Nghĩa trang trăm tuổi… không yên!
Đưa chúng tôi mục sở thị khu nghĩa trang bản Món, bản Pe đang ầm ầm tiếng máy, ông Thông và mấy người dân bản Món đã nói với nhau trong lo lắng. Chuyện của họ giúp chúng tôi hiểu thêm về nguồn gốc khu nghĩa trang và lịch sử đồng bào dân tộc Thái ở bản Món, bản Pe những ngày xưa.
Chuyện rằng cách đây hàng trăm năm có gần chục gia đình người Thái ở Mường Thanh đã di chuyển về đây lập bản, bởi ở khu này có suối có ruộng và có đồi. Ngày ngày, đàn bà trong bản ra ruộng trồng lúa chăm ngô, đàn ông xuống suối bắt cá rồi lên rừng lấy củi khô về nấu nướng. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi theo cuộc sống ấm yên của bà con dân bản. Đến một ngày, người cao niên trong bản là ông L.V.P. đi theo ông bà tổ tiên, con cháu họ đã theo phong tục truyền thống của người Thái đi tìm đất táng. Lựa mô đất cao, thoáng ở giữa cánh đồng (người Thái quan niệm phải chọn nơi đất cao mới sạch để táng người chết, để thể hiện lòng thành, hiếu trung), con cháu ông L.V.P. đã tung quả trứng lên rồi đợi khi quả trứng dừng ở đâu thì cắm cây đào huyệt tại đó. Và rồi từ đó, nhà nào trong bản có người mất cũng ra mô đất ấy rồi theo tục người Thái để chọn đất làm huyệt. Khu nghĩa trang người Thái bản Món, bản Pe hình thành từ đó, đến bây giờ tuổi đã hàng trăm năm… mà lại không…yên! Vì cả năm nay, tại nghĩa trang này ngày ngày vẫn diễn ra cảnh tranh mua tranh bán các phần đất. Người muốn có tiền bán đất tìm đủ mọi cách, như là phát cây, nhận phần rồi sau lặng lẽ bán. Người mua được đất lại là người không hộ khẩu, không họ hàng với người các bản Món, bản Pe nên khi mua được đất thì ngang nhiên đổ đất, xây tường bao. Nhiều nhà mua đất đặt mộ ngay, những cũng nhiều nhà mua đất để giữ chỗ hoặc bán lại “vì bây giờ bán đất nghĩa trang dễ lắm và lời lắm!”.
Đứng bên mấy phần mộ của gia đình, cụ ông Lò Văn Pâng nay đã tuổi gần đất xa trời khẽ nói trong niềm đau chua xót: Người ta từ đâu đến cứ ngang nhiên đổ đất, xây tường trong khi mồ mả bố mẹ tôi, vợ tôi nằm nơi đó. Hôm trước, xe chở đất của họ còn làm vỡ gạch trên mộ bà nhà tôi may mà con trai tôi đi qua thấy được yêu cầu dừng lại. Cứ đà này thì người trong bản chẳng còn chỗ mà chôn…
Chính quyền thừa nhận …
Tìm hiểu thực tế được biết, cái nguyên do sự không yên ở nghĩa trang bản Món, bản Pe phần nhiều khởi phát từ chỉ đạo di chuyển các phần mộ ở Nghĩa trang Cộng hòa (trước thuộc xã Thanh Luông huyện Điện Biên nay chuyển về thành phố Điện Biên Phủ), để thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên mà nhiều năm qua tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai.
Theo chỉ đạo tại Thông báo 142/TB-UBND ngày 29-11-2019 của UBND huyện Điện Biên, từ ngày 4-12-2019 đến hết ngày 4-12-2020 phải di dời hết các phần mộ từ nghĩa trang Cộng Hòa sang các nghĩa trang khác (trong đó gồm cả nghĩa trang đội 13 đã được quy hoạch là một phần nghĩa trang nhân dân các bản Món, bản Pe xã Thangh Luông) để thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên. Thông báo yêu cầu phải di chuyển là vậy, nhưng thời điểm đó UBND huyện Điện Biên lại chưa bố trí được quỹ đất để các gia đình di dời phần mộ từ nghĩa trang Cộng Hòa về nghĩa trang đội 13 mở rộng. Chính bởi vậy mà người dân cứ tự ý khoanh đất nghĩa trang, khoanh đất ruộng bán cho các hộ có nhu cầu.
Cuối chiều ngày 6-1, tại trụ sở UBND xã Thanh Luông, ông Quàng Văn Pâng, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, tình trạng người dân địa phương tự ý bán ruộng, bán đất cho người nơi khác đặt mộ đã diễn ra hơn một năm rồi. Vì biết việc mua bán đất là sai quy định pháp luật Đất đai nên người mua lợi dụng đêm tối đổ đất, xây mộ. Cao điểm nhất là dịp cuối năm 2019, chỉ trong một đêm đã có hàng chục phần mộ được hoàn thành. “Xã đã nhiều lần thành lập đoàn về cơ sở tuyên truyền, vận động người dân dừng ngay việc mua bán đất, nhưng không được. Thế rồi, xã thành lập cả đoàn đủ thành phần, gồm: công an, địa chính, cán bộ các đoàn thể thay phiên nhau đi canh không cho người ta đổ đất xây mộ cũng không được, vì cán bộ trông ban ngày thì họ chở đất ban đêm, xây mộ cũng trong đêm. Xã hoàn toàn bất lực rồi!”- ông Chủ tịch UBND xã Thanh Luông thừa nhận như thế.
Trách nhiệm… vòng quanh
Đưa cho chúng tôi xem mấy văn bản xã báo cáo, đề nghị huyện có biện pháp mạnh hỗ trợ giải quyết tình trạng vi phạm đất đai tại nghĩa trang đội 13, ông Quàng Văn Pâng, cho biết thêm, lần nào xã báo cáo cũng nhận được hồi đáp từ huyện. Quan điểm của UBND huyện rất cương quyết, yêu cầu UBND xã phải xử lý các trường hợp vi phạm và thậm chí phải hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thực hiện tháo dỡ, san gạt trả lại hiện trạng đất như ban đầu nhưng xã không làm được. Mà nguyên nhân, như ông Pâng cho biết, thẩm quyền của xã chỉ phạt hành chính tối đa 5 triệu đồng; còn tháo dỡ các phần mộ thì việc tâm linh càng khó.
Cung cấp một số văn bản liên quan chủ trương triển khai dự án mở rộng nghĩa trang đội 13, ông Đặng Văn Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Điện Biên, khẳng định: Đất mà người dân tự mua bán tại nghĩa trang đội 13 là đất nông nghiệp; việc mua bán như vậy là sai quy định Luật Đất đai. Về nguyên nhân, ông Tuấn cũng khẳng định công tác quy hoạch, xây dựng nghĩa trang đội 13 mở rộng của huyện là không kịp thời, vì khi chưa có mặt bằng đã thông báo thời hạn phải di chuyển mộ ở nghĩa trang Cộng Hòa chậm nhất là 4-12-2020 do vậy các hộ ồ ạt tự mua đất, chuyển mộ từ năm 2019. Đề cập giải pháp giải quyết thực trạng này, ông Tuấn cho rằng sẽ rất khó mà với trách nhiệm của Phòng Tài nguyên thì chỉ tham mưu UBND huyện chứ không thể đứng ra giải quyết.
Đem theo những lo lắng, nỗi niềm của người dân bản Món, bản Pe gõ cửa thêm vài nơi, chúng tôi chẳng có thêm thông tin gì. Qua điện thoại, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng chỉ xác nhận thực trạng đúng như thế và tuyệt nhiên không đề cập giải pháp ngăn chặn là gì, trong khi nhiều ngày qua trên phần đất do UBND huyện Điện Biên quản lý đã diễn ra cảnh tranh mua tranh bán khiến người dân địa phương rất buồn lo. Mà như lời các cụ cao niên trong bản Món đã nói “Khi dần cần thì cấp này lại đổ cho cấp nọ; trách nhiệm rõ là của chính quyền mà cứ như quả bóng chạy vòng quanh…”!