Nhiều ngành học được miễn, giảm học phí
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, nhiều chính sách mới về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chỗ ở... dành cho các đối tượng thuộc chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ được đưa ra bàn thảo.
Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, 8 chuyên ngành đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước tại các cơ sở công lập được miễn học phí gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Marx-Lenin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp y, Giải phẫu bệnh.
Trong lĩnh vực y tế, từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 chính thức có hiệu lực. Theo đó, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao cho ngành y là nội dung quan trọng. Bên cạnh chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, nhiều gói học bổng ở các chuyên ngành mới cũng được bổ sung thêm trong năm nay.
Sinh viên theo học ngành sư phạm là nhóm đối tượng được ưu tiên, mặc dù trên thực tế chính sách vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm thì nhóm đối tượng này được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Cụ thể, mức hỗ trợ học phí mỗi suất là 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/ năm học. Để nhận hỗ trợ theo Nghị định số 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.
Bên cạnh các ngành miễn hoàn toàn học phí, một số ngành học nghệ thuật dân tộc cũng được giảm 70% học phí. Nghị định số 97/2023/NĐ-CP quy định gồm: Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa-nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; Diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định...
Ưu tiên khuyến khích phát triển ngành khoa học cơ bản
Đại học Quốc gia Hà Nội ngay từ năm học 2022-2023 đã bắt đầu triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên và Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học. 9 ngành khoa học cơ bản được nhận học bổng tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên là Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường cũng có cơ chế khuyến khích ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học/sinh viên. Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra đề nghị các trường trực thuộc cần cân đối lại ngân sách nhằm phân bổ đồng đều, thống nhất mỗi ngành học cơ bản có 10% sinh viên được nhận học bổng nhằm thu hút sinh viên theo học.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong mùa tuyển sinh 2024 cũng tung ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút người học, đặc biệt quan tâm đến khối ngành khoa học cơ bản. Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, năm học này đang triển khai học phí ưu đãi theo chính sách của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là 35% và của trường 20%. Ngoài ra, trường còn có đề án riêng về hỗ trợ đào tạo đối với các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh. Trường đại học Khoa học Tự nhiên trong năm 2024 tiếp tục duy trì gói học bổng 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% dành học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên) cho các thí sinh trúng tuyển với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống: Ngành Vật lý học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường. Từ nay đến năm 2026, chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo (AI)” của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng dành 25 tỷ đồng cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, học viên sau đại học...
Chính sách linh hoạt thúc đẩy học tập
Để thuận lợi và chủ động hơn trong tuyển sinh, năm 2024, bên cạnh quy định chung của Nhà nước, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng có các chính sách miễn giảm học phí và cấp học bổng cho sinh viên theo học.
Khối ngành quân sự, công an cũng nhiệt tình tham gia những ngày hội tư vấn tuyển sinh. |
Tại buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2024 diễn ra ở Đại học Bách khoa (Hà Nội) quy mô lớn nhất năm nay với 280 gian tư vấn của hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trường nghề, thông tin về học phí, học bổng, chính sách hỗ trợ học tập được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm tìm hiểu. Em Nguyễn Đức Long đang học lớp 12 ở thành phố Thái Nguyên về Hà Nội để tham gia sự kiện cho biết: Em thích các ngành học về y dược, tuy nhiên lực học của em không tự tin có thể vào các trường công lập top đầu. Các chương trình chất lượng cao, tiên tiến, đào tạo liên kết thì dẫu có là trường công lập thì học phí cũng cao không thua kém, thậm chí còn cao hơn các trường tư thục, trên thực tế không phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, cho nên em tham gia sự kiện này nhằm tìm kiếm thông tin và cơ hội để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân nhất.
PGS,TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học Trường đại học Y Hà Nội cho biết, từ năm học 2023-2024, trường đã áp dụng cơ chế tự chủ nên học phí tăng là điều không thể tránh. Hiện nay, học phí của Trường đại học Y Hà Nội dao động 20,9-55,2 triệu đồng, trong khi trước kia chỉ 14,5 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, hàng năm trường đều có học bổng và hỗ trợ tài chính theo chính sách của nhà nước và theo quy chế của trường nhằm giúp sinh viên khó khăn tiếp cận cơ hội học tập.
Các trường đại học song song với việc thu học phí để đảm bảo tự chủ, luôn có những gói học bổng cũng như chính sách ưu đãi hỗ trợ học tập. Người học cần nỗ lực học để trau dồi năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nghề nghiệp sau này, vừa tìm kiếm các gói học bổng hỗ trợ khuyến khích học tập, giảm áp lực tài chính. Bên cạnh đó, các gói vay vốn học tập với lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng có uy tín để đi học hiện cũng đang được người học cân nhắc, lựa chọn.
PGS,TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Hội nghị tuyển sinh 2024 đã một lần nữa khẳng định, lợi ích của người học luôn là ưu tiên hàng đầu, góp phần vào lợi ích toàn diện của nền giáo dục nước nhà. Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho tương lai mà hơn thế, nó quyết định không nhỏ đến sự phát triển, hưng thịnh của quốc gia.