Bảo vệ động vật hoang dã, loài và sinh cảnh

Mấu chốt là nâng cao nhận thức

NDO - Săn bắt khai thác có tính tận diệt động vật hoang dã, loài và sinh cảnh đang là vấn đề môi trường đáng lên án ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Có nhiều chương trình, hành động được triển khai, đi vào cuộc sống nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hình t hành ý thức, hành vi của cộng đồng trong công tác bảo tồn thiên nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Hai kiểm lâm viên đang chuẩn bị thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Hai kiểm lâm viên đang chuẩn bị thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Hồn nhiên khai thác theo lối tận diệt

Tầm cuối xuân đang là mùa chim di cư từ phía nam tránh rét bay về, cũng là mùa hoạt động săn bắt diễn ra sôi động. Mùa này, đặt chân đến các nẻo chợ quê, thậm chí dọc nhiều tuyến đường đô thị, chim hoang dã được bày bán bằng nhiều hình thức. Nhiều người không khỏi sợ hãi khi nhìn thấy một chiếc sảo to giữa chợ bày bán chim yến, loại yến lùn. Mỗi con chỉ bằng đốt tay, được người bán vặt lông nhúng sơ qua chảo mỡ. Được biết, họ dùng lưới tàng hình, một loại lưới mắt nhỏ, sợi mảnh, kết hợp dùng chim mồi và máy phát âm thanh dụ chim. Chim bị bẫy được tính theo đàn, hàng trăm con chim mới đủ 1 cân...

Không chỉ chim, nhiều loài hoang dã đang bị bắt theo lối gài bẫy, săn bắn. Từ sơ chế bày bán công khai ở chợ hay nhốt trong lồng, chuồng mua bán công khai ở các địa điểm không cố định. Động vật hoang dã từ môi trường tự nhiên đang bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau bị đẩy vào thị trường cung cầu để hiện diện trên bàn nhậu của thực khách...

Người dân coi việc săn bắt các loài hoang dã là hoạt động mưu sinh tự nhiên, không biết rằng, hoạt động săn bắt gia tăng với số lượng lớn đang dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyệt chủng ở một số loài. Họ đang hồn nhiên vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã...

Trung tâm Hành động Vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) là đơn vị có những đóng góp mạnh mẽ trong công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung, cũng như loài và sinh cảnh nói riêng. “Chỉ mới khảo sát tại một điểm cụ thể là Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk), trung bình, cứ mỗi km vuông có gần 7 chiếc bẫy thú lớn, nhỏ được gài” - TS Trang Nguyễn, Giám đốc WildAct xót xa...

Luật sư Lê Trung Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chiểu theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

Luật sư Lê Trung Sơn cũng khuyến cáo người dân, trong trường hợp phát hiện có người săn bắn, hoặc nuôi nhốt động vật hoang dã, cách làm đúng là báo cho cơ quan chức năng, có thể cùng tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc.

Hiểu biết để tạo chuyển biến tích cực

Một buổi sáng đầu tháng 4 mới đây, ông Nguyễn Hữu Dung ở thôn Cầu Nhò, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) tình cờ bắt được một con khỉ vàng trưởng thành đang vắt vẻo ngay trước mặt khi ông vừa mở cửa nhà.

Trước đó, ở Quảng Bình, gia đình ông Hoàng Văn Nhanh, thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng bắt được một cá thể khỉ vàng có trọng lượng 5,5 kg ngay trong vườn nhà. Ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa có anh Hà Bảo Trung bắt được cá thể trăn đất khi đi làm nương...

Những người dân trong các trường hợp kể trên giờ đây đã có ý thức chủ động liên hệ với cơ quan chức năng, khẩn trương giao nộp. Ban Quản lý các Vườn Quốc gia là những đơn vị được tiếp nhận các loài động vật hoang dã từ nhiều nguồn giao nộp về, nhằm chăm sóc, cứu hộ và quyết định thời điểm thả về môi trường tự nhiên theo luật định. Trong nhiều trường hợp, chứng kiến thú rừng bị rao bán trái phép, nhiều người dân chọn cách bỏ tiền túi mua lại đầy thiện chí rồi sau đó phóng sinh, hoặc giao nộp cho cơ quan chức năng.

Với sự phối hợp giữa các cấp, các cơ quan nhịp nhàng, thời gian qua, việc chuyển giao các cá thể động vật hoang dã về đúng nơi phù hợp có ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ hơn. Điển hình như đầu tháng ba vừa qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã chuyển giao để Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) một số cá thể như khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, cầy hương... tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện phục hồi tập tính hoang dã, khi đủ điều kiện sẽ thả về môi trường tự nhiên. Hoạt động này là một trong những cách bảo vệ động vật hoang dã sáng tạo.

Nâng cao hơn nữa ý thức cộng đồng

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam.

Bằng hành động cụ thể, để đón đầu cho mùa chim di cư an toàn, WildAct phối hợp với các kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tháo gỡ hơn 2.500m bẫy lưới sương mù, đồng thời cứu hộ chim di cư bị mắc bẫy. WilAct đã tổ chức chuỗi triển lãm về bảo vệ chim di cư thu hút hơn 4.000 lượt học sinh và người dân sinh sống dọc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng tiếp cận.

Bằng nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo, cụ thể như cán bộ, tình nguyện viên xắn tay trực tiếp làm, vừa hành động kết hợp tuyên truyền từ huyện xuống các xã thôn, đến từng cánh đồng với những kiến thức, cách thức để bảo vệ các loài chim di cư, tình trạng giăng bẫy chim đã giảm đáng kể, mỗi người dân đều tích cực chung tay tham gia vào công tác bảo tồn.

Mấu chốt là nâng cao nhận thức ảnh 1

Thông điệp ngừng ăn thịt thú rừng lan tỏa mạnh trong đời sống học sinh sinh viên ở Quảng Trị.

“Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” - Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học (trực thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) phát động nhằm nâng cao ý thức toàn dân về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sự đa dạng sinh học, làm hồi sinh những cánh rừng. Tại rừng phòng hộ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), sáng kiến thành lập Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng ban đầu chỉ ít ỏi với 5 thành viên thì đến nay đã tăng lên gấp năm lần. Từ ngày thành lập tháng 9/2022 đến cuối năm 2023, các đội tuần tra đã phát hiện và tháo gỡ được 6.844 bẫy các loại, phá dỡ 24 lán trại dựng trái phép, giải cứu được 5 động vật hoang dã mắc bẫy.

Dự án phối hợp với 21 ban quản lý rừng triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho đối tượng quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở các tỉnh có dự án. Chuỗi hoạt động về nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ động vật hoang dã, bài trừ hoạt động giết và ăn thịt thú rừng diễn ra tại nhiều tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình nhằm nâng cao năng lực và ý thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã

WildAct cũng là trung tâm triển khai nhiều chương trình hành động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn. Với sự đồng hành trợ giúp của WildAct, các Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng ở Chư Yang Sin được thành lập và hoạt động hiệu quả, mang về những tín hiệu tích cực như giải cứu các cá thể động vật , phát hiện và thông tin cho cơ quan chức năng bắt giữ thành công nhiều vụ việc săn bắn và vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

“Chỉ trong 7 tháng cuối năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin thực hiện các chuyến tuần tra xuyên rừng hàng tháng, vô hiệu hóa 2663 bẫy thú và 85 lán trại” - TS Trang Nguyễn thông tin.

Ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói trong buổi phát động truyền thông về giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã diễn ra tại Hà Nội trung tuần tháng ba vừa qua, rằng chúng ta cùng nhắc nhau sống thiện, hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên và các loài hoang dã nhằm gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học, cùng thực hiện cam kết quốc tế về bảo tồn...