Phát triển y tế chuyên sâu

Bứt phá vượt tầm khu vực

NDO - Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chú trọng đầu tư phát triển chuyên sâu vẫn là mấu chốt để đưa nền y học Việt Nam tiệm cận với thế giới. Đã có nhiều bệnh viện hàng đầu ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới vào công tác khám, chữa bệnh ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, ngành ghép tạng tiếp tục trở thành điểm sáng khu vực châu Á, được ghi nhận là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật của năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo thăm gian hàng giới thiệu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh | Tâm An
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo thăm gian hàng giới thiệu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh | Tâm An

Người nước ngoài chọn Việt Nam chữa bệnh

Cuối tháng 11/2023, PGS,TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cùng ekip đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ cho bé gái 4 tuổi người Australia khiến tên tuổi, uy tín của các bác sĩ và ngành y tế Việt Nam thêm một lần được khẳng định mạnh mẽ. Bệnh nhân sống ở Bali (Indonesia), sau khi khám, các chuyên gia từ nhiều bệnh viện uy tín ở Singapore, Australia, Pháp... tư vấn, bệnh cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt. Bố mẹ bé biết, Việt Nam là một trong hai quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ nội soi một lỗ, họ kết nối với bệnh viện và tin tưởng lựa chọn cho con phẫu thuật ở Việt Nam.

Trường hợp thành công ở Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) chữa trị cho bệnh nhân 46 tuổi, quốc tịch Canada trong năm qua cũng khiến cộng đồng y khoa thế giới nể phục. Đó là trường hợp bị liệt hai chân 8 năm trước do chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông. Gia đình bệnh nhân từng điều trị nhiều bệnh viện lớn, nhỏ ở Canada, đều được chỉ định mổ nhưng gia đình chưa đồng thuận. Sau đó, họ quyết định đưa bệnh nhân sang Việt Nam điều trị tại Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh). Bằng các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt, trị liệu điện xung, từ trường toàn thân nhằm kích thích cơ, hồi phục thần kinh, tập vận động. Sau 3 tháng tích cực điều trị, tập luyện, kết quả tốt hơn cả gia đình mong đợi, bệnh nhân đã hồi phục, tự đứng lên đi lại...

Đầu tháng 8/2023, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng-Tầng sinh môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thư cảm ơn của một người đàn ông Iran vì ca phẫu thuật cho vợ ông thành công hơn cả mong đợi. Vợ ông là bà N.A., 30 tuổi, Việt kiều sinh sống tại New Zealand, sinh thường con đầu lòng, quá trình chuyển dạ khó khăn khiến tầng sinh môn, cơ thắt rách rất phức tạp. Các bác sĩ tại New Zealand đã tiến hành mổ 3 lần và cho biết còn phải tiếp tục mổ nhiều lần trong suốt năm tiếp theo. Được người nhà ở Việt Nam tư vấn, bà N.A cùng chồng quyết định về Việt Nam thực hiện phẫu thuật. Mọi việc hanh thông thuận lợi, 10 ngày sau phẫu thuật bà N.A. được ra viện.

Gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước đang có xu hướng tiếp nhận khá nhiều ca có bệnh nhân là người nước ngoài từ các quốc gia như Ba Lan, Hungary, Nhật Bản, Anh, New Zealand... đến chữa bệnh, đặc biệt là các ca phẫu thuật. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Nhật Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật trực tràng-Tầng sinh môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tự tin cho biết: “Hiện nay Trung tâm có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán, phẫu thuật, chăm sóc vết thương vùng hậu môn trực tràng như các nước phát triển, các bác sĩ dày dạn kinh nghiệp để xử lý các ca bệnh phức tạp, các ca bệnh tái phát như trường hợp bệnh nhân N.A.”.

Vượt tầm khu vực trong ngành ghép tạng

Tại Hội nghị Ghép tạng châu Á tổ chức tại Hàn Quốc hồi trung tuần tháng 11/2023, Ban tổ chức đã giành riêng một hội thảo chuyên đề về ngành Ghép tạng Việt Nam. GS, TS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cho hay, với 25 trung tâm trên cả nước, đến nay đã có khoảng 8.000 trường hợp ghép tạng thành công. Những trung tâm ghép tạng như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế... đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới, luôn cập nhật công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu và đều mang lại hiệu quả cao, như lấy gan ở người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi, ứng dụng huỳnh quang ICG trong ghép gan, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép và ghép đồng thời nhiều tạng, lấy thận hầu hết bằng phẫu thuật nội soi bằng robot, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện các ca lấy đa tạng từ người hiến chết não ghép cho bệnh nhân suy tim, thận ở giai đoạn cuối. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các trung tâm trên cả nước trong lấy tạng- ghép tạng từ người hiến và người nhận ở hai đầu đất nước... Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Đại học Y dược (TP Hồ Chí Minh)... đều có những bước tiến mới về làm chủ kỹ thuật cao, trở thành những đơn vị hàng đầu về ghép tạng.

Ghép gan, đặc biệt đối với bệnh nhân nhi, là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tự tin làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan, trở thành đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất trên cả nước, trong đó có những ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như: Bất đồng nhóm máu, ung thư gan, bệnh lý di truyền, bệnh nhi nhẹ cân... Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân... hồi sinh sự sống cho nhiều cuộc đời.

Làm chủ công nghệ phẫu thuật robot và nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2023, GS,TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ghi nhận công sức và thành quả của các thầy thuốc ngoại khoa của Việt Nam đã ứng dụng thành công nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh như phẫu thuật robot, trí tuệ nhân tạo... góp phần đưa ngành ngoại khoa Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong năm 2023 cũng đột phá khi đưa robot thế hệ mới Modus V Synaptive vào phẫu thuật u não, đột quỵ xuất huyết não và nhiều bệnh lý thần kinh-sọ não khác. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của robot, các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh đã phẫu thuật thành công khoảng 90 ca bệnh u não, u cột sống, đột quỵ xuất huyết não... đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh, đó là thông tin được Bệnh viện Tâm Anh đưa ra trong sự kiện Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 diễn ra tại Hà Nội tháng 10 vừa qua.

Y tế Việt Nam cũng gặt hái được thành tựu đáng tự hào ở nhiều lĩnh vực như thụ tinh trong ống nghiệm ở sản khoa, ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị ung thư, can thiệp tim mạch...

Vai trò của công nghệ kỹ thuật ứng dụng vào chữa bệnh là điều không thể chối cãi, robot nói riêng, hay các ứng dụng thông minh, luôn mang lại sự chính xác cao trong hỗ trợ các thao tác. Tuy nhiên, máy móc nào cũng do khối óc con người sáng chế ra, do con người điều khiển. Nếu thiếu nhân tố con người với khối óc tinh thông và trái tim ấm áp từ bi, công nghệ tối tân hiện đại đến đâu cũng chỉ là thứ vô tri.