Giáo dục nghề nghiệp

Những chuyển động tích cực

NDO - Thời gian gần đây, vào đại học không còn là ước mơ quá cao xa của học sinh năm cuối trung học phổ thông. Xu hướng người học cân nhắc lựa chọn theo hướng học nghề hơn là học lên cao ngày một phổ biến. Ðể đáp ứng nhu cầu ngày càng sát thực đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có nhiều chuyển động tích cực và toàn diện...
0:00 / 0:00
0:00
Học viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong một buổi thực hành.
Học viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong một buổi thực hành.

Cân nhắc để có lựa chọn phù hợp

Đỗ vào ngành Kế toán, Trường đại học Thương mại năm trong kỳ tuyển sinh năm 2023, Nguyễn Duy Tùng (Hưng Hà, Thái Bình) sau nhiều cân nhắc các yếu tố, khả năng tài chính gia đình, sức học của bản thân, quyết định quay xe phút cuối, không nộp hồ sơ vào đại học, mà học nghề công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Theo Tùng nhìn nhận, khối ngành kinh tế hiện tại đang có xu hướng nhiều người theo học, bốn năm nữa, cơ hội việc làm sẽ ít và khó khăn, hơn nữa, vốn yêu thích khám phá máy móc, mơ ước được sở hữu một chiếc ô-tô, cho nên Tùng thật sự hài lòng và tự tin với sự lựa chọn của mình.

Sự thay đổi của Tùng chỉ là một trong 117.795 thí sinh (chiếm 19,2%) trúng tuyển đại học đợt 1 không làm thủ tục xác nhận nhập học trên hệ thống- số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật sau mùa tuyển sinh đại học 2023. Bày tỏ quan điểm về điều này, giới chuyên gia cho rằng, đây là biểu hiện tích cực, bởi người học đã phần nào thể hiện sự chủ động, có trách nhiệm hơn trong lựa chọn nghề nghiệp. Người trẻ ý thức rõ, trong nhiều trường hợp, học đại học không phải là lựa chọn tối ưu trong lập thân lập nghiệp.

Không chỉ ở cấp THPT, chủ trương học kép, vừa học văn hóa, vừa học nghề đã được triển khai mạnh mẽ, hiện thực hóa chủ trương phân luồng ngay từ cấp trung học cơ sở. Em Nguyễn Quốc Thuận, dân tộc Tày ở xã Bài Kịnh, Phú Lương (Thái Nguyên) vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ vừa học vừa làm tại Trường cao đẳng nghề Số 1 thuộc (Bộ Quốc phòng), lớp trung cấp cắt gọt kim loại. Thuận cho biết, vừa tốt nghiệp, em kiếm được việc làm ngay tại Công ty cổ phần Thành Long (Văn Lâm, Hưng Yên), với thu nhập tầm 8,5-12 triệu đồng/tháng. Chủ trương học kép đã giúp em tiếp cận sớm với công việc chuyên môn, tiết kiệm được thời gian, chi phí học tập...

Em Nguyễn Anh Thư (Quận 9, TP Hồ Chí Minh) năm ngoái thi vào 10 THPT không đỗ vào trường công lập như mong muốn cũng đã nhanh chóng đưa ra lựa chọn theo học hệ 9+ tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist. Ở đó, em được học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên vào các buổi sáng, học nghề vào buổi chiều. Sang năm có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có thêm bằng trung cấp, Thư dự định tiếp tục học sâu hơn về chuyên môn để có thể đáp ứng công việc tốt hơn cho tương lai.

Tạo lối đi thông thoáng cho GDNN

Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hiện cả nước có 1.905 cơ sở GDNN trong đó có 410 trường cao đẳng (96 trường ngoài công lập, chiếm 23,4%), 437 trường trung cấp (229 trường ngoài công lập, chiếm 52,4%), 1.058 trung tâm GDNN (358 trung tâm GDNN ngoài công lập, chiếm 33,8%). Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 683 cơ sở, chiếm 35,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ.

Để các cơ sở GDNN hoạt động hiệu quả, hàng loạt các chính sách đã được đồng thời triển khai. Theo đó, các quy định của Luật GDNN được rà soát điều chỉnh sát với tình hình thực tế; bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư trong lĩnh vực GDNN; tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng, liên thông, khuyến khích phát triển GDNN. Các cơ sở GDNN chú trọng cập nhật dữ liệu vào phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu, trang văn bằng, trang tuyển sinh và ứng dụng chọn nghề...

Nhìn nhận về xu hướng ngày càng nhiều học sinh lựa chọn học nghề sớm, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lạc quan cho rằng, đó là tín hiệu tích cực. Dữ liệu cập nhật từ các địa phương cho thấy, công tác GDNN đang được triển khai hiệu quả. Một số ngành nghề chủ lực có số lượng thí sinh đăng ký học xu hướng tăng mạnh. Thời gian tới, các cơ sở GDNN cần nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng nghiệp để thu hút người học.

Những chuyển động tích cực ảnh 1

Giáo viên Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đang trình giảng bài giảng tích hợp nghề Công nghệ kỹ thuật Cơ khí.

TS Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Số 1 cho hay, chương trình đào tạo 9+ với lợi thế mở thời gian qua đã thu hút được người học. Theo đó, sau 3 năm, học viên đồng thời được nhận 2 tấm bằng, tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp hoặc bằng cử nhân thực hành (được học liên thông cao đẳng). Như vậy, 18 tuổi, học viên đủ kỹ năng nghề để đi làm kiếm sống hoặc học liên thông song song hệ cao hơn. Chỉ học thêm 1 năm, học viên được cấp bằng kỹ sư thực hành. Với lợi thế đó, các cơ sở GDNN tuyển sinh hiệu quả hơn trong những năm gần đây...

Nhiều chính sách thu hút người học

Làm bánh vốn là sở thích cho nên em luôn vui vẻ hứng khởi với những tiết học nghề. Hơn thế nữa, các thầy cô giáo trường em đều giỏi nghề, em luôn tự tin được học kiến thức nền tảng và những xu hướng ẩm thực mới, sự tinh tường khéo léo trong nghề bếp... Nguyễn Anh Thư chia sẻ.

Gắn kết doanh nghiệp và các trường nghề trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là hướng đi đúng đắn trong tình hình thị trường lao động hiện nay. Các cơ sở GDNN có xu hướng thu hút học viên bằng cách thiết thực nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng và tăng thời gian thực hành để học viên được cọ xát thực tế nhiều nhất có thể. “Trăm hay không bằng tay quen, để đạt được đến trình độ lành nghề, quan trọng nhất là giành nhiều thời gian cho thực hành. Khi đạt đến độ lành nghề, học viên ra trường chắc chắn có việc làm”, nhà giáo Phạm Văn Hòa tự tin khẳng định.

Việc xây dựng quỹ học bổng khuyến khích, các chương trình nghiên cứu khoa học, tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học, các hoạt động thể thao... nhằm thúc đẩy sự năng động trong phong trào thi đua cũng được các trường nghề chú trọng nhằm quảng bá, khẳng định tên tuổi của cơ sở mình-TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội lạc quan cho biết.

Để nâng cao chất lượng, hệ thống trường nghề đều đưa ra các chủ trương như tăng cường kết nối nhằm tận dụng nguồn lực giữa các trường; tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; phát triển các hội đồng kỹ năng ngành; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong giám sát, phản biện chính sách về GDNN; đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm.

Hiện thực hóa những chủ trương trên, TS Đồng Văn Ngọc cho biết, từ mùa tuyển sinh năm 2023, nhà trường đã chủ động thí điểm cách làm mới. Theo đó, học viên ngay từ đầu vào làm hồ sơ nhập học sẽ nhận lại phiếu đăng ký nguyện vọng cá nhân với nhà trường, rằng sau khi tốt nghiệp mong muốn được làm việc tại địa phương, hay Hà Nội, thậm chí lao động nước ngoài. Với chính sách tuyển sinh kèm tuyển dụng như thế, năm ngoái, số lượng tuyển sinh vào trường tăng vượt bậc so với những năm trước. Hiện, nhà trường đang tạo dựng được mạng lưới đối tác ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ có thị trường lao động nhộn nhịp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Phần Lan... Sự hỗ trợ đó chính là sự khẳng định, lời cam kết mạnh mẽ với học viên về chất lượng đào tạo, uy tín thương hiệu của nhà trường.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN. Cuộc thi trở thành hoạt động thường niên nhằm mục đích phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; thúc đẩy học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống.

Học viên hiện nay khi đưa ra lựa chọn con đường học nghề thường cân nhắc kỹ sự lành nghề để ra đời dễ kiếm việc làm, mang lại thu nhập tương xứng. Chúng tôi luôn tận dụng các phương pháp, công nghệ hiện đại để người học có thể nắm bắt được những kiến thức cốt lõi và có kỹ năng thực hành nghề ở trình độ cao nhất. Qua đó để khi học sinh, sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay được công việc ở những vị trí việc làm mà xã hội đang cần- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga trong buổi Hội giảng Nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2023 đã phát biểu đầy tâm huyết.

Trong khi bạn bè trang lứa có ước vọng cao xa, học viên Nguyễn Duy Tùng chỉ phấn đấu học nghề thật tốt để ra trường kiếm được việc làm ngay, ước mơ tương lai không xa sẽ được làm chủ một xưởng gara ô-tô ngay tại Hưng Hà quê hương anh.