Xu hướng trên thế giới
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) là một nhánh của trí tuệ nhân tạo, có khả năng tạo hoặc sản xuất nội dung mới, như hình ảnh, âm nhạc, văn bản dựa trên dữ liệu đầu vào. Làn sóng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trên thế giới bắt đầu khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022. Ngay sau đó, nhiều quốc gia và tập đoàn lớn cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua này, khiến 2023 trở thành một năm bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Nói về sức mạnh của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata cho biết, trí tuệ nhân tạo tạo sinh là một hướng đi rất mạnh của công nghệ thế giới hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã trở thành một xu hướng tất yếu. Trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp trên thế giới đã tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh ở các lĩnh vực như: vận hành kinh doanh, marketing, bán hàng…
Năm 2023, tổng đầu tư vào toàn bộ nền công nghệ trí tuệ nhân tạo giảm xuống nhưng riêng trí tuệ nhân tạo tạo sinh tăng gấp 9 lần so với năm 2022, với tổng giá trị lên đến 25 tỷ đô-la. Dự báo đến năm 2030, thị trường trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ đạt hàng trăm tỷ đô-la.
Nêu các ngành hưởng lợi từ ứng dụng của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết, trong kinh doanh, các trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh có thể hỗ trợ tìm kiếm và trích xuất quy định nội bộ, sáng tạo nội dung quảng cáo, đánh giá và đề xuất chiến lược kinh doanh, callbot, chatbot tư vấn khách hàng, chốt đơn, chăm sóc khách hàng 24/7. Trong y tế, trợ lý ảo hỗ trợ viết ghi chú cho bác sĩ, hỗ trợ đặt lịch, tư vấn khám, chữa bệnh, chăm sóc khách hàng; trong sử dụng ô-tô thông minh, trợ lý ảo tư vấn và hỗ trợ sử dụng xe. Trong lĩnh vực đô thị thông minh- nhà thông minh, trợ lý ảo hỗ trợ tiện ích cho cư dân, kết nối và điều khiển các thiết bị thông minh trong căn hộ. Trong lĩnh vực du lịch- khách sạn thông minh, trợ lý ảo tra cứu thông tin ưu đãi, thông tin về điểm nghỉ dưỡng, chatbot chăm sóc khách hàng.
Sự tăng trưởng của doanh nghiệp khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã được chứng minh qua một số trường hợp cụ thể như: Trợ lý ảo Debrief của Morgan được triển khai cho 15.000 nhân viên, giúp tiết kiệm 500.000 giờ công mỗi năm; La Vie ứng dụng nhiều công cụ vào chiến dịch quảng cáo giúp tiết kiệm 20% chi phí, tăng thị phần gần 40%; Microsoft và Epic tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EHR) cho 150 hệ thống y tế giúp giảm tới 40% thời gian làm việc của nhân viên…
Tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024 vừa qua, một số sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh phát triển trong nước lần đầu được giới thiệu như trợ lý ảo AI AIVA. Trợ lý ảo này hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân viết content, lên kế hoạch marketing, bán hàng hay tạo slide bài giảng để đào tạo nhân sự… Điều đó cho thấy, các nhà phát triển công nghệ trong nước đã theo kịp xu thế công nghệ thế giới, khai mở tiềm năng của công nghệ để phục vụ nhu cầu trong nước.
Lợi ích từ việc làm chủ công nghệ
Đứng trước cơ hội vàng của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần làm chủ trí tuệ nhân tạo tạo sinh mặc dù hiện đã có các công cụ mạnh của Microsoft, Facebook, Google và OpenAI. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh nói riêng và các sản phẩm công nghệ cao dựa trên cơ sở dữ liệu lớn nói chung là cơ hội để Việt Nam bứt phá trở thành một nước tiên tiến.
Giới thiệu các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024. |
Theo đó, có ba lợi ích từ việc làm chủ trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Thứ nhất, chi phí hợp lý vì có thể dùng nhân lực công nghệ ở Việt Nam, đồng thời, đó cũng là cơ hội để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Hiện nay, ưu thế của chúng ta có nền dân số trẻ và thích nghi cao với công nghệ, nhân lực đào tạo trong trường phổ thông và đại học tương đối tốt về công nghệ và toán.
Thứ hai, những công nghệ do chính Việt Nam tạo ra sẽ có khả năng tùy chỉnh linh hoạt cho từng lĩnh vực ứng dụng, mang đặc tính của người Việt, trong khi những sản phẩm công nghệ của thế giới không thể đáp ứng ngay được.
Thứ ba, bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin trong bối cảnh các công ty, đơn vị muốn giữ riêng dữ liệu, thông tin của mình. Nguồn dữ liệu của chính người Việt cần gìn giữ và tự khai thác để giải quyết nhiều bài toán mà có thể chỉ người Việt mới nên khai thác và khai thác được.
Các chuyên gia cũng dự báo, ba năm tới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ ảnh hưởng tích cực tới doanh nghiệp và thị trường lao động. Bởi vậy, hiện nay, các nhà công nghệ trong nước đã nhanh chóng có những kế hoạch để nắm bắt cơ hội này như đầu tư hạ tầng tính toán, thiết kế các sản phẩm, giải pháp để giải quyết các bài toán đặc thù của doanh nghiệp…
Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA cho biết, các sản phẩm công nghệ của công ty hướng tới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận nhiều với trí tuệ nhân tạo do hạn chế về nhận thức, chưa thấy đây là xu hướng bắt buộc phải thay đổi, từ đó không có kế hoạch, đội ngũ để thực hiện, và đặc biệt là hạn chế về tài chính. Do đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam. Để khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ cần giá rẻ, dễ áp dụng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam thì khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã sẵn sàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần lựa chọn “điểm rơi” để sử dụng các ứng dụng đã có sẵn hay đặt hàng để tuỳ chỉnh theo nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp. Nên tận dụng lợi ích của công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra lợi thế của doanh nghiệp, nhưng cần tránh lạm dụng hay phó mặc hoàn toàn cho công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, trí tuệ nhân tạo tạo sinh đặt ra những thách thức về đạo đức và an ninh. Với doanh nghiệp, để tận dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, cần kiểm soát dữ liệu đầu nguồn và dữ liệu thứ cấp phát sinh trong quá trình hoạt động, bảo đảm dữ liệu không bị sai lệch, không rõ nguồn gốc khiến người dùng bị ảnh hưởng.