Giáo dục và những bứt phá từ chuyển đổi số

NDO - Năm 2023 có thể coi là một năm ngành giáo dục có những chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Ðây được coi là một trong những nhiệm vụ trung tâm mà ngành đặt ra nhằm chủ động ứng phó, sẵn sàng bắt nhịp với hình thái xã hội mới.
0:00 / 0:00
0:00

Biến thách thức thành cơ hội

Chuyển đổi số trong giáo dục được hiểu là quá trình áp dụng công nghệ số, thông tin trên internet và các phương pháp tiên tiến vào lĩnh vực giáo dục để tăng cường hiệu quả và chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý. Một số nội dung của chuyển đổi số trong giáo dục như cải tiến thiết bị học tập, phương pháp giảng dạy. Đi kèm với chuyển đổi cần đồng bộ cơ sở hạ tầng về công nghệ, nền tảng học và dạy trực tuyến, số hóa nội dung chương trình, bảo mật thông tin trên môi trường số...

Công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục gặp trở ngại lớn khi đang thực hiện những bước đầu tiên thì dịch Covid-19 bùng phát, gây ra những khó khăn lần đầu đối mặt, tác động lên đời sống xã hội. Một điểm đáng lưu ý, đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những khối lớp đầu tiên...

Tính đến thời điểm cuối học kỳ 2 năm học 2020-2021, toàn ngành giáo dục đã chuyển hẳn sang hình thức học trực tuyến, tỷ lệ học sinh đủ điều kiện tham gia học chiếm từ 36-88% theo từng địa bàn. Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm đánh giá việc dạy và học trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, tác động của dịch Covid-19 đã trở thành cú hích mạnh mẽ, buộc toàn ngành phải chuyển đổi số nhanh chóng để thích ứng với tình thế bất ngờ và đặc biệt chưa từng có...

Giáo dục và những bứt phá từ chuyển đổi số ảnh 1

Một thư viện tại Thanh Hóa đã số hóa các thông tin thuận tiện cho công việc tra cứu.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định, giáo dục là một trong tám lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên.

Chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ, trong khoảng thời gian ngắn, ngành Giáo dục và Đào tạo đã bám sát tình hình, gấp rút triển khai bằng sự chuyển đổi mạnh mẽ. Cái khó ló cái khôn, chính trong thời điểm ấy, để việc học không bị đình trệ, nhằm ứng phó với tình hình mới, toàn ngành nhanh chóng chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang trực tuyến. Chưa từng có tiền lệ, cả thầy và trò đều có những bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu. Đường truyền không ổn định, cả người học, người dạy đều chưa quen hình thức học mới... chất lượng dạy và học thời gian đầu chưa cao là điều dễ hiểu.

Để đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng, máy móc công cụ học tập, chủ trương xã hội hóa được khuyến khích mạnh mẽ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp xã hội đã ủng hộ Chính phủ bằng những hành động cụ thể, như trích quỹ phúc lợi, quyên góp tiền, ngày công nhân viên, mua thiết bị như máy tính bàn, máy tính bảng... hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và học sinh nghèo có thiết bị học tập để bảo đảm không bị gián đoạn việc học. Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến được ban hành. Mặc dù chỉ ban hành trong thời gian ngắn, nhưng gói tín dụng này đã hỗ trợ cho hơn 80.000 học sinh, sinh viên đủ điều kiện học trực tuyến theo tinh thần xã hội học tập, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh khó khăn, dạy học trực tuyến đã tạo ra sự tiếp cận thông tin, kiến thức thuận lợi hơn, thu hẹp khoảng cách địa lý, không gian, linh hoạt về thời gian. Cô Lưu Khánh Giang, trưởng bộ môn toán, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) cho rằng, từ ngày nhà trường triển khai dạy học trực tuyến, kết nối giữa dạy học trở nên chặt chẽ hơn. Cô giáo đúng nghĩa đồng hành cùng học sinh, có thể giải đáp khúc mắc cho học trò bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào, miễn trong tay cô có điện thoại thông minh có kết nối internet đủ mạnh...

Năm 2022, toàn ngành giáo dục xây dựng được kho dữ liệu bài giảng điện tử gồm 7.000 bài giảng ở tất cả các môn học, khối lớp. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông cũng được xây dựng và kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, có gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%) và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên (đạt 95%) được số hóa thành công. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để hoàn thiện cơ sở dữ liệu của 100% giáo viên, học sinh trong năm học này.

Nỗ lực bứt phá

Lấy Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia làm tiền đề, ngành giáo dục đã triển khai sâu rộng nhiều giải pháp bứt phá. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, tốt nghiệp trung học phổ thông, công tác xét tuyển, áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy học và hiện đại hóa công tác quản lý... là những giải pháp góp phần đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục. Kết quả đạt được thể hiện rõ nét qua những con số ấn tượng: Thu thập dữ liệu của 100% trường học (khoảng 53 nghìn trường) ở bậc mầm non và phổ thông: với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 2,4 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thông tin về thể chất của học sinh; xây dựng dữ liệu quản lý về thừa, thiếu giáo viên; quản lý sức khỏe học sinh; Triển khai cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS): Thu thập, số hóa dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học. Đồng thời, thu thập dữ liệu về nghiên cứu khoa học; thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử giúp giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường; thực hiện hơn 7.000 bài giảng E-learning và video bài giảng, thực hiện bản điện tử toàn bộ các bộ sách giáo khoa phổ thông...

Giáo dục và những bứt phá từ chuyển đổi số ảnh 2

Học ngoại ngữ trực tuyến mang lại lợi ích và tiết kiệm chi phí cho người học.

Những kỳ tuyển sinh từ năm 2020, thí sinh dự thi, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đều phải nhập thông tin cá nhân, điểm học bạ, điểm xét tuyển, ngành... thông qua phiếu xét tuyển trong tập hồ sơ tuyển sinh. Việc này mất nhiều thời gian nhập liệu, nhân lực thực hiện, dễ sai sót thông tin, tốn kém chi phí. Đến kỳ tuyển sinh năm 2021, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký trực tuyến, góp phần tăng tính minh bạch, thuận lợi tiết kiệm cho phụ huynh, học sinh. Năm 2022, để chuẩn bị triển khai đăng ký dự thi trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có kết nối, trao đổi và đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3 triệu hồ sơ và khoảng 24 triệu học sinh. Theo đó, kỳ thi năm 2022, có gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12 được đồng bộ để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Bước chuyển đổi này không chỉ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi phí của người dân mà còn bảo đảm tính minh bạch, chính xác trong suốt quá trình tuyển sinh. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024.

Chuẩn bị cho các kỳ thi trong năm tới, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi mạnh mẽ toàn diện hơn nữa, khắc phục tốt những khiếm khuyết bộc lộ trong những kỳ trước để ngày càng hoàn thiện.