Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho phát triển văn học, nghệ thuật

NDO - Chiều 25/7, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23
Tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23

Qua 15 năm tổ chức, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 23/12/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, thành phố đã đạt được một số kết quả khá quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế-văn hóa-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo. Thành phố đã có những chỉ đạo thiết thực trong việc đưa trình diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên và thực hiện có hiệu quả việc quảng bá trong hệ thống các trường phổ thông.

Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho phát triển văn học, nghệ thuật ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.

Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo dàn dựng và tổ chức biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao, tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa với các quốc gia nhằm làm phong phú, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật của các đơn vị; thường xuyên tổ chức thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ người dân ngoại thành.

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở các vùng biên giới, hải đảo và kiều bào ở nước ngoài, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường gắn kết tình quân dân keo sơn, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Với quan điểm đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển văn học, nghệ thuật, thành phố đã tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động sáng tạo và có sự quản lý nhà nước chặt chẽ qua đó các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã mang đến cho công chúng thành phố những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh cho người dân…

Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho phát triển văn học, nghệ thuật ảnh 2

Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngoài ra, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện nhân tài luôn cũng được thành phố coi trọng. Lực lượng văn nghệ sĩ đã tích cực học tập và nâng cao trình độ lý luận, phê bình qua các lớp cao học và cả trình độ tiến sĩ. Các tài năng văn học, nghệ thuật được phát hiện nhiều hơn và đã được khuyến khích bằng nhiều hình thức, tạo động lực và kích thích sự sáng tạo, đóng góp nhiều hơn của các tài năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn một số hạn chế nhất định. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn chưa được một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng.

Sự quan tâm đối với chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách, thiết chế văn hóa cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, hoạt động đầu tư sáng tác, dàn dựng, quảng bá văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật; nâng cao trách nhiệm quản lý trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định, công bố, biểu diễn, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị cần tập trung nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật của thành phố phát triển ngang tầm với vị trí là một trung tâm của khu vực và cả nước. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho phát triển văn học nghệ thuật; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài đối với các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật để bổ sung nguồn giáo viên, giảng viên chất lượng cao.

Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho phát triển văn học, nghệ thuật ảnh 3

Tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cũng nhấn mạnh xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới; khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố thâm nhập thực tế, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.