Từ bộ dữ liệu đầu tiên về rắn độc của Việt Nam
PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng bậc nhất về các loài rắn độc, là nơi cư ngụ của hơn 60 loài, trong đó có khoảng 10-15 loài phổ biến và thường gây tai nạn cho con người như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn với tỷ lệ tử vong do rắn độc cắn ở mức tương đối cao, 80 người/1 triệu dân. Thế nhưng, rắn độc cắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong 20 bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Nguyên nhân bởi ở các nước nhiệt đới có sự đa dạng về thành phần loài rắn, nhưng các nghiên cứu về chúng còn hạn chế. Mặt khác nạn nhân bị rắn cắn chủ yếu là những người nghèo, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không phải là khách hàng bền vững cho các nhà sản xuất huyết thanh kháng độc, dẫn đến tình trạng luôn thiếu thuốc giải độc. Đó cũng chính là lý do để PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo và cộng sự bắt tay xây dựng bộ dữ liệu đầu tiên về rắn độc của Việt Nam, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản xuất các loại huyết thanh kháng nọc độc cứu người bệnh và là thông tin khoa học tuyên truyền đến người dân.
PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo vui mừng chia sẻ, nhóm nghiên cứu sắp có công bố quốc tế được xuất bản, là kết quả nghiên cứu từ năm 2008 đến 2020 về dịch tễ các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam, trong đó, các loài phân bố ở khu vực phía bắc được nghiên cứu khá đầy đủ. Đó cũng là kết quả đầu tiên của quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu và dữ liệu sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới. “Nghiên cứu hiện nay mới chỉ tập trung một vài loài, hoặc công bố phát hiện các loài mới cho khoa học. Còn nghiên cứu về độc tố, dịch tễ về rắn độc thì nhóm tôi đang triển khai với nhiều nhóm loài”, PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ.
Để có dữ liệu “sạch”, nhóm nghiên cứu ghi nhận tất cả các ca tai nạn rắn cắn từ các cơ sở y tế, phần lớn được đưa về Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, với các thông tin từ những bệnh nhân bị tai nạn rắn độc; kết hợp với các thông tin những chuyến điều tra thực tế, phỏng vấn người dân về tai nạn rắn cắn và những nghiên cứu sinh học, sinh thái của các loài rắn độc. Không chỉ có các ca bệnh tại bệnh viện, mà còn vô số trường hợp tự điều trị tại nhà, cứ thế hơn chục năm qua, nhóm nghiên cứu miệt mài tiếp cận người dân, ghi chép tỉ mỉ số liệu để tổng hợp, phân tích. “Nhiều trường hợp thu thập thông tin đã bị rắn cắn xảy ra trong quá khứ, họ chỉ nhớ mang máng thời điểm xảy ra, đặc điểm con vật cũng như dấu vết để lại trên cơ thể, nhóm nghiên cứu đã kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa để dựng lại thông tin chính xác về loài rắn” - PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo nói về công đoạn thu thập dữ liệu.
Từ dữ liệu sạch về dịch tễ rắn độc sẽ cho biết những loài rắn nào thường gây tai nạn cho con người, thời điểm nào trong năm, xảy ra chủ yếu ở vùng, địa phương nào, độ tuổi, giới tính nào thường bị rắn cắn. Từ đó, có những thông tin khoa học để khuyến cáo đến người dân phòng tránh tai nạn rắn cắn. Thí dụ, nghiên cứu cho thấy, ở miền bắc, phần lớn các trường hợp bị tai nạn rắn cắn xảy ra từ tháng 4 đến 10, chủ yếu ghi nhận các loài rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia và rắn lục xanh gây ra. Thời điểm đó trùng với thời gian hoạt động của rắn như kiếm thức ăn, tìm bạn đời giao phối sau thời kỳ ngủ đông. Bởi vậy, con người dễ vướng phải chúng và bị cắn khi chúng phản ứng tự vệ.
Cũng nhờ dữ liệu này mà trả lời được câu hỏi Việt Nam nên sản xuất loại huyết thanh kháng độc nào để cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang. Nhưng vấn đề nhức nhối là có những ca bị rắn độc cắn không có huyết thanh để cứu chữa, thậm chí liên hệ các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài cũng không có. Theo các bác sĩ, rắn cạp nia là một trong những loại rắn độc nhất hiện nay, những bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn để lại di chứng rất nặng nề như liệt toàn thân, người bệnh rơi vào suy hô hấp phải thở máy, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như tai biến, nhiễm trùng… có thể dẫn tới tử vong, nhiều bệnh nhân có thể mất khả năng lao động. Nhưng nếu có huyết thanh kháng độc, bệnh nhân sẽ phục hồi rất nhanh, tiết kiệm chi phí điều trị. Thực tế, đây là loại thuốc giải độc cần nhiều hoạt chất hiếm, giá thành khá cao, lại không được sử dụng thường xuyên, không được phổ cập rộng, lợi nhuận không cao khiến nhiều doanh nghiệp không ưu tiên. Trong khi đó, hạn sử dụng chỉ khoảng 3 năm, sẽ phải hủy bỏ nếu không có ca bệnh nào dùng đến. Vấn đề chủ động sản xuất huyết thanh kháng nọc đã được nhiều chuyên gia đặt ra.
Đến những sản phẩm “trị” nọc rắn
Theo PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo, sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hoàn toàn trong tầm tay của các nhà khoa học trong nước. Tuy nhiên, có cơ sở dữ liệu loài rắn nào thường xuyên gây tai nạn cho con người sẽ định hướng được sản xuất loại huyết thanh kháng nọc độc của loài rắn đó và phân bổ dự trữ cho các địa phương nơi có rắn. Một số nước có huyết thanh kháng nọc một số loài rắn, nhưng có thể độ đặc hiệu không cao để sử dụng cho kháng nọc độc của rắn ở Việt Nam. Nguyên nhân mức độ độc của nọc rắn phần lớn là do môi trường sinh thái và thức ăn nơi rắn sinh sống mang lại. Vì thế, cùng một loài cần có các nghiên cứu về thành phần độc tố mang tính chất vùng địa lý để ứng dụng sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu cho riêng các ca bệnh của Việt Nam.
Hiện nay, trong nước đang lưu hành huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục xanh. “Không thể sản xuất tất cả các loại huyết thanh kháng nọc độc cho tất cả các loài rắn độc vì thực tế có những loài rất hiếm gặp, đến nhà khoa học cả đời nghiên cứu cũng chưa may mắn được thấy chúng. Có khoảng 4-5 loài thường xuyên gây tai nạn, chúng tôi tập trung nghiên cứu và phát triển sản xuất huyết thanh đơn giá đặc hiệu cho từng loài phổ biến đó và có thể tiếp tục phát triển loại đa giá dùng kháng nọc của nhiều loài rắn trên cơ sở nghiên cứu những điểm chung của thành phần độc tố trong nọc rắn. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu sản xuất vaccine hiện gặp khó khăn về quy trình thử nghiệm lâm sàng trước khi được cấp phép lưu hành”- PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ.
Trong số rất nhiều giải thưởng PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo vinh dự nhận được, có nhiều giải thưởng ghi nhận sức sáng tạo trẻ của anh, như: Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng 2015; Giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tiêu biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam” 2015; là Thành viên trẻ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) nhiệm kỳ 2018-2022; Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2022. Tuổi đời vừa bước sang tuổi 40 nhưng PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo đã có bề dày 20 năm nghiên cứu về các loài rắn, với hơn 200 bài báo quốc tế. Anh tâm sự, tính tò mò về thế giới sinh vật từ thuở nhỏ, sự phát hiện, kèm cặp của những người thầy, những bậc tiền bối trong và ngoài nước, cùng sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của bản thân đã đưa anh đến những thành công ở lĩnh vực này.
Giờ đây, anh thường được gán với cái tên đặc biệt là chuyên gia rắn, người mê rắn, nhà bảo tồn rắn… Tự nhận công việc nghiên cứu của mình không có gì to tát nhưng cũng là mắt xích không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, bởi vậy, hành trình nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo luôn hướng tới những giá trị mới, nhân văn, phục vụ cuộc sống con người ngày càng tốt hơn. Trên chặng đường đó, có biết bao người bệnh rắn cắn thập tử nhất sinh đã được anh và các cộng sự hỗ trợ kịp thời thông qua mạng lưới chuyên gia tình nguyện viên nhận diện loài rắn độc; nhiều người được tiếp cận thông tin từ các bài giảng đại chúng của anh để biết tầm quan trọng của nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn. Không dừng lại ở nghiên cứu về phân loại, tiến hóa, độc tố nọc rắn và phát triển huyết thanh, nhóm nghiên cứu kết hợp cùng các đồng nghiệp phát triển kỹ thuật sinh học phân tử có thể phát hiện nhanh độc tố của loài rắn để có phương án sơ cấp cứu, điều trị người bệnh.
PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo chìa ra cánh tay đã từng bị tai nạn rắn cắn. Anh nói, đồng nghiệp của anh cũng vậy, dù cảnh giác nhưng nghiên cứu đối tượng rắn độc không thể tránh khỏi những lúc hiểm nguy đến tính mạng. Động lực để anh tiếp tục nghiên cứu về rắn độc là những kiến thức, những nghiên cứu mới của mình được ứng dụng, lan tỏa, giúp ích cho cuộc sống. Giải thưởng “UniBio Press Award” của Nhà xuất bản BioO2 (Hoa Kỳ) dành cho bài báo tiêu biểu của anh được nhiều người tham khảo và trích dẫn nhất năm 2015 chính là sự ghi nhận đóng góp của anh cho cộng đồng khoa học quốc tế.