Cần có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới

NDO -

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, hiện nay tỷ lệ bao phủ mũi 1 vaccine đạt hơn 81%, các tỉnh, thành phố không thể cố hữu biện pháp như trước đây, cần phải nghiên cứu kỹ các quy định để ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch phù hợp cho địa phương.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chiều 5/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, bàn các giải pháp khống chế dịch đang tăng trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố và giải quyết bài toán tốc độ tiêm vaccine hiện đang chậm tại một số địa phương.

Dịch tăng trở lại tại nhiều địa phương, tốc độ tiêm vaccine còn chậm

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 120 triệu liều vaccine nhưng đến trưa 5/11, Việt Nam mới tiêm được 86.438.000 liều, đạt hơn 2/3 lượng vaccine. Hiện cả nước còn gần 40 triệu liều vaccine chưa được tiêm.

So với vaccine cấp phát ở địa phương, tốc độ tiêm đang chậm tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Thứ trưởng cũng điểm 10 tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine thấp so với lượng vaccine được công bố (cập nhật của Hệ thống tiêm chủng) gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An.

“Tôi đề nghị các địa phương cần báo cáo rõ nguyên nhân về việc thiếu nhân lực hay do chưa được cấp phát vaccine. Nếu thiếu nhân lực, các địa phương cần có văn bảo báo cáo ngay về Bộ Y tế để bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng cử ngay lực lượng vào hỗ trợ", Thứ trưởng nói. 

Về độ bao phủ vaccine, tính đến trưa 5/11, Việt Nam đã đạt bao phủ hơn 81% mũi 1 và 37,2% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Chỉ còn 19% nữa là Việt Nam hoàn thành bao phủ vaccine mũi 1.

Hiện có 13 tỉnh đạt trên 95% bao phủ mũi 1, 11 tỉnh tiêm đủ 2 liều từ 18 tuổi là đạt trên 50%, có 5 tỉnh tiêm 1 liều dưới 50%.

Về diễn biến dịch, Thứ trưởng cảnh báo các địa phương về nguy cơ dịch diễn biến phức tạp trong một tuần qua. Từ ngày 29/10 đến 4/11, miền bắc có 4 tỉnh ghi nhận số ca mắc tăng trong cộng đồng. Miền nam cũng ghi nhận 14 tỉnh F0 tăng nhanh, trong đó có 4 tỉnh tăng từ 500 lên 700 ca, 2 tỉnh tăng từ 200 lên 500 ca, 5 tỉnh tăng từ 100 lên 200 ca và 3 tỉnh tăng từ 50 lên 100 ca.

Trong tuần có 405.000 người từ một số địa phương có tỷ lệ nhiễm sâu hoặc khu vực cấp 3, 4 về địa phương khác và qua xét nghiệm 382.000 người đã phát hiện 7.700 F0, chiếm khoảng 2%. 

"Theo đánh giá cấp độ dịch (Quyết định 4800 của Bộ Y tế), cả nước có 7.161 xã cấp 1, đạt 67,5%, cấp 2 là 3.087 xã, đạt 29,1%, cấp 3 là 247 xã đạt 23% và cấp 4 là 106 xã xấp xỉ khoảng 1%. Trong một tuần số xã cấp 1, cấp 2 giảm xuống và chuyển tăng lên cấp 3, 4 là 142 xã. Tôi đề nghị các địa phương phải tư duy xem nguyên nhân từ đâu”, Thứ trưởng nói.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tỉnh An Giang cho biết, đến 5/11, tỉnh ghi nhận 12.600 trường hợp dương tính, số bệnh nhân đang điều trị còn khoảng 4.000, tăng gần gấp đôi so với 2 tuần trước đây. Số ca tăng chủ yếu do số lượng đi từ vùng dịch về, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.500-2.000 ca (tổng số đến nay là gần 70.000 trường hợp), tỷ lệ nhiễm Covid-19 là 1.300 trường hợp (1,7%).

"Khi triển khai thích ứng an toàn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều công bố dịch cấp độ 2 nên các địa phương không còn chốt kiểm soát, không xét nghiệm người đi lại vào tỉnh, kể cả người từ các vùng dịch về dẫn tới phát sinh hầu hết ca nhiễm tại các huyện, thị tỉnh An Giang", đại diện tỉnh này cho biết. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng số ca nhiễm tại nhiều tỉnh phía nam. 

Tại hội nghị, nhiều địa phương báo cáo tốc độ tiêm chậm so với số vaccine được phân bố chủ yếu do dành vaccine để tiêm trả mũi 2 trong thời gian tới. Một số địa phương tại khu vực Tây Nam Bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang đề nghị hỗ trợ nhân lực triển khai tiêm

Biện pháp chống dịch phải thích ứng với tình hình mới

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, qua quá trình theo dõi và khảo sát, các địa phương đều gặp vấn đề khó khăn trong quản lý, xét nghiệm những người dân đi về từ tỉnh, thành phố có độ nhiễm sâu cao về. Nhiều địa phương chưa rõ cách thức quản lý như thế nào để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. 

Về nội dung này, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ Công điện 1.700 (ngày 25/10/2021) để ban hành hướng dẫn cụ thể tại địa phương phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Nội dung công điện rất rõ ràng yêu cầu cần phải rà soát tất cả người đi từ TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và các khu vực cấp độ 3, 4 về, từ đó có cách thức tổ chức giám sát, xét nghiệm, đưa đi cách ly với từng trường hợp. Các địa phương căn cứ vào nội dung này để triển khai biện pháp phù hợp. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao tuyên truyền làm thay đổi ý thức và hành vi, để người dân dần thích ứng với điều kiện mới, không thể "Zero Covid". "Hiện nay tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 81%, chúng ta không thể cố hữu biện pháp phòng, chống dịch như trước đây chưa tiêm, nếu không việc tiêm vaccine trở nên vô nghĩa", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Thứ trưởng yêu cầu, để việc phân bổ vaccine đúng và đủ, các địa phương cần phải báo cáo đầy đủ, chi tiết để Bộ Y tế phân bổ hợp lý, tránh địa phương thừa, địa phương thiếu. 

Các địa phương cần phê duyệt phương án chống dịch cụ thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tình hình mới. Trong đó cần lưu ý hướng dẫn công nhân, người dân xét nghiệm, bảo đảm trong quá trình hoạt động doanh nghiệp sẽ không chịu những áp lực tài chính và tổ chức thực hiện. 

Bộ Y tế đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur đánh giá sơ bộ về tình hình đợt dịch thứ 4 báo cáo về bộ trước ngày 15/10. Theo đó, báo cáo đánh giá các trường hợp đã tiêm vaccine tỷ lệ nhiễm Covid-19 bao nhiêu %, đánh giá về tải lượng virus để xem khả năng lây nhiễm sau tiêm bao nhiêu để Bộ Y tế có giải pháp cụ thể với trường hợp tiêm vaccine.

Trong tình hình mới, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần mạnh dạn cách ly F1 tại nhà, F0 có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà theo phác đồ Bộ Y tế đã hướng dẫn. Phải chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở để chăm sóc người dân trong tất cả lĩnh vực. Đặc biệt tại các khu công nghiệp nên hình thành tổ hoặc trạm y tế lưu động có sự tham gia của lực lượng y tế doanh nghiệp, cùng giúp doanh nghiệp chống dịch.

Các địa phương cũng cần rà soát đánh giá nâng cao chất lượng điều trị ở tầng 3 để chuyển chiến lược điều trị, F0 nhẹ điều trị tại nhà, F0 nặng đưa vào viện điều trị nhưng phải bảo đảm tỷ lệ tử vong thấp nhất.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan