Quy định về kỷ luật học sinh không còn phù hợp thực tiễn
Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Linh cho biết, hiện nay việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông đang được thực hiện theo Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư ban hành năm 1998, quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông của Bộ GD-ĐT (Thông tư 08).
Trên thực tế, một số quy định về kỷ luật học sinh chưa được đồng bộ, thống nhất. Một số quy định không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là khi một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016.
Đặc biệt, theo ông Bùi Văn Linh, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay vẫn còn mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, các trường học và địa phương áp dụng các quy định còn khác nhau; chưa thể hiện tốt nhất được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực và mục đích để cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa còn hạn chế.
Đây chính là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật nói riêng trong học sinh và công tác giáo dục toàn diện học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Từ thực tiễn nêu trên, ông Bùi Văn Linh cho biết, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện dự thảo các quy định mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế cho các nội dung quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp học và văn bản liên quan hiện hành.
Nói “không” với xử phạt mang tính bạo lực
“Nếu mục đích của việc khen thưởng là hướng tới là tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống thì kỷ luật học sinh hướng tới việc giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm” - Vụ trưởng Bùi Văn Linh nói.
Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với các vấn đề liên quan; bảo đảm tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh; giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ; không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Các hình thức kỷ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh.
Để thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ yêu cầu các giáo viên thu thập các thông tin khách quan để xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Theo đề xuất của các chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường, tới đây cần áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực như: Khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; phối hợp cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Ngoài ra, các biện pháp mà nhà trường có thể áp dụng khác trong kỷ luật học sinh là: Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được thỏa thuận; hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa…, trước khi nhà trường tiến hành xử lý kỷ luật học sinh.
Giáo viên và nhà trường cũng có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp giáo dục khác, nhưng phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh.
“Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông hiện nay. Làm tốt công tác này ngoài việc sẽ góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, nền nếp, kỷ cương, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện, vì sự tiến bộ, hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực, phẩm chất tốt nhất cho học sinh; mà còn từng bước xây dựng trường học hạnh phúc” - ông Linh cho biết.