Đào tạo đại học theo xu hướng liên ngành, xuyên ngành

Hướng đi linh hoạt và năng động

NDO - Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, những mùa tuyển sinh đại học gần đây, đặc biệt đón đầu kỳ tuyển sinh mới nhất 2024, các trường đại học đã mở thêm nhiều ngành học mới theo hướng liên ngành, xuyên ngành. Đây là xu hướng đào tạo được lựa chọn ở nhiều trường đại học trên thế giới, với thế mạnh đào tạo mang tính bao quát, tích hợp các lĩnh vực chuyên môn vào một chương trình, thông qua đó, người học có khả năng đáp ứng và thích nghi với công việc tốt hơn trong các môi trường khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chức buổi tọa đàm Xu hướng bền vững trong kiến trúc và nội thất, được sinh viên tham gia nhiệt tình.
Sinh viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chức buổi tọa đàm Xu hướng bền vững trong kiến trúc và nội thất, được sinh viên tham gia nhiệt tình.

Bắt kịp xu thế mới

Chứng kiến nhiều trường hợp học một đằng, đi làm lại trái ngành trái nghề lãng phí thời gian công sức, L.T.M, sinh viên năm hai Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội kể, ngay từ khi cô bước vào đầu cấp THPT, bố mẹ cô đã nói chuyện, trao đổi cùng cô rất kỹ về định hướng tương lai, nghề nghiệp của cô sau này. Mùa tuyển sinh năm ngoái, khi điểm thi của cô không đạt vào nguyện vọng 1 Trường Đại học Ngoại thương, vì có sự chủ động cho nên cô tránh được cảm giác thất vọng, hối tiếc như một số bạn bè. Đến nay, theo học gần hết năm thứ hai, L.T.M cho biết, càng học, em càng thấy mở ra nhiều điều thú vị, bởi cảm nhận chương trình học luôn được cập nhật, sát với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt các môn học có sự liên kết trong mối tương quan hỗ trợ nhau.

Thí dụ, em được tư duy về sự kết hợp khoa học máy tính và kinh doanh để ra trường có chuyên môn về phân tích dữ liệu. Ngoài ra, vốn thích tiếng Trung, L.T.M ghi danh học thêm ở trung tâm, sau một năm nỗ lực, cô đã đạt trình độ HSK4, dự định tương lai tìm kiếm cơ hội học tập ở Trung Quốc để đủ khả năng thực chiến thương trường. Dù đang phải chu cấp tiền cho con ăn học khá cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên, thấy con yêu thích việc học, có mục tiêu định hướng rõ ràng, vợ chồng anh S cũng cảm thấy phấn khởi, dồn lực đầu tư cho con.

Đào tạo liên ngành, xuyên ngành là quá trình học tập và nghiên cứu đồng thời nhiều lĩnh vực khác nhau. Thay vì tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, người học được quyền chọn môn học từ các ngành khác chứ không bó hẹp trong chuyên ngành sâu như cách đào tạo truyền thống.

TS Chu Đình Tới, Trưởng khoa Các khoa học ứng dụng Trường Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Y sinh và sức khỏe cộng đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một buổi tư vấn chọn nghề cho học sinh phổ thông Hà Nội cho biết: Chương trình đào tạo theo hướng liên/xuyên ngành nằm trong chiến lược đào tạo của nhà trường, không chỉ phục vụ nhu cầu của xã hội mà còn tạo điều kiện cho sinh viên chọn lựa ngành học phù hợp với năng lực và sở thích, tăng cơ hội chọn lựa việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Cuộc đua mở ngành học

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, năm nay, các trường đại học có xu hướng mở thêm nhiều ngành học mới, đào tạo hướng đến đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng tính cập nhật, theo xu hướng đào tạo công dân toàn cầu gắn kết thực tiễn.

Bỏ qua nhiều luồng ý kiến trái chiều, hệ thống các trường đại học khối kinh tế lấn sân công nghệ thông tin trở nên phổ biến. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), một trong những cái nôi đào tạo về lĩnh vực kinh tế, mới đây đã công bố mùa tuyển sinh 2024 sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới trong đó 5 ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin...

Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) thức thờiđã lấn sân đào tạo lĩnh vực này từ mấy năm trước, năm nay, tiếp tục mở thêm chương trình đào tạo Công nghệ nghệ thuật (ArtTech), Trường Đại học Ngoại thương (FTU) không đứng ngoài cuộc đua, mới đây công bố tuyển sinh năm 2024 mở ngành Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh. Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng mở thêm ngành Kỹ thuật phần mềm...

Ở chiều ngược lại, các trường đại học chuyên ngành về kỹ thuật, y sinh, công nghệ thông tin lại có xu hướng quan tâm mở thêm ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 4 ngành trong đó có ngành lấn sân là Công tác xã hội, Tâm lý. Trường Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng trong năm 2024 này lần đầu tiên tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục...

Đào tạo liên ngành là xu hướng tất yếu

Lý giải cho thực trạng các trường đua nhau mở ngành mới, không ngại mở rộng thêm ở những lĩnh vực vốn không phải sở trường, TS Chu Đình Tới cho rằng, mục tiêu chính hướng tới thị trường nguồn nhân lực với những yêu cầu mới của kỷ nguyên số. Trên thực tế đời sống, ta có thể nhìn thấy bất cứ đâu sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa sự sáng tạo bay bổng và tính logic chặt chẽ chính xác.

Đáp ứng nhu cầu thực tế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật từ một khoa nay đã phát triển thành một trong các đơn vị thành viên trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm ngoái, trường tuyển sinh 5 ngành, năm nay mở thêm 2 ngành mới là Kiến trúc (gồm Kiến trúc và thiết kế cảnh quan) Nghệ thuật thị giác (gồm Nhiếp ảnh nghệ thuật, Nghệ thuật tạo hình đương đại)... Đào tạo liên ngành với tính gắn kết giữa công nghệ với các lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu nhân sự của thời đại công nghệ hiện nay. Đặc biệt, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có nhu cầu học lên cao hơn, người học chỉ mất thêm một năm là có bằng thạc sĩ, tiết kiệm cả thời gian, tiền bạc...

Hướng đi linh hoạt và năng động ảnh 1

Sinh viên ngành Digital Marketing, Đại học FPT Hà Nội - một trong những đơn vị tiếp cận xu hướng đào tạo liên ngành sớm ở Việt Nam.

TS Dong Su Yi, Phó Trưởng khoa Thiết kế-Truyền thông UEH cho biết, hiện nay, các ngành nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc với sự hậu thuẫn của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến ứng dụng vào thực tế để đem lại những sản phẩm, những trải nghiệm độc đáo và tinh tế. Theo đó, nghệ thuật và công nghệ được kết hợp sẽ mở rộng giới hạn biên độ của nghệ thuật truyền thống, tạo ra sáng tạo đột phá.

Trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, sự kết hợp giữa ngành Công nghệ thực phẩm và Quản trị kinh doanh mang lại hiệu quả cao và toàn diện hơn. Bên cạnh kiến thức cơ bản về kinh tế, marketing, khoa học thực phẩm, kỹ thuật và quản lý chất lượng thực phẩm, đồng thời, người lao động có ngoại ngữ và kiến thức về công nghệ thông tin, đó sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công việc...

Để theo đuổi mục tiêu đào tạo liên ngành, xuyên ngành, trên thực tế, các cơ sở đào tạo, bên cạnh nỗ lực tự thân, các trường đại học đều chú trọng vào việc huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế cả trong công tác đào tạo và nghiên cứu.

Ông Lâm Sơn, một chuyên gia tuyển dụng trong lĩnh vực logistics và cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng cho rằng, hiện các nhà tuyển dụng lao động có xu hướng tìm kiếm nhân lực có kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, có lối tư duy tích cực và kỹ năng phân tích tổng hợp, nắm bắt vấn đề tốt... Với các tố chất đó, người lao động có thể linh hoạt đảm nhiệm được nhiều vị trí công việc khác nhau. Hơn nữa, với nền tảng kiến thức được đào tạo, người lao động dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Các trường đại học điều chỉnh chiến lược đào tạo theo hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành là hợp lý trong thời điểm hiện nay...