Cần kiểm soát tình hình sử dụng bia rượu ở Việt Nam

NDO -

NDĐT- “Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sáng 9-11 khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB) trước Quốc hội.

Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV
Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV

Tác hại của bia rượu

“Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, với những ảnh hưởng trên cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Tờ trình về dự án Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, dẫn bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy: rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy, giảm khả năng điều khiển hành vi); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển của bào thai; suy giảm miễn dịch.

Theo thống kêm mỗi năm trên thế giới, rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Bên cạnh đó, tổn hại sức khoẻ do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Cần thiết phải ban hành luật

Trước những số liệu được trích dẫn, Chính phủ cho rằng việc ban hành Luật PCTHRB là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Theo Bộ trưởng Y tế, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu PCTHRB. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về PCTHRB và thực hiện hiệu quả.

“Việc xây dựng Luật PCTHRB nhằm bảo đảm ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước”, Bộ trưởng Y tế nêu rõ.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ủy ban cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia.

“Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Để giảm tác hại của rượu, bia, Ủy ban cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các quy định tại Điều 22 dự thảo Luật về phòng, ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia để tránh trùng lắp với quy định của các luật khác có liên quan và phát huy đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong phòng, chống tác hại rượu, bia, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.