Cùng trẻ vững vàng vượt qua thử thách

Mùa hè với phần đông trẻ đang độ tuổi đến trường, là khoảng thời gian sôi động với những dự định kế hoạch riêng mà suốt cả một năm bận học không thực hiện được. Tuy nhiên, xu hướng xã hội hiện nay đang vô hình chung đẩy các em phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt với những nhóm trẻ cuối cấp. Trang bị cho học sinh sức khỏe tinh thần vững vàng cũng như kỹ năng đối mặt thách thức là điều nhà trường phổ thông chưa thật sự chú trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách.
0:00 / 0:00
0:00
Tập huấn cho cán bộ, giáo viên về kiến thức, kỹ năng trợ giúp học sinh đối mặt với khủng hoảng.
Tập huấn cho cán bộ, giáo viên về kiến thức, kỹ năng trợ giúp học sinh đối mặt với khủng hoảng.

Trẻ tự tạo căng thẳng cho mình

Có con trai vừa học xong lớp 8 ở một trường công lập trung tâm quận Đống Đa (Hà Nội), chị T.T.H đã giật mình khi đọc được câu trả lời ở phần bài tập tiếng Anh của con mình: Điều gì trong cuộc sống làm bạn cảm thấy áp lực nhất? Câu trả lời: Điểm thi thấp khiến bố mẹ thất vọng… Chị T.T.H cho biết chú tâm chăm lo con học hành nghiêm túc kỷ luật nhưng quan điểm không chạy theo điểm số. Một ngày học ở trường hai buổi, thường chị vẫn nhắc con cố gắng hoàn thành bài tập trên lớp, tối về chủ yếu ôn lại bài ngày hôm sau, chơi đàn, vẽ hoặc luyện nghe tiếng Anh…. Tuy nhiên chị H chia sẻ, con trai mình bản tính cẩn thận, hay lo lắng. Vì thế, chị thường dành thời gian cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bơi, đạp xe, tuy nhiên cứ trước mỗi kỳ thi, dù chỉ là thi cuối kỳ, con chị luôn bị căng thẳng tâm lý, mệt mỏi, khó ngủ, ăn uống kém. Thậm chí, cậu bé sốt cả đêm, nhưng hôm sau lại không để lại biểu hiện gì…

Chị V.T (quận Thanh Xuân) có con gái sinh năm 2006 hiện đang giai đoạn nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối tháng 6. Mặc dù con đủ tiêu chí xét tuyển đỗ vào một trường đại học thuộc top đầu, nhưng nguyện vọng của con là một trường không thuộc đối tượng xét tuyển cho nên vẫn phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp sắp tới. Hiện nay, con có nhiều lựa chọn, tuy nhiên chị V.T lo lắng vì nhận thấy, vài tháng nay con càng lúc càng có biểu hiện lo âu thái quá. Con thường xuyên đi ngủ muộn nhưng việc ôn thi không mang lại hiệu quả cao. Cơ thể mệt mỏi, sút cân, điều đó làm chị T hết sức lo lắng, luôn khích lệ động viên con và thường dẫn con ra ngoài tham gia các hoạt động khác, nhưng chị vẫn không cảm thấy thật sự hiệu quả… “Vừa thương vừa giận lũ trẻ, từ lúc nào chúng luôn tự gây áp lực lo lắng, tự đặt mình vào thế khó. Không chỉ mình con tôi, ở group lớp, hầu như ngày nào cũng có vài bạn xin nghỉ học vì ốm, thường là sốt, đau đầu… Tôi cảm giác các con có biểu hiện của rối loạn lo âu do áp lực học tập gây nên…”, chị V.T cho hay. Mặc dù ở các trường phổ thông hiện nay, công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho học sinh đã được chú ý đến nhưng chưa thật sự hiệu quả. Đa số các em không có kỹ năng ứng phó với những căng thẳng, không tìm được sự hỗ trợ ở trường học hoặc cha mẹ nên dễ dẫn tới những hành động không kiểm soát được.

Quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn tâm lý học đường

Tọa đàm “Nhà tâm lý học đường có thể làm gì trong trường phổ thông” tháng 5/2024 do Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tổ chức đề cập những mối lo ngại mà gia đình, nhà trường còn nhiều lo lắng. PGS, TS Trần Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay nhiều giáo viên cũng bị áp lực về thành tích, luôn mong muốn và khuyến khích học sinh cố gắng nỗ lực. Bên cạnh ưu điểm, luôn đi kèm với mặt trái, vô hình trung đẩy con vào những áp lực nếu trẻ chưa đủ vững vàng, dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng lo âu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Truyền thông giữa giáo viên và học sinh không cởi mở có thể khiến học sinh mất niềm tin, không muốn mở lòng chia sẻ, tệ hơn là thể hiện sự chống đối giáo viên.

Dành nhiều tâm huyết vào công tác tư vấn tâm lý học đường, TS Nguyễn Văn Hòa bày tỏ, thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân chủ yếu như, các cơ sở giáo dục thiếu biên chế chuyên trách tư vấn tâm lý học đường, văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp thực tế xã hội, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên kỹ năng quản lý cảm xúc. Đa phần giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp. Tại các trường học, hoạt động trợ giúp học sinh thường được giao trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên tổng phụ trách Đoàn, Đội. Trong khi đó, nhiều thầy cô còn hạn chế về năng lực chuyên môn, bị áp lực bởi công việc, quy định chính sách đặc thù và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục... TS Hòa nhấn mạnh công tác dạy học hiện nay không chỉ đơn giản là dạy chữ, dạy kiến thức mà mỗi đối tượng, bao gồm người dạy, người học và phụ huynh đều cần hiểu rõ vai trò của mình, biết cách làm chủ bản thân hướng tới hài hòa hạnh phúc trong môi trường giáo dục.

Hai thông tư về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành từ năm 2017-2018, đến nay bộc lộ bất cập, như thiếu các nguồn lực để triển khai, thiếu nhân sự chuyên trách, việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học nhiều nơi thực hiện chưa hiệu quả. Ở Hà Nội mới chỉ có hơn 20 trường trung học tổ chức hoạt động này khá bài bản trong vài năm qua như: Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường liên cấp Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành... Theo như chia sẻ của TS Đặng Thị Huyền Oanh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hiện nay đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, nhận thấy một tỷ lệ đáng kể các đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ và can thiệp. Công tác xã hội trong trường học bao gồm 4 mức độ: rà soát, phát hiện nguy cơ; phòng ngừa; can thiệp và trợ giúp; hỗ trợ sự phát triển của học sinh. Tuy vậy nhiều vấn đề tâm lý trong lứa tuổi học đường vẫn đang bỏ ngỏ, thậm chí có thể vẫn ở tình trạng mạnh ai nấy làm, cho nên các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường cho đối tượng học sinh, sinh viên trong nhà trường chưa thật sự đáp ứng được theo nhu cầu, công tác tư vấn chưa kịp thời và thỏa đáng.

Trang bị kỹ năng cho trẻ

Những nghiên cứu khảo sát từ thực tiễn ngành giáo dục cho thấy, việc thành lập mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong nhà trường có vai trò rất quan trọng, giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc ảnh hưởng học tập và cuộc sống. Từ tháng 2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học. Chỉ chưa đầy nửa năm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, mô hình này đã cho thấy tính hiệu quả thiết thực và cả những điều chỉnh cần thiết.

Trong năm học 2023-2024, chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học cũng được triển khai hiệu quả tại 20 trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Các chuyên đề được đưa vào chương trình khá thiết thực, bám sát tình hình thực tế như ứng xử văn minh trên mạng xã hội; cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống xâm hại; giảm stress trong học tập… Từ thực tiễn, các chuyên gia tâm lý cho rằng khi trẻ đứng trước thử thách quan trọng, lo lắng, căng thẳng là điều khó tránh. Bố mẹ bên cạnh tôn trọng không gian riêng tư của con, vẫn luôn là người đồng hành, theo dõi, động viên con kịp thời. Không gì khác sự thấu hiểu, tình thương yêu, trò chuyện chia sẻ mỗi ngày giúp con cảm nhận được sự yêu thương và ấm áp, không cảm thấy đơn độc trong hành trình trưởng thành. Bảo đảm chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất... giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ bình ổn tâm trí và sức khỏe tinh thần. Sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên liên tục giữa nhà trường với gia đình, trên cơ sở lấy trẻ làm trung tâm nhằm kịp thời phát hiện xử lý, trợ giúp xử lý những vấn đề nảy sinh là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh đó, xây dựng và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhằm hỗ trợ cho các học sinh, phụ huynh càng khẳng định sự cần thiết và cấp bách…