Nâng cao chất lượng, tạo điều kiện tốt hơn cho người học

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp 2025 đánh dấu lứa thí sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian này, bộ quy chế tuyển sinh dù đòi hỏi gấp rút phải hoàn thiện để sớm ban hành, nhưng vẫn cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, sao cho mỗi sự thay đổi, điều chỉnh đều trên nguyên tắc phải tạo điều kiện và mang lại hiệu quả cao nhất cho việc học cũng như công tác tuyển sinh.
Một buổi tọa đàm lấy ý kiến điều chỉnh sửa đổi Dự thảo quy chế tuyển sinh 2025 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một buổi tọa đàm lấy ý kiến điều chỉnh sửa đổi Dự thảo quy chế tuyển sinh 2025 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ công hiện đang trưng cầu dân ý, nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh...

Điểm gây chú ý nhất trong Dự thảo là đề xuất về xét tuyển sớm. Theo đó, Bộ đang cân nhắc, hoặc bỏ hẳn xét tuyển sớm, hoặc giới hạn cho các cơ sở giáo dục tối đa 20%. Cụ thể “Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 18 như sau: “Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung”.

Đây cũng là thông tin khiến nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang, rằng 80% chỉ tiêu còn lại là giành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thực chất, chỉ tiêu 20% xét tuyển sớm là nhằm hướng đến nhóm đối tượng thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, như các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế…

Theo ý kiến của PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Trong khi đó, bỏ xét tuyển sớm sẽ làm tăng chất lượng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, phản ánh đúng hơn chất lượng dạy và học khi học sinh có được sự ổn định về tâm lý, tập trung và cả sự quyết tâm vào kỳ thi.

Điểm nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhất trong dự thảo là siết chặt xét tuyển bằng phương thức xét học bạ. Theo đó, phải xét bằng kết quả học tập của thí sinh đủ cả 3 năm học phổ thông thay bằng 5 kỳ như hiện tại, trong đó bắt buộc phải có một trong hai môn toán hoặc văn…

Trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh cũng như cơ sở giáo dục.

Với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung. Điều này đồng nghĩa các trường không thể sử dụng đồng thời thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực như trước. Điểm chuẩn đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn đợt chung và phải quy đổi các phương thức về cùng một thang điểm.

Việc phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý có thể khiến một số nhóm đối tượng thí sinh bị thiệt thòi- đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Thực chất hơn trong xét tuyển

Thực ra, xét tuyển sớm vào các trường đại học vốn đã được nhiều cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện trong cả mười năm lại đây và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Các trường đại học có thể sử dụng một hay nhiều phương thức xét tuyển kết hợp như: tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế; xét điểm học bạ; qua các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực; các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC, xét chứng chỉ quốc tế SAT…

Sau ít nhiều hoang mangban đầu, dư luận chung đang có xu hướng đồng tình ủng hộ với phương án điều chỉnh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất. Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhìn nhận, trong những năm qua, khi triển khai hỗ trợ cho các thí sinh tham gia xét tuyển đại học sớm, Sở thấy bộc lộ nhiều bất cập, như để bảo đảm khả năng đỗ cao nhất khi tham gia xét tuyển sớm, hầu hết các thí sinh gửi hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, các trường THPT mất nhiều thời gian cho công tác hỗ trợ các em sao học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh…

Khi đề cập đến nội dung này tạiphiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh, điều chỉnh, thay đổi quy chế tuyển sinh dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục. Số liệu thống kê ở kỳ tuyển sinh 2024 cho thấy, có214 trong 322 trường có tham gia tuyển sinh bằng xét tuyển sớm, trong đó 375.500 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 147.400 hồ sơ (chưa đến 40%) quyết tâm theo học khi đặt nó làm nguyện vọng 1.

“Việc dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho xét tuyển sớm sẽ tác động ngược giáo dục phổ thông. Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập khi các em chưa hoàn thành chương trình THPT vô hình trung tạo ra sự không công bằng”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ. Ngoài ra, một thực tế trong suốt nhiều năm nay ở các trường phổ thông là tình trạng thả nổi sau khi học sinh đã trúng xét tuyển sớm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học năm cuối cấp, đồng thời điểm chuẩn xét tuyển đại học từ kết quả điểm thi tốt nghiệp ở những trường top bị đẩy lên quá cao như tình trạng mấy kỳ tuyển sinh gần đây…

PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính trong một buổi tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi đã có ý kiến, các trường đại học hiện tại hoạt động theo hướng tự chủ, để tuyển sinh chất lượng, việc đa dạng hóa các phương thức xét tuyển là đúng luật và hoàn toàn chính đáng. Chỉ là thời điểm xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và như thế, con số 20% xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa, nên bỏ hẳn. Đối với những học sinh có năng lực vượt trội, đạt được thành tích học tập cao trong các kỳ thi đấu thì Bộ nên có chính sách tuyển thẳng theo quy định. Mặt khác, Bộ nghiên cứu đẩy thời gian xét tuyển chung lên sớm hơn so với hiện tại để các trường có thời gian khi muốn triển khai các đợt tuyển sinh bổ sung.

Nâng cao chất lượng, tạo điều kiện tốt hơn cho người học ảnh 1

Thí sinh dự thi tại Kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2024.

Một điều đáng lưu ý, năm nay là năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên công tác chuẩn bị, chất lượng và tính phân hóa trong đề thi sẽ được chú trọng hơn, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhắn nhủ đến thí sinh: Các em không cần phải thay đổi các định hướng học tập hay phương thức xét tuyển mình đang theo đuổi, mà hãy tiếp tục nỗ lực học tập không ngừng vì một nền tảng vững vàng về kiến thức, năng lực, phẩm chất để đi thật xa trên con đường phía trước, không chỉ ở bậc đại học, cao đẳng…