Giáo dục vùng cao nhiều khởi sắc

Toàn tỉnh Ðiện Biên hiện có 169 trường mầm non, 140 trường tiểu học, 123 trường THCS, 33 trường THPT. Trong điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế, nỗ lực vượt khó đã mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học tại trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ta Ma.
Một tiết học tại trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ta Ma.

Số lượng trường đạt chuẩn tăng

“Các cháu là những bông hồng/Các cô là những người trồng nên hoa”. Trong các lớp học Trường mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, các bé mặc đồng phục trông đáng yêu, kháu khỉnh, hồn nhiên ca hát và vui chơi. Vất vả, bận rộn dạy dỗ từ sáng đến tối, các cô giáo vẫn tranh thủ thời gian trang trí lớp, làm đồ dùng, đồ chơi. Các phòng học khang trang trang bị đầy đủ thiết bị học tập, sân chơi lát gạch rộng rãi đáp ứng tốt nhất cho chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cách đó không xa, Trường tiểu học xã Thanh Hưng cũng đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngoài các phòng học còn có các phòng bộ môn, phòng hỗ trợ học tập trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, sân bóng đá, bóng rổ... tạo tổng thể khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thơm hồ hởi chia sẻ về điểm trường khang trang không kém, gồm 5 phòng học kiên cố, có cả phòng tin học, nhà ăn, sân chơi, bãi tập. Các thầy cô chịu khó tìm tòi, học hỏi, tâm huyết kèm cặp, bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin khi giảng dạy, tạo nhiều hứng thú trong tiết học. Các hoạt động trải nghiệm, văn hóa thể thao, giáo dục kỹ năng sống lôi cuốn, hấp dẫn giúp trò thêm tự tin, năng động.

Tỉnh Điện Biên ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công và ngân sách sự nghiệp hằng năm để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Các nguồn lực đầu tư được quản lý chặt chẽ và triển khai hiệu quả, những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được tăng cường. Cùng với đó, công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được đẩy mạnh, huy động thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều phòng học được tu sửa, khu nhà ở bán trú và công vụ, bếp ăn, công trình phụ được xây mới. Đến nay, tỷ lệ phòng học, phòng bộ môn kiên cố đã đạt hơn 70%.

Công tác xây dựng kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, chiến lược của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, tạo diện mạo mới, sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 362/463 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 78,19% (cao hơn 20% so với tỷ lệ chung toàn quốc).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt cho biết, tỉnh Điện Biên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2014, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2015, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2 năm 2020. Đến nay, kết quả vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình lớp học, cấp học ngày càng nâng lên; học sinh được quan tâm cả về kết quả học tập các môn văn hóa và phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tỉnh nghèo xa xôi, Sở chủ động đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ, lãnh đạo tỉnh quan tâm, xác định đầu tư giáo dục là ưu tiên nên khó khăn phần nào vơi bớt. Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đặng Thị Ngọc Hà hồ hởi chia sẻ, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của huyện đạt hơn 90%, có thời điểm đứng nhất tỉnh.

Nhiều năm nay, Phòng duy trì sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường, cấp huyện để cùng trao đổi, tư vấn nâng cao chất lượng chuyên môn, các trường tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục phù hợp đối tượng học sinh.

Giáo dục vùng cao nhiều khởi sắc ảnh 1

Cô trò Trường Mầm non xã Thanh Luông. Ảnh trong bài | MẠNH TRƯỜNG

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Hoàng Văn Thông, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường tiên phong đổi mới sáng tạo với nhiều quan điểm giáo dục hiện đại, phù hợp, tạo điều kiện để mỗi học sinh phát huy năng lực bản thân, suy nghĩ tích cực, hành động thông minh, sống có trách nhiệm, tự tin hòa nhập với vai trò là một công dân toàn cầu.

Phát triển giáo dục dân tộc là thế mạnh

Kỷ niệm sâu đậm không thể nào quên trong đời dạy học của thầy Nguyễn Phúc Đồng, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ta Ma là lần tổ chức cho học sinh vui Tết Trung thu khi vừa về trường công tác. Chứng kiến lần đầu tiên các em biết đến Trung thu, được ăn bánh kẹo, rước đèn, thầy trào dâng niềm xúc động. Thầy Đồng cùng nhiều thầy cô giáo “cắm bản” đã 9 năm tại xã Ta Ma cách thị trấn Tuần Giáo 40 km, nơi còn nhiều hộ nghèo. Tất cả học sinh trường là người dân tộc Mông, Kháng, trong đó có 257 học sinh bán trú. Điểm trường xa nhất cách trường trung tâm tới 12 cây số, có 1 lớp ghép, chưa có điện, ngày đông giá rét, dẫu dạy và học rất vất vả không làm nhụt chí thầy trò. Thầy giáo người Mông Sùng A Vàng kể, học sinh vào lớp 1 không biết nói tiếng phổ thông, phải dạy song ngữ, kiên trì rèn cặp, chỉ bảo từng li, từng tí để các em biết đọc, viết và hiểu nghĩa tiếng Việt.

Làm việc trong môi trường cởi mở, luôn được khích lệ, động viên, các thầy, cô cố gắng nâng cao trình độ, vượt khó, bám trường, bám lớp, yêu nghề mến trẻ, nhiều người đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Phụ huynh thấu hiểu, chỉ có cho con đi học biết cái chữ mới bớt nghèo, bớt khổ nên hăng hái đưa con tới trường, không còn cảnh mỗi sáng giáo viên đến tận nhà đón học sinh. Lên lớp 3 các em chuyển về ăn ở, học tập trung tại trường trung tâm, buổi đầu còn khóc vì nhớ nhà, các thầy cô vỗ về, rèn cặp vào nề nếp, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài giờ học, các em trồng rau, chơi thể thao, ca múa rộn ràng, tối tối chăm chỉ học bài. Mỗi lần được thầy, cô khen, cho điểm tốt, học sinh thêm hứng khởi, hăng say, chất lượng giáo dục càng nâng lên.

Hơn 80% học sinh trong tỉnh là người dân tộc thiểu số, do đó phát triển giáo dục dân tộc được đặc biệt chú trọng, với hệ thống cơ sở các trường: phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú được quan tâm đầu tư cả về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện sinh hoạt, quy mô và chất lượng ngày càng tăng. Chủ trương tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số khẳng định hiệu quả trong thực tiễn.

Trưởng phòng Giáo dục huyện Tuần Giáo Đỗ Văn Sơn trải lòng, huyện có hơn 70 điểm trường tiểu học, 95 điểm trường mầm non, mô hình “nhà ba cứng” cùng hạng mục công trình phụ trợ được đầu tư đồng bộ tạo môi trường sư phạm thuận lợi. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ gạo, chi phí học tập, cả tuần ăn ở, học tại trường góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Huyện Điện Biên hiện có 14 trường có học sinh ở bán trú, trong đó có 8 trường phổ thông dân tộc bán trú. Sống trong môi trường tập thể, các em đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau. Các thầy cô tận tâm chỉ bảo, giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động ngoài giờ lên lớp tạo không khí vui tươi, giúp học sinh thêm yêu trường, mến lớp.

Nhìn chung, mặt bằng đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương. Do đó, cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách để các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó cống hiến lâu dài với giáo dục vùng cao, đồng thời bổ sung nguồn tuyển giáo viên các môn chuyên biệt, đổi mới phương pháp dạy học. Trong bối cảnh cơ sở vật chất nhiều trường đã xuống cấp, nhiều điểm trường xa trung tâm chưa có điện nên không được tiếp cận các thiết bị dạy học hiện đại, cần tăng cường nguồn lực đầu tư đáp ứng kịp thời sự phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách với các tỉnh miền xuôi.