Nhân vật - Đối thoại

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai: “Thiên tai năm 2024 sẽ rất cực đoan”

NDO - TS Nguyễn Ngọc Huy là một nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu, và thời tiết cực đoan, với trang Facebook Huy Nguyen thu hút hơn nửa triệu người theo dõi, ngóng chờ những dự báo đi kèm khuyến cáo rất kịp thời, thiết thực về các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan và bất thường.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Ngọc Huy. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông
TS Nguyễn Ngọc Huy. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Trao đổi với Nhân Dân hằng tháng, TS Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ:

Sự bất thường của thời tiết đầu năm 2024 ở Việt Nam là do ảnh hưởng bởi giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El-Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và sắp tới sẽ chuyển sang pha lạnh La-Nina. Như vậy, chỉ trong 1 năm, chúng ta phải trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Điển hình của chuyển pha trong giai đoạn giao mùa là đang ngày nóng lại bất ngờ xảy ra mưa phùn, ẩm ở miền bắc, trong khi miền nam thì đang ghi nhận tháng 2-3 và tháng 4 nắng nóng hơn so với những năm trước, trung bình nhiệt độ cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ.

El-Nino và La-Nina là hiện tượng thời tiết có từ hàng trăm năm trước. Vào thế kỷ 17, các nhà thám hiểm đại dương của Tây Ban Nha đã phát hiện những hiện tượng khác nhau của nền nhiệt độ trên bề mặt biển sẽ ảnh hưởng đến thời tiết và sản lượng cá ở các dòng biển ấm trên biển. Nhưng gần đây sự chuyển pha của khí hậu đột ngột hơn và mật độ dày hơn. Chẳng hạn chu kỳ lặp lại của La-Nina và El-Nino ở mấy thập kỷ trước thường 7-8 năm, có khi 10 năm và ít cực đoan. Nhưng giai đoạn gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu làm cho các pha của El-Nino và La-Nina ngắn hơn. Giai đoạn cuối năm 2020 đến giữa năm 2023 là giai đoạn La-Nina thịnh hành. Dự báo, El-Nino sẽ chấm dứt vào tháng 5 năm nay sau đó chuyển sang pha trung tính từ tháng 6 đến tháng 7. Đến tháng 8/2024, La-Nina được dự báo sẽ quay trở lại. Như vậy việc chuyển pha rất thường xuyên và không có giai đoạn trung tính, hoặc có trung tính nhưng chỉ trong một quãng ngắn. Hiện tượng nóng lên của toàn cầu làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn, gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa thất thường hơn. Sự thay đổi này có sự tác động rõ ràng của con người, chủ yếu nằm ở quá trình phát thải khí nhà kính làm Trái đất nóng lên, tác động đến quy luật của thời tiết. Tôi nhận định thiên tai trong năm 2024 sẽ rất cực đoan.

Cụ thể sẽ cực đoan thế nào, thưa ông?

Dự báo giai đoạn đầu và giữa mùa hè, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 sẽ có nhiệt độ nóng hơn so với trung bình chung của nhiều năm, không loại trừ khả năng có những ngày nắng cực đoan mà nền nhiệt sẽ vượt quá kỷ lục ở những năm trước. Trong tháng 5 chuẩn sai nhiệt độ (chênh lệch nhiệt độ trung bình) được dự báo là sẽ cao hơn từ 1,75 đến 2 độ C ở hầu khắp các vùng của cả nước. Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, sinh kế cũng như sức khỏe của con người. Đặc biệt, giai đoạn này sẽ có khó khăn vì nhu cầu sử dụng điện tăng cao, gây phụ tải gia tăng, dẫn đến khả năng cung ứng điện giảm, đặc biệt là tại khu vực miền bắc. Đồng thời với thời điểm đó, lượng mưa phía Tây Bắc ít hơn so với trung bình chung của nhiều năm khiến nhiều hồ chứa thủy điện thiếu nước và giảm sản lượng điện.

Tháng 6 mới có hiện tượng mưa nhiều ở miền bắc, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Khi xảy ra mưa đầu mùa sẽ có các cơn mưa rào cục bộ, cực đoan, rất lớn trong phạm vi hẹp có thể tạo ra các nguy cơ ngập lụt cục bộ, nhất là khu vực Hà Nội, Vĩnh Yên, Thái Nguyên và Đà Lạt. Điều này xảy ra do hiện tượng bốc hơi cục bộ do nắng nóng ở đô thị, ngưng tụ gây mưa dông trong thời gian ngắn. Trong khi đó, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Bộ có thể đối diện với nắng nóng và hạn hán cục bộ trong giai đoạn này.

Giai đoạn cao điểm của La-Nina là từ tháng 10 đến tháng 12, sẽ có lượng mưa trung bình chung cao hơn so với các năm trước. Cụ thể là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sẽ là những nơi mưa rất lớn trong năm nay.

Tôi nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực biển Đông và đất liền của Việt Nam.

Thời điểm kết thúc El-Nino và bắt đầu La-Nina trong năm nay cũng khá tương tự với năm 1964 - năm Giáp Thìn. Năm ấy lũ lụt rất lớn ở miền trung, hơn 10.000 người chết. Chúng ta cần cảnh giác và có phương án dự phòng để ứng phó với các điều kiện thời tiết cực đoan. Cho dù bây giờ cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng nếu mưa cực đoan vượt ngưỡng chống chịu của hạ tầng thì cũng rất khó ứng phó. Nếu không có dự báo xa mà chỉ dự báo ngắn ngày thì trở tay không kịp với những trận lụt lớn.

Theo ông, những hiện tượng thời tiết cực đoan có phải nguyên nhân từ diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá rất lớn, nhiều con sông bị chặn đứng làm thủy điện và khí thải độc hại chưa được kiểm soát?

Rõ ràng là có mối liên quan giữa diện tích rừng bị giảm và thời tiết cực đoan. Khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, cho nên rừng ở châu Phi, ở Đông Nam Á bị phá cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Rừng có tác động lớn đến tiểu khí hậu. Một thành phố có nhiều cây sẽ mát mẻ, trong lành hơn là thành phố bị bê-tông hóa. Điều đó có thể thấy rõ ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã vượt quá ngưỡng chịu tải của hạ tầng tự nhiên, nhiều hồ nước bị lấp, nhiều công viên cây xanh bị thu hẹp. Trong những ngày nắng nóng, hàng trăm nghìn điều hòa xả ra khí thải, hơi nóng tích tụ nhiệt trong môi trường, tạo ra những đảo nhiệt trong đô thị.

Muốn giảm nắng nóng phải có quy hoạch dài hạn chứ không chỉ trông mong vào ứng phó tức thời của mỗi người. Không thể cấm người dân bật điều hòa, nhưng với mật độ dân số và xây dựng vừa phải thì mức độ tương tác với môi trường sẽ giảm đi tính cực đoan của thời tiết.

Những bất cập trong công tác quy hoạch như quy hoạch rồi lại điều chỉnh hoặc phá vỡ quy hoạch, dành quá nhiều không gian cho công trình xây dựng mà ít để tâm tới không gian cho tự nhiên làm cho không gian ngày càng nóng bức, ngột ngạt.

Theo ông, đâu là điều cấp bách nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan?

Về mặt chính sách, Việt Nam đã có chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có kế hoạch chiến lược ứng phó thiên tai với tầm nhìn 5 năm, 10 năm, thậm chí xa hơn.

Ở góc nhìn của tôi, điều cấp bách nhất là mỗi người và mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Người ta vẫn thường nói “nước nổi thì bèo nổi”, người Việt Nam thấy nước lên thì kê cao đồ đạc, be bờ. Nhưng đó là những thích ứng tự phát mang tính “nước đến chân mới nhảy”. Hầu hết những thích ứng tự phát của người Việt sẽ không có hiệu quả lâu dài. Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy vai trò của chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau trong việc thích ứng rất quan trọng, cần phải định hướng quá trình đó chứ không nên để người dân thích ứng tự phát.

Nhà nước có vai trò định hướng chính sách và hoạch định con đường nhưng thực hiện phải là toàn dân, từng người một. Vì thế, phải thay đổi cả nhận thức và hành động của người dân - đó mới là điều cốt lõi để tạo ra những thành quả cụ thể. Chính quyền thay đổi chỉ nằm ở mức chính sách. Chính sách mà không có người dân thực thì không có ý nghĩa.

Là một KOL chuyên dự báo thời tiết trên mạng xã hội, ông cảm nhận thế nào về sự quan tâm tới khí hậu và thời tiết của người dân hiện nay và có lúc nào ông dự báo sai?

Người dân rất quan tâm đến thời tiết vì nó ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động dân sinh, kinh tế, vui chơi giải trí, thậm chí là cảm xúc. Tôi vẫn thường xuyên nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi về thời tiết hàng ngày hoặc thông tin thời tiết phục vụ các sự kiện.

Về thông tin dự báo thì tôi cũng có lần dự báo sai chứ. Một số nhận định thời tiết của tôi từng bị sai nhưng rất may chưa có những bản tin sai nghiêm trọng. Đặc biệt hiện nay xuất hiện những loại hình thời tiết cục bộ, thay đổi rất nhanh. Những điều đó làm công tác dự báo khó khăn hơn, đòi hỏi mình phải cập nhật dữ liệu thường xuyên hơn.

Ngay cả với các kiến thức dân gian và kiến thức bản địa cũng ít còn phù hợp trong giai đoạn này. Những dự báo dựa vào kinh nghiệm truyền thống như: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” có tính chính xác kém hơn ngày xưa vì đơn giản là môi trường đã thay đổi.

Ở Hà Nội có năm 2019 hoa sữa nở vào tháng 5 trong khi bình thường phải nở vào mùa thu. Đơn giản là đầu năm nắng nóng liên tục khiến cây lầm tưởng vừa trải qua một mùa hè. Rồi khi cây gặp một cơn mưa đầu hè, khí hậu mát mẻ nên bung hoa. Như vậy ngay cả cây cối cũng bị đánh lừa chứ đừng nói đến côn trùng. Đó chính là sự biến đổi không còn theo quy luật của thời tiết và khí hậu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!