Những điểm mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn
Thông tư 29 ban hành có hiệu lực từ ngày 14 /2 nhưng ngay từ cuối học kỳ 1, nhiều trường đã thông báo cho phụ huynh học sinh về việc tạm dừng các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng trong nhà trường. Đối với cấp tiểu học, các câu lạc bộ toán, tiếng Việt cũng tương tự.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu của cả người học lẫn người dạy, Bộ GD-ĐT không cấm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả. Theo quy định, 3 đối tượng được giáo viên dạy thêm trong nhà trường nhưng không thu tiền gồm học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh giỏi cần bồi dưỡng và học sinh cuối cấp. Trên thực tế, hầu hết các trường đều dừng học thêm cả với các khối cuối cấp do không có kinh phí.
Thông tư 29 ra đời được coi là hành lang pháp lý cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong giáo dục phổ thông. Để tăng cường vai trò quản lý và giám sát, hoạt động này cần được tổ chức điều hành bởi các trung tâm có giấy phép hoạt động, có đóng thuế cho Nhà nước thay bằng giáo viên tự mở lớp như hiện nay.
Thực ra, đối với những phụ huynh thật sự quan tâm đầu tư cho việc học hành của con cái không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định mới. Theo đó, phụ huynh học sinh tự quyết định việc học, giáo viên nào, môn gì. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình trong việc đôn đốc, sát sao việc học tập của con cũng được đề cao hơn, thay vì giao toàn quyền cho cô giáo và nhà trường.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận lại công tác dạy, học chính khóa trên lớp. Liệu chất lượng dạy và học ở trường, chương trình học, phương pháp dạy, giáo án bài giảng... đã bố trí hợp lý chưa? Giáo viên đứng lớp có nhiệm vụ truyền đạt đủ lượng kiến thức theo khung chương trình mới đạt yêu cầu.
Trên thực tế, lâu nay, một bộ phận người dạy/học đã làm biến dạng tính chất của dạy thêm, học thêm. Vô hình trung, điều tưởng chừng vô lý, coi việc học chính thành phụ, học thêm mới là học chính, từ đó nảy sinh không ít tiêu cực, như học sinh đăng ký học thêm cô giáo vì nể nang, sợ mất lòng, lo bị trù dập...
Một số bất cập
Thông tư 29 có hiệu lực thi hành vào thời điểm này thực tế khó khăn, ảnh hướng lớn nhất đối với nhóm học sinh cuối cấp. Bởi năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các bậc học, khép kín chu trình đổi mới, dự báo có nhiều thay đổi từ cách ra đề thi, phương thức thi... Phụ huynh H.L.A (Quảng Ninh) cho biết, chị có con trai đang học lớp 9. Xác định cấp học THCS là những năm bản lề, ngay từ năm lớp 6, chị đã tìm cho con những giáo viên giỏi, có uy tín để gửi gắm, riêng môn toán nhờ thầy giáo chủ nhiệm kèm thêm. Một tháng nay việc học thêm của con bị dừng. “Sau kỳ nghỉ Tết, thường thói quen sinh hoạt không tránh khỏi chệch choạc. Gia đình tôi khá lo lắng, vì kỳ thi tuyển sinh vào 10 nhiều áp lực đang ngày một đến gần. Nếu Thông tư ban hành sớm hơn, ngay từ đầu năm học mới, việc dạy và học bắt đầu khởi động, cô trò chủ động sắp xếp thời gian, việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn”, chị H.L.A chia sẻ.
Hoạt động dạy thêm trong nhà trường được phép tổ chức với một số đối tượng nhưng không được thu tiền, trong đó có học sinh cuối cấp. Thông thường hàng năm việc ôn thi cuối cấp do phụ huynh chi trả theo thỏa thuận cụ thể giữa nhà trường và phụ huynh, trong khi theo Thông tư 29, kinh phí chi cho hoạt động này được lấy từ ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Thực tế, khi đã hoàn thành chương trình học, hoạt động ôn thi không nằm trong khung chương trình, cho nên dùng ngân sách chi trả là chưa hợp lý. Một số địa phương hiện đã chỉ đạo dừng học thêm đối với học sinh các khối học cuối cấp cho đến khi có hướng dẫn.
Cô N.H.G, giáo viên toán một trường THCS công lập ở Hà Nội đã có hơn 10 năm dạy học và hầu như năm nào cũng ôn thi cho học sinh khối 9. Nhiều năm nay, cô dạy thêm tại nhà và cả ở trung tâm. Đối tượng theo học khá đa dạng, không chỉ học sinh cô dạy trên lớp. Tuy nhiên, quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (khoản 2, Điều 4 Chương 1, Thông tư 29) khiến cô băn khoăn bởi quy định này có phần gây khó cho giáo viên và thiệt thòi cho cả học sinh. “Nắm được lực học, điểm mạnh, điểm yếu của học sinh, tôi mới biết cần phải luyện kỹ, bổ trợ cho các em nội dung nào, chỉ dạy kiến thức trong chương trình mà không sâu sát việc ôn tập, thật khó để có kết quả cao. Hơn nữa, quy định một tuần mỗi môn học thêm không quá 2 tiết cũng đòi hỏi học sinh cần sự tập trung và tính tự giác, tự học cao. Đã là quy định thì phải chấp hành, khó khăn tìm cách khắc phục, mọi việc sẽ ổn”, cô N.H.G bộc bạch.
Lấy người học làm trung tâm để hài hòa lợi ích
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế và chính đáng từ hai phía. Nhìn nhận dưới góc độ đó, giáo viên cần được tạo điều kiện để tham gia dạy thêm đàng hoàng, đúng quy định, góp phần hạn chế tiêu cực.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết làm quản lý đến nay đã được 19 năm. Cô cũng tham gia dạy thêm môn văn khá nhiều, nhưng cũng tự đề ra nguyên tắc không dạy học sinh của trường, lớp mình phụ trách. “Tôi dạy thêm từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Sau khi kết thúc học kỳ I vừa rồi, tôi đã chủ động dừng hoàn toàn việc dạy thêm. Nghiên cứu Thông tư 29, tôi biết giờ nếu muốn tiếp tục dạy thêm thì phải ra các cơ sở dạy thêm. Nhìn trên tổng quát, đó là quy định hợp lý, tuy nhiên với riêng tôi rất khó khăn do bị gò bó về thời gian, đang làm quản lý cần sát sao công việc. Bên cạnh kêu gọi ý thức trách nhiệm, sự tận tụy, tôi luôn nhắc nhở các đồng nghiệp cần chấp hành nghiêm túc các quy định...”, cô Hồng chia sẻ.
Thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan thời gian qua gây nên không ít hệ quả xấu, đòi hỏi những giải pháp mạnh để xử lý triệt để những hành vi không chuẩn mực, làm mất đi tính trang nghiêm vốn có trong mối quan hệ thầy trò nói riêng cũng như môi trường sư phạm nói chung. Cũng như các đồng nghiệp, trong điều kiện dạy học cần thay đổi như hiện nay, cô giáo N.H.G cho rằng, việc siết lại hoạt động dạy thêm, học thêm là đúng đắn, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, còn có bất cập nảy sinh. Để duy trì việc dạy và học đạt kết quả tốt, cô đã tăng cường đôn đốc, nhắc nhở học sinh của mình tập trung hơn. “Tôi chuẩn bị kỹ hơn tài liệu dạy như đề cương ôn tập, đề thi, các dạng bài tập để giao cho học sinh, nhắc nhở các em tự học, tự luyện bài tập tại nhà, yêu cầu đội ngũ cán sự lớp thường xuyên kiểm tra việc học bài, làm bài tập của các bạn báo cáo trước mỗi tiết học. Điện thoại, zalo của tôi luôn hoạt động, sẵn sàng hỗ trợ giải đáp thắc mắc bài vở cho học sinh bất cứ lúc nào”, cô chia sẻ.
Mới đây, thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đăng tải một bức thư ngỏ gửi học sinh của mình thu hút hơn 2,7 nghìn lượt tương tác và rất nhiều phụ huynh, thầy cô giáo bày tỏ đồng tình ủng hộ. Trong thư, thầy giáo viết: “Thói quen “học thêm” sẽ phải dừng lại. Chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.”
![]() |
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). |
Một nền giáo dục tốt là khơi gợi tinh thần tự học, có thể thích nghi với điều kiện mới, kích thích được sự tự do, tính độc lập trong suy nghĩ, tư duy. Dạy thêm, học thêm chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong hành trình tiếp tri thức của mỗi đứa trẻ trong một nền giáo dục. Mọi sự thay đổi đều cần thời gian để thích nghi, điều chỉnh. Trên hết, nhà trường, gia đình, xã hội cùng hướng đến một mục tiêu tích cực và lợi ích chung.