáo dục Ðắk Nông nhiều khởi sắc ảnh 2

Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp học sinh phát triển hài hòa trí, thể, mỹ.

Trường có 473 học sinh của 14 dân tộc, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, giúp các em luôn tự tôn, tự hào, biết trân quý nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc mình, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của dân tộc khác, đoàn kết, yêu thương nhau khi sống dưới mái nhà chung. Sinh hoạt trong môi trường tập thể, tham gia hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, học sinh thêm năng động, tự tin, hòa nhập, thích nghi tốt, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Lấy học sinh làm trung tâm, trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức pháp luật, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Trải lòng về hành trình dạy học “từ không thành có”, Hiệu trưởng Đỗ Thị Việt Hà cho biết, nhiều em buổi đầu nhập trường học kém, còn nhút nhát, tự ti, thiếu kỹ năng, khi ra trường đã năng động, chững chạc, trưởng thành. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ đỗ đại học gần một nửa, nhiều em đỗ trường tốp đầu. Hạnh phúc là học sinh rời xa mái trường vẫn luôn ghi nhớ công ơn, ngày 20/11 vẫn về thăm và gọi điện chúc mừng tri ân thầy cô.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà cần giải quyết thấu đáo bài toán thiếu giáo viên, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh. Xác định chủ trương giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển, trong thời gian tới, ngành giáo dục Đắk Nông sẽ tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đẩy nhanh chuyển đổi số. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.