Những hệ lụy từ bón phân sai cách
“Bạn có biết, 30%-40% chi phí sản xuất nông nghiệp là dành cho phân bón, trong khi đó 60% lượng phân thất thoát không được cây cối hấp thụ do bón phân sai cách. Vòng luẩn quẩn giữa bón phân và thoái hóa đất sẽ bào mòn thu nhập của nông hộ và gây hủy hoại môi trường. Bởi chỉ riêng phân bón đã đóng góp tới 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, lớn hơn cả vận chuyển đường không lẫn đường thủy cộng lại”. Anh Nguyễn Đỗ Dũng đã mở đầu cuộc trò chuyện xoay quanh công nghệ bón phân thông minh - sản phẩm đầy tâm huyết “dán nhãn” enfarm Agritech bằng những câu hỏi nặng trĩu ưu tư.
Người nông dân trong mắt anh Dũng luôn rất đơn độc. Canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, họ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ nguồn dữ liệu khoa học. Không chỉ từng ngày đối mặt rủi ro về khí hậu, thời tiết, họ còn nỗi lo thường trực về thị trường như được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Vậy mà thu nhập trung bình của họ rất thấp, chỉ 3,6 triệu đồng/tháng. Với ngành cà-phê trong nước, dù sản lượng xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới và lớn nhất - nếu tính riêng lượng robusta, họ chỉ được hưởng 2% ít ỏi giá trị của một ly cà-phê bán ra nên vẫn là chủ thể có lợi ích thấp nhất, dễ tổn thương nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng.
Với Tiến sĩ Hồ Long Phi - người từng là chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, giải bài toán phân bón cũng đồng nghĩa với góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Tốn rất nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất phân đạm, nhưng nếu lượng phân ấy không được cây thẩm thấu hết, nó sẽ sinh ra khí dinitơ monoxide gây tăng nhiệt độ trái đất nhanh hơn rất nhiều vì khả năng giữ nhiệt lớn gấp 300 lần so với khí carbonic. Lượng phân dôi dư lên tới khoảng 6,6 triệu tấn/năm đã khiến đất bị chua, vì thế nông dân lại buộc phải bón thêm, vừa tăng chi phí vừa khiến độ chua càng thêm trầm trọng.
Giá phân bón đã tăng gấp ba lần trong ba năm vừa qua. Tính theo mức hiện tại, quy mô thất thoát hằng năm có thể lên tới 3,6 tỷ USD. Đã thế, phần phân dư bị rửa trôi theo nước mặt khi mưa xuống lại thẩm thấu vào tầng nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước. Đúng là hại đơn, hại kép!
Bắt đúng bệnh, kê trúng toa
Lo lắng, trăn trở trước những hệ lụy mà người nông dân và môi trường đang phải oằn lưng gánh vác từng ngày, enfarm Agritech quyết định nghiên cứu và phát triển giải pháp thiết bị công nghệ bón phân thông minh bằng cách ứng dụng internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Bộ thiết bị enfarm F (thiết bị cầm tay dành cho mọi loại trang trại) và enfarm F+ (thiết bị tự động dành cho trang trại quy mô từ 10 ha trở lên) gồm hai cấu phần (thiết bị cảm biến thu thập thông tin và thiết bị ghi - truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ để phân tích, cung cấp những khuyến cáo thiết thực để hỗ trợ người dùng qua ứng dụng điện thoại). AI của enfarm sẽ đánh giá đồng thời các tiêu chí của bốn thành phần đất, nước, cây trồng và phân bón để đưa ra những giải pháp canh tác phù hợp (bón phân gì và liều lượng bao nhiêu, bón khi nào và phải tưới bao nhiêu nước).
Không bao giờ có một công thức duy nhất cho mọi mảnh vườn, bởi tình trạng dinh dưỡng của cây và đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (lượng nước tưới để hòa tan phân, khả năng giữ nước và khả năng lưu lại phân bón của tầng đất, nhu cầu và khả năng hấp thụ của cây trồng) nên bộ thiết bị này đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp đồng hành và tận tình hỗ trợ nhà nông 24/7.
Là công nghệ duy nhất được kiểm chuẩn với đặc điểm thổ nhưỡng cùng từng loại cây trồng (cà-phê, sầu riêng, thanh long…) tại Việt Nam, đây cũng là công nghệ duy nhất tư vấn cho nhà nông bằng tiếng Việt. Không chỉ có vậy, ứng dụng enfarm còn đưa ra những tư vấn thiết yếu giúp người nông dân tăng thu nhập (tăng năng suất tới 20% với cùng hoặc ít hơn lượng phân, giúp tiết kiệm tới 50% phân bón, chẩn đoán sâu bệnh bằng AI, dự báo giá cả thị trường…).
Kỹ sư nông nghiệp của enfarm hướng dẫn bà con ở HTX ROFC (K'Rông Năng, Đắk Lắk) sử dụng công nghệ bón phân thông minh - Nguồn: Enfarm |
Với ưu thế vượt trội về giá cả và mức độ dễ sử dụng so với sản phẩm cùng loại có giá khởi điểm hơn 3.000 USD của công ty Teralytic (Mỹ), thiết bị công nghệ này phù hợp với điều kiện nông nghiệp của một quốc gia đang phát triển với quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Chỉ với chi phí thuê thiết bị khoảng 5,1 triệu đồng/ha/năm, bảy chỉ số của đất (ba chỉ số phân bón N-P-K, độ ẩm, độ PH, độ dẫn điện và nhiệt độ) được thiết bị cảm biến chôn sâu 30cm dưới đất cần mẫn truyền dữ liệu theo thời gian thực về máy chủ đặt tại TP Hồ Chí Minh, với tần suất 15 phút/lần, từ đó cho ra những khuyến nghị kịp thời, khoa học và hiệu quả. Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã kết luận, công nghệ enfarm đạt mức chính xác (tương đương phòng thí nghiệm) 90% với hai nguyên tố N và K, 70% với nguyên tố P và 99% với độ ẩm trong đất.
Nhờ thiết bị báo đã đủ lượng phân, ông Phan Minh Tĩnh, xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột quyết định ngừng bón nên không những tiết kiệm được 3 triệu đồng chi phí mà cây cà-phê vẫn sinh trưởng rất tốt. Với ông Đoàn, Giám đốc sản xuất của Hợp tác xã nông nghiệp Công bằng và bền vững Helena Chư K’Bô, sở hữu 450 ha cà-phê robusta, “công nghệ đã mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí bón phân nhưng vẫn tăng năng suất cây trồng”.
Nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản
Từ tháng 9/2023, enfarm quyết định thí nghiệm triển khai thiết bị tại 2 hợp tác xã và 10 nông hộ trên vùng trồng cà-phê có diện tích gần 1.000 ha tại Đắk Lắk và sau đó triển khai bán hàng chính thức từ tháng 2 năm 2024. Đến nay, hơn 500 cảm biến đã được lắp đặt. Công nghệ đo dinh dưỡng thông minh giúp tăng 20% năng suất với cùng chi phí đầu vào. Với mức giá ổn định 120 triệu đồng/tấn cà-phê nhân và năng suất trung bình 3,5 tấn/ha, 20% gia tăng năng suất đã mang lại cho người làm vườn khoản tiền không nhỏ, hơn 80 triệu đồng/năm.
Trong năm 2024, enfarm Agritech đặt mục tiêu mở rộng và hoàn thành việc áp dụng công nghệ để một vài loại cây trồng khác như sầu riêng, mít và bơ có thể đồng thời vươn tới Đồng bằng sông Cửu Long. Sự hỗ trợ từ Nhà nước cùng sự giúp sức chung tay của những tổ chức, đơn vị cùng chung chí hướng thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững là những điều mà tập thể enfarm đang hướng tới.
Nhìn xa hơn, đội ngũ enfarm kỳ vọng vào việc gia tăng giá trị kinh tế cho nông sản, giúp nông dân có thể làm giàu từ đôi bàn tay cần cù chăm chỉ. Nếu bà con cắt giảm lượng phân hóa học, nếu thiết bị cảm biến chứng minh được vị trí trồng cà-phê không có nguồn gốc đất từ hoạt động phá rừng bằng một mã vùng trồng, cà-phê Việt sẽ được cộng thêm điểm, được thu mua với giá cao hơn bởi các nhà nhập khẩu cũng như xuất khẩu nông sản từ châu Âu. Thêm nữa, nhờ nắm chắc hai đại lượng carbon đầu vào (phân bón) và đầu ra (số cây trồng hấp thụ), nguồn lợi tín chỉ carbon thu được sẽ giúp cà-phê bán được giá tốt hơn, nhờ phương thức canh tác thân thiện với môi trường.
Trong tương lai, vị CEO nhiệt huyết với nông nghiệp xanh, bền vững này còn theo đuổi giấc mơ chuẩn hóa nông sản với sự công nhận của các tổ chức quốc tế uy tín, khi những sản phẩm đóng dấu enfarm có thể truy xuất toàn bộ quy trình trồng trọt. Người nông dân sẽ có thể nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình, thay vì ngậm ngùi nhận lợi ích thấp nhất nhưng phải gánh chịu rủi ro cao nhất - như bây giờ.
Trạm cảm biến - một trong hai cấu phần của Bộ phân tích thiết bị. Nguồn | Enfarm |