Niềm phấn khởi từ năm học tới

NDO - Thầy giáo Ðỗ Quang Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) không giấu được niềm hân hoan khi nhắc đến chính sách miễn học phí cho tất cả học sinh trên toàn quốc. Quyết sách đúng đắn này đã nhanh chóng lan tỏa niềm vui đến hàng triệu gia đình, đồng thời khẳng định Ðảng, Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Từ tháng 9 năm 2025, học sinh các cấp học trên toàn quốc được miễn học phí.
Từ tháng 9 năm 2025, học sinh các cấp học trên toàn quốc được miễn học phí.

Học phí không còn là nỗi lo

Trước năm 2021, Dương Quỳ vẫn thuộc xã miền núi thuộc khu vực III của huyện Văn Bàn, học sinh được giảm học phí, chỉ đóng khoảng 10 nghìn đồng/học sinh/tháng. Sau khi xã về đích nông thôn mới, học sinh các cấp học phải đóng 100% mức học phí, mỗi tháng 60 nghìn đồng. Trên thực tế, Dương Quỳ là một trong những xã có tỷ lệ người lao động đi làm ăn xa khá cao, con trẻ lớn lên thường nhờ cậy ông bà nuôi dưỡng. Trong bối cảnh đó, giáo viên chủ nhiệm thu học phí hộ nhà trường càng khó khăn hơn. Bão Yagi đã gây hậu quả nặng nề ngay sau ngày khai giảng năm học mới, địa phương cũng như trường bị ảnh hưởng nặng nề, vì thế năm nay học sinh được miễn học phí. Tuy nhiên, nỗi canh cánh về đóng học phí với phụ huynh vẫn luôn thường trực. Cho nên, “khi nhận thông tin miễn học phí trên toàn quốc, chúng tôi thật sự rất vui mừng”, thầy Trường chia sẻ.

Với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, niềm vui nhân lên gấp bội. Nhà em Hà Đình Quân ở cách trung tâm xã Dương Quỳ 8 km. Bố bỏ đi biệt tích, mẹ lấy chồng mới, Quân sống với bà nội đã già yếu. Thấu cảm với hoàn cảnh của em, thầy hiệu trưởng kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng. Có cuốn sổ tiết kiệm, sắp tới không phải đóng học phí, Quân càng yên tâm học hành để tự tin và cố gắng giành được suất học bổng vào lớp 10 công lập. Nhiều năm gắn bó với nghề giáo, gần gũi với học sinh, phụ huynh, chứng kiến đời sống vất vả của bà con, Hiệu trưởng Đỗ Quang Trường luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ các em học sinh. Ngoài giờ học, thầy trò tăng gia trồng rau, củ, quả để cải thiện bữa ăn bán trú luôn bảo đảm có đủ rau xanh, gia đình các em không phải đóng tiền.

Đón nhận thông tin, thầy Trần Đức Thanh, giáo viên Trường THCS Dương Quỳ bày tỏ: “Lần đầu tiên Nhà nước ban hành chính sách miễn toàn bộ học phí từ mầm non đến hết THPT, tôi rất vui mừng vì nhận thấy một chính sách có tác động tích cực, mạnh mẽ đến tất cả đối tượng toàn ngành giáo dục. Nhiều năm nay tôi vẫn thu xếp thời gian phụ đạo toán cho học sinh hầu hết có gia cảnh khó khăn, với mong muốn các em có tâm thế tốt nhất cho kỳ thi vào cấp ba.

Trường THCS Chiềng An có hơn 500 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Thái, Mông. Trường nằm trên địa bàn thành phố Sơn La cho nên học sinh không được hưởng chế độ giảm học phí, mặc dù nhiều người dân đời sống còn nhiều khó khăn. Khoản học phí hiện tại trường đang thu ở năm học này 52 nghìn đồng/học sinh mỗi tháng. Với những gia đình đông con đều ở độ tuổi đến trường, thu nhập thấp, đây là nguồn hỗ trợ đáng quý. Chính sách miễn học phí thật sự có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, giúp hạn chế tình trạng học sinh nghỉ và bỏ học. “Với những trường nghèo, còn nhiều khó khăn như Chiềng An, học sinh, phụ huynh sẽ không còn nỗi lo đóng học phí”, Hiệu trưởng Phạm Thái Hưng khẳng định.

Cô giáo Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới (Thành phố Huế) hồ hởi chia sẻ, quyết định miễn học phí cho học sinh các cấp học là tin vui tác động rất lớn đến bà con Vân Kiều, Pa Cô trên vùng đất nghèo vốn có truyền thống hiếu học. Chính sách ưu việt tiếp sức khiến cô trò và nhà trường càng nỗ lực phấn đấu dạy tốt, học tốt.

Niềm vui lan tỏa đến tất cả gia đình có con ở độ tuổi đi học. Vợ chồng chị Mai Thị Hà ở huyện A Lưới chủ yếu làm nông, có làm thêm nghề dệt zèng truyền thống. Chăm chỉ làm lụng, quanh năm trồng lúa, trồng màu, nuôi bò, lợn... nhưng chi tiêu trong gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Giờ đây, nghe chủ trương miễn học phí, họ vô cùng vui mừng vì đỡ được phần nào nỗi lo nuôi ba con ăn học.

Để trọn vẹn hơn cho một chủ trương hợp lòng dân

Xác định đầu tư cho giáo dục phải đi đầu, Nghị quyết 54 của HĐND thành phố Hải Phòng đã được thông qua năm 2019, trong đó có nội dung miễn học phí cho các bậc học từ mầm non đến THPT. Là địa phương đầu tiên cả nước thực hiện chính sách này, mỗi năm Hải Phòng dành gần 1% ngân sách thu nội địa để miễn học phí cho học sinh. Năm học 2020-2021 đánh dấu việc học sinh mầm non đến THCS ở TP Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí, học sinh THPT được miễn học phí từ năm học 2021-2022. Ngân sách thành phố cấp trực tiếp kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục theo quy định, với mức học phí tương ứng từng cấp. Việc cấp kinh phí hỗ trợ các cơ sở giáo dục được quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch theo từng năm học. Nghị quyết 54 đã thật sự đi vào cuộc sống qua 5 năm, con em lao động, công nhân các khu công nghiệp, người lao động ngoại tỉnh cũng được miễn học phí, qua đó, góp phần thu hút lao động ngoại tỉnh về sống và làm việc tại Hải Phòng, đóng góp thúc đẩy an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Đến năm học 2024-2025 này, toàn quốc đã có thêm 9 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Long An cũng thực hiện chính sách miễn học phí. Một số địa phương miễn học phí cho học sinh cả trong và ngoài công lập, nhằm bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, năm học 2024 - 2025, mức thu học phí của địa phương áp dụng ở khu vực thành thị tương đối thấp, chỉ từ 86.000 - 166.000 đồng/học sinh/tháng tùy theo cấp học. Chính sách miễn giảm học phí đối với các đối tượng như con gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh tiểu học, trẻ em mầm non 5 tuổi... được rà soát, thực hiện sâu sát mỗi năm. Mức thu học phí từ năm học 2017 - 2018 đến nay vẫn giữ nguyên. Ông Tân cho rằng, không tăng học phí góp phần chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhân dân. Tuy nhiên, có địa phương miễn học phí, có nơi không đã vô tình tạo ra khoảng cách, sự thiếu công bằng trong tiếp cận tri thức cũng như cơ hội học tập, chưa kể nảy sinh tình trạng so bì, kỳ thị có thể xảy ra ở các vùng giáp ranh khi học sinh tỉnh này thì được miễn phí, học sinh tỉnh kia thì không. Các thầy, cô giáo khi đi tập huấn chuyên môn hay “tị” nhau, rằng nước chảy chỗ trũng, học sinh các tỉnh giàu được miễn học phí, trong khi tỉnh nguồn lực eo hẹp thì người dân lại phải đóng khoản này.

Bên cạnh miễn học phí, người dân mong muốn Nhà nước mở thêm trường để sĩ số các lớp bớt đông, học sinh học trường công lập không phải đi quá xa, được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả hơn. Thực tế ngành giáo dục các địa phương chủ động huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên trên hết vẫn cần một chính sách bài bản, có tính căn cơ bảo đảm nền móng vững chắc để phát triển.

Đánh giá cao chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn không ít phụ huynh băn khoăn tình trạng “học chính thành học phụ, học phụ mới là học chính, thu tiền chính chỉ là phụ mà phụ thu mới là chính”. Lý giải điều này, một phụ huynh có hai con đang độ tuổi đi học trường công lập ở quận Cầu Giấy cho biết, tiền học mỗi tháng đóng cả chục triệu đồng, vài trăm nghìn đồng miễn học phí cũng chỉ giảm được một phần nhỏ. Các khoản thu có thể liệt kê khá dài như tổ chức phục vụ, quản lý vệ sinh bán trú, dịch vụ phục vụ ăn sáng; dịch vụ chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động trải nghiệm, tiền nước uống, ăn bán trú…

Niềm phấn khởi từ năm học tới ảnh 1

Một buổi giáo dục kỹ năng phòng chống cháy nổ và an toàn trường học tại Trường Tiểu học

Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Chính sách nhân văn và hợp lòng dân này bảo đảm cơ hội học tập tốt nhất cho học sinh ở mọi địa bàn, độ tuổi. Cùng với đó, ngành giáo dục có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng toàn diện và xây dựng môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc.