Thông tin đưa ra tại hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” sáng ngày 23-4 là qua khảo sát của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên bảy tỉnh phía bắc của cán bộ Trường đại học Giáo dục cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, thực trạng xã hội cho thấy, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên (HSSV) để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học. Chính vì vậy, các dịch vụ tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần trường học...đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về công tác tư vấn, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho HSSV. Gần đây nhất, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” có hiệu lực từ 2-2-2018 (Thông tư 31), góp phần giải quyết những tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn, tư vấn học đường chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Hiện hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân. Một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. Bên cạnh đó, mặc dù hàng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.
TS Bùi Văn Linh tại hội thảo.
TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV cho biết: Theo quy định tại Thông tư 31, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Trong thời gian còn lại của năm 2018 có thể linh động tạo điều kiện cho các thầy cô còn sau này thì tất cả những thầy cô tham gia đều phải được đào tạo chuẩn hóa theo chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ.
Về quy mô, tính sơ bộ khoảng 14 nghìn trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, thì khoảng 70 nghìn giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới.
Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý và đã được nghiệm thu, đến thời điểm hiện nay, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ để phê duyệt chương trình Bồi dưỡng tâm lý. Tiếp theo, các cơ sở giáo dục đào tạo được giao nhiệm vụ có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý và cấp chứng chỉ cho giáo viên trong toàn quốc. Sau khi Bộ trưởng ký quyết định ký phê duyệt chương trình bồi dưỡng tư vấn tâm lý thì các cơ sở đào tạo tâm lý giáo dục, như: Trường đại học Hà Nội, Trường đại học Giáo dục, Trường đại học Thương mại TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Tâm lý học Việt Nam… sẽ nộp hồ sơ để được thẩm định và giao thẩm quyền được phép đào tạo.
TS Bùi Văn Linh cho biết thêm: Trong thời gian tới, yêu cầu bảo đảm thể chất, tinh thần cho học sinh và giáo viên đều quan trọng như nhau. Qua một vài vụ việc cá biệt xảy ra trên thực tế thời gian qua cho thấy công tác tư vấn tâm lý, tham vấn học đường trong thời gian tới cần phải được mở rộng thêm tới cả giáo viên, hướng tới sàng lọc những thầy cô gặp khó khăn để tiếp cận và hỗ trợ các thầy cô làm tốt nhiệm vụ truyền đạt tri thức, đạo đức cho học sinh.