Cần làm rõ những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn ở Đác Lắc

NDO -

NDĐT - Trong những ngày gần đây, phóng viên Nhân Dân điện tử nhận được nhiều đơn kiến nghị, tố cáo của các giáo viên về những sai phạm xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, tỉnh Đác Lắc diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây bức xúc trong cán bộ, giáo viên nhà trường.

Trường THCS Trần Văn Ơn, nơi xảy ra các sai phạm.
Trường THCS Trần Văn Ơn, nơi xảy ra các sai phạm.

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những nội dung tố cáo về những sai phạm xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn là có cơ sở, thậm chí có nội dung sai phạm nghiêm trọng nhưng không được cơ quan chức năng của huyện Krông Pắc phát hiện, xử lý.

Trường THCS Trần Văn Ơn nằm trên địa bàn xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, năm học 2019-2020, nhà trường có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 16 lớp từ lớp 6 đến lớp 9, với 560 học sinh; trong đó có 396 học sinh là người dân tộc thiểu số. Là trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, đời sống của nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, đáng ra tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phải đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh..., nhưng ngược lại, nhà trường đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây mất đoàn kết nội bộ và bức xúc trong giáo viên nhà trường.

Theo nội dung tố cáo của các giáo viên, từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019, hằng năm, kế toán nhà trường là bà Nguyễn Thị Dung đều tự ý thu tiền mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện) cho giáo viên mà không thông báo với giáo viên nên giáo viên không biết và trong chừng ấy năm các giáo viên cũng không được cấp thể bảo hiểm để thực hiện quyền lợi của mình. Thời gian gần đây, khi các giáo viên phát hiện ra việc sự nên yêu cầu bà Nguyễn Thị Dung, kế toán nhà trường đưa thẻ bảo hiểm thân thể để thực hiện quyền lợi của mình thì bà Dung trả lời không có thẻ.

Cô giáo Ngô Thị Xuân, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Trần Văn Ơn bức xúc nói: “Từ năm học 2009-2010 đến nay, năm nào tôi cũng bị trừ lương để đóng bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện). Cụ thể, năm học 2009-2010 và 2010-2011 đóng 97.000 đồng; năm học 2011-2012 và 2012-2013, đóng 148.000 đồng; các năm học từ 2013-2014 đến 2015-2017, đóng 155.000 đồng; năm học 2017-2018 và 2018-2019, đóng 250.000 đồng. Tôi không biết vì sao mình bị trừ lương nên vặn hỏi mãi, gần đây mới biết trừ lương để đóng bảo hiểm thân thể loại bảo hiểm tự nguyện do nhà trường tự ý mua. Bảo hiểm thân thể là bảo hiểm tự nguyện, ai có nhu cầu thì mua, không mua thì thôi, đằng này nhà trường tự ý lập danh sách và ký hợp đồng với công ty bảo hiểm, sau đó trừ lương mà giáo viên không hề hay biết. Không chỉ vậy, khi phát hiện ra việc này, chúng tôi đề nghị kế toán nhà trường đưa thẻ bảo hiểm thân thể để thực hiện quyền lợi của mình thì kế toán trả lời không có thẻ; yêu cầu được xem hợp đồng mua bảo hiểm, hóa đơn đỏ... nhưng được bà Dung, kế toán nhà trường trả lời là xé hết rồi?”.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Bình, giáo viên tổ Giáo dục công dân Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết thêm: “Đáng ra, nhà trường phải thông báo cho giáo viên về những lợi ích của loại bảo hiểm thân thể này, trên cơ sở tự nguyện ai có nhu cầu thì mua, còn không thì thôi, bởi hoàn cảnh gia đình của nhiều giáo viên còn khó khăn. Đằng này, nhà trường không thông báo gì đến giáo viên và cũng không hỏi ý kiến giáo viên mà tự ý lập danh sách các giáo viên, nhân viên trong trường rồi ký hợp đồng với phía bảo hiểm để mua và trừ lương chúng tôi để trả. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng cần vào cuộc làm rõ việc làm tùy tiện này và những lợi ích đằng sau đó là gì”.

Làm việc với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trần Văn Ơn thừa nhận: “Việc nhà trường mua bảo hiểm thân thể tự nguyện cho giáo viên là có nhưng những năm trước đây, do thầy Lê Xuân Hải làm Hiệu trưởng. Kể từ khi tôi được giao Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường từ tháng 7-2019 đến nay, nghe các giáo viên phản ánh, tôi đã chỉ đạo không làm việc này nữa”.

Theo điều tra của chúng tôi, từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019, Trường THCS Trần Văn Ơn mua bảo hiểm thân thể tự nguyện cho giáo viên tại hai đơn vị bảo hiểm là Công ty Bảo Việt Đác Lắc và Bảo Minh Đác Lắc.

Trong đó, từ năm 2009 đến năm 2016, Trường THCS Trần Văn Ơn ký hợp đồng bảo hiểm con người tại Công ty Bảo Việt Đác Lắc. Làm việc với chúng tôi, Công ty Bảo Việt Đác Lắc chỉ cung cấp hợp đồng trong hai năm 2015 và 2016. Theo Hợp đồng bảo hiểm con người giữa Công ty Bảo Việt Đác Lắc và Trường THCS Trần Văn Ơn, từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2016, toàn trường có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên mua bảo hiểm với mức 155.000 đồng/người, tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Công ty Bảo Việt Đác Lắc là 9.610.000 đồng.

Năm 2016, Trường THCS Trần Văn Ơn tiếp tục ký hợp đồng bảo hiểm con người tại Công ty Bảo Việt Đác Lắc, thời gian từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2017, với tổng số 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia bảo hiểm thân thể với mức đóng 155.000 đồng/người, tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Công ty Bảo Việt Đác Lắc là 9.920.000 đồng.

Tuy nhiên, điều bất thường là tại hai hợp đồng này, đại diện phía Trường THCS Trần Văn Ơn không phải là lãnh đạo nhà trường mà là bà Nguyễn Thị Dung, kế toán nhà trường và chỉ ký tên chứ không đóng dấu của nhà trường? Vậy dư luận đặt câu hỏi, các bản hợp đồng này có đúng với quy định hay không mà phía Công ty Bảo Việt Đác Lắc đều xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho nhà trường và liệu có khuất tất gì phía sau hai bản hợp đồng này?

Làm việc với Bảo Minh Đác Lắc, đơn vị này cung cấp cho chúng tôi hai bản Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe toàn diện giáo viên, năm 2017 và 2018, giữa Bảo Minh Đác Lắc và Trường THCS Trần Văn Ơn, huyện Krông Pắc. Mặc dù là bảo hiểm tự nguyện nhưng trong hai năm này, 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường đều mua bảo hiểm thân thể.

Cụ thể, năm 2017, toàn trường có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia mua bảo hiểm thân thể với mức 250.000 đồng/giáo viên và tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Bảo Minh Đác Lắc là 15,5 triệu đồng. Năm 2018, toàn trường có 52 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia mua bảo hiểm thân thể với mức 250.000 đồng/giáo viên và tổng số phí bảo hiểm nhà trường đóng cho Bảo Minh Đác Lắc là 13 triệu đồng.

Như vậy, việc Trường THCS Trần Văn Ơn tự ý mua bảo hiểm thân thể cho giáo viên rồi sau đó trừ lương đã rõ ràng, bởi nhiều giáo viên không được thông báo, không tham gia mua bảo hiểm thân thể nhưng vẫn có tên trong danh sách mua bảo hiểm của nhà trường.

Không chỉ sai phạm trong việc tự ý mua bảo hiểm thân thể cho giáo viên mà tại Trường THCS Trần Văn Ơn còn xảy ra sai phạm nghiêm trọng hơn là Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý để nhân viên văn thư chỉnh sửa học bạ, giả chữ ký của giáo viên bộ môn để nâng điểm cho một số học sinh được lên lớp.

Theo điều tra của chúng tôi, trong năm học 2017-2018, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng và thầy giáo Nguyễn Văn Bai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn đã đồng ý cho nhân viên văn thư, phụ trách phần mềm nhập điểm của nhà trường chỉnh sửa học bạ, giả chữ ký của các giáo viên bộ môn để nâng điểm cho các học sinh lên lớp.

Đến thời điểm hiện nay, đã phát hiện được sáu học sinh lớp 7, năm học 2017-2018, được nâng điểm lên lớp là: Y Sắc Adrơng, Y San Niê, Y Đam Kbuôr, Y Khương Niê, Y Yô Tham Byă và Y Duy Ayun.

Cụ thể, em Y Yô Tham Byă, năm học 2017-2018, em học lớp 7A3, môn Ngữ văn do cô giáo Ngô Thị Xuân dạy, số điểm trung bình cả năm môn Ngữ văn của em chỉ đạt 1,7 điểm, nhưng sau đó được cô Tuyến và thầy Bai đồng ý để nhân viên văn thư chỉnh sửa nâng lên thành 5 điểm và giả chữ ký của cô Xuân.

Hay như em Y Đam Kbuôr, năm học 2017-2018, em học lớp 7A3, môn Ngữ văn cũng do cô giáo Ngô Thị Xuân dạy, số điểm trung bình cả năm chỉ đạt 1,7 điểm nhưng được chỉnh sửa nâng lên 4,7 điểm để được lên lớp...

Cô Ngô Thị Xuân bức xúc: “Đến thời điểm hiện tại, tôi mới phát hiện được sáu em học lớp 7A3, năm học 2017-2018, môn Ngữ văn do tôi dạy, điểm trung bình cả năm chỉ đạt từ 1,2 đến 2,4 điểm, buộc phải ở lại lớp, thế nhưng cô Tuyến và thầy Bai, là Hiệu phó nhà trường, đã chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa, xé học bạ, giả chữ ký của tôi nâng điểm cho các em lên lớp khiến tôi bị xúc phạm nghiêm trọng. Tôi đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm, động cơ, mục đích của việc chỉnh sửa, nâng điểm này của lãnh đạo nhà trường?”.

Làm việc với chúng tôi, cô Tuyến và thầy Bai đều thừa nhận việc chỉnh sửa, nâng điểm và giả chữ ký của giáo viên bộ môn Ngữ văn trong năm học 2017-2018 cho các em học sinh lên lớp là có thật. Thầy giáo Nguyễn Văn Bai cho biết, việc giả chữ ký của giáo viên bộ môn, chỉnh sửa, nâng điểm cho học sinh lên lớp là để hợp thức hóa cho các em, bởi cuối năm học 2017-2018, nhân viên phụ trách phần mềm nhập điểm của trường đã bấm nhầm nên tất cả các em lớp 7A3 đều đủ số điểm để lên lớp 8. Tuy nhiên, sau đó kiểm tra lại thì các em không đủ điểm để lên lớp nên Ban Giám hiệu nhà trường đã đồng ý để nhân viên nhập điểm chỉnh sửa, nâng điểm và giả chữ ký của giáo viên bộ môn để hợp thức hóa cho các em. Hơn nữa, vì thương học sinh, nếu để các em ở lại lớp thì các em bỏ học vì các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, Trường THCS Trần Văn Ơn còn để xảy ra nhiều sai phạm khác, nhất là việc tổ chức dạy thêm, học thêm, để giáo viên dạy thêm trực tiếp thu tiền từ học sinh; thu không có phiếu thu; tự ý sử dụng tiền thu không thông qua hội đồng sư phạm nhà trường... Đồng thời, thiếu công khai, minh bạch, công bằng trong việc bình xét thuyên chuyển giáo viên theo chỉ đạo của cấp trên, gây bức xúc trong giáo viên nhà trường...

Làm việc với chúng tôi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Pắc, Trần Quốc Vĩnh cho biết, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã nhận được đơn tố cáo của các giáo viên về những sai phạm xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn. Sau khi xem xét nội dung đơn, Ủy ban Kiểm tra đã chuyển đơn cho UBND huyện kiểm tra, xử lý. Khi nào có kết quả kiểm tra của UBND huyện, nếu có sai phạm, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý về mặt Đảng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Ngô Thị Minh Trinh cho biết, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra và đang tiến hành kiểm tra tại Trường THCS Trần Văn Ơn. Khi nào có kết quả sẽ thông tin sau.

Đề nghị các ngành chức năng của huyện Krông Pắc và tỉnh Đác Lắc vào cuộc, kiểm tra làm rõ những vấn đề nêu trên và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm nhằm ổn định tư tưởng của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở ngôi trường này.

Cần làm rõ những sai phạm tại Trường THCS Trần Văn Ơn ở Đác Lắc ảnh 1

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách và thầy giáo Nguyễn Văn Bai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn làm việc với phóng viên.