Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thai nghén kể từ khi được đề cập tại Pháp lệnh du lịch năm 1999, Luật Du lịch năm 2005 tới lúc được nêu rõ tại Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp tục được cụ thể hóa tại Luật Du lịch năm 2017 cùng các văn bản liên quan.
Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Trong bối cảnh ngành du lịch đang phải đối mặt vô vàn khó khăn sau hai năm “đóng băng” vì dịch Covid-19, đặc biệt là công tác xúc tiến quảng bá du lịch thời gian qua vẫn luôn bị cho là manh mún, phân tán, kém chuyên nghiệp vì thiếu kinh phí, sự xuất hiện của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được xem là động lực quan trọng giúp giải quyết những hạn chế về nguồn lực xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch theo hướng linh hoạt, năng động hơn trên cơ sở tăng cường về cả quy mô, tần suất, chất lượng hoạt động.
Tuy nhiên, quỹ là đơn vị mới, vận hành theo mô hình, cơ chế mới và mang tính đặc thù nên điều khiến nhiều người làm du lịch quan tâm là quỹ sẽ hoạt động như thế nào để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả. Điều lệ tổ chức và hoạt động quy định: Kinh phí hoạt động hằng năm của quỹ do ngân sách Trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan.
Song theo nhiều chuyên gia, ở thời điểm này, du lịch vừa mở cửa, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp nên nguồn thu từ phí thị thực và tham quan chắc chắn không thể như kỳ vọng. Vì thế, cần nhanh chóng làm rõ cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường xã hội hóa nguồn lực phục vụ xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, để hoạt động của quỹ thật sự hiệu quả, những người làm du lịch cũng mong muốn quỹ có đề án cụ thể về từng hạng mục hỗ trợ, cách thức ra sao, sử dụng kinh phí thế nào… trên cơ sở tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch. Đây không chỉ là cách giúp minh bạch hóa, bảo đảm quỹ hoạt động đúng định hướng, trọng tâm mà còn là cách giúp tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hoạt động, đồng thời nâng cao vai trò giám sát đối với việc vận hành Quỹ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BTC ngày 22/2/2022 hướng dẫn nội dung và mức chi ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của quỹ, tạo cơ sở để quỹ triển khai các hoạt động thực tế. Trong đó, bên cạnh các nội dung chi cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Thông tư còn quy định nội dung chi hỗ trợ phát triển du lịch, bao gồm hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo để nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động du lịch; hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp triển khai truyền thông du lịch cộng đồng.
Do đó, doanh nghiệp cũng như những người làm du lịch đều mong muốn được làm rõ về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ chế để có thể tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ, góp phần gia tăng nguồn lực, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức về du lịch.
Tại buổi ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vừa diễn ra đầu tháng 4/2022, Chủ tịch Quỹ Lê Tuấn Anh cho biết, trong năm nay, quỹ sẽ phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam nhằm khôi phục thị trường quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa; nghiên cứu thị trường, đánh giá các xu hướng du lịch mới sau đại dịch, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của khách du lịch… Những hoạt động này đang được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” cho sự hồi phục, phát triển của ngành du lịch nước nhà trong tình hình mới.