Cần chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn

Dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước ngày càng rõ nét. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt giá trị tầm cỡ thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên Sun World Hạ Long (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sungroup đầu tư. (Ảnh: DƯƠNG NHUNG)
Công viên Sun World Hạ Long (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sungroup đầu tư. (Ảnh: DƯƠNG NHUNG)

Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500-Báo cáo 2023) do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp quy mô lớn có sức chống chịu tốt hơn doanh nghiệp nhỏ, thể hiện ở việc doanh nghiệp lớn vẫn có khả năng đầu tư tăng tài sản và vốn sản xuất, kinh doanh.

Phát triển nhờ mở rộng sản xuất

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, Việt Nam có 694.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.

Một phát hiện đáng chú ý của Báo cáo VPE 500 là trong đại dịch Covid-19, sức chống chịu của các doanh nghiệp có quy mô lớn tốt hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thể hiện ở việc các doanh nghiệp VPE 500 vẫn có khả năng đầu tư tăng tài sản và vốn sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Nhóm VPE 500 cũng hoạt động vượt trội và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, thể hiện trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân.

Phó Viện trưởng Chiến lược phát triển Nguyễn Quốc Trường cho biết, nhóm 500 doanh nghiệp lớn tuy chỉ chiếm 0,075% tổng số doanh nghiệp tư nhân trong cả nước nhưng tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu gộp và đóng góp 18,4% vào ngân sách nhà nước đối với khu vực tư nhân trong nước. Do đó, nhóm VPE 500 được kỳ vọng là lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường. Kết quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp có tính quyết định trong các vấn đề chiến lược như cải tiến công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu, phát triển và tự động hóa so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, hạn chế của nhóm VPE 500 là năng suất không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Cụ thể, năng suất lao động của nhóm VPE 500 tăng khoảng 7,6%/năm, cao nhất trong các nhóm doanh nghiệp nhưng không phải mức tăng vượt trội.

Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển), VPE 500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương và tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, xây dựng. Điểm hạn chế là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân có tầm cỡ khu vực, các thương hiệu của Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Thay đổi các tiếp cận chính sách

Sau đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp trong nhóm VPE 500 biến động khá mạnh, những doanh nghiệp ra khỏi danh sách chủ yếu tập trung trong ngành bất động sản và xây dựng, thương mại, dệt may, trong khi ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục chiếm ưu thế. Qua các kỳ nghiên cứu và công bố Báo cáo VPE 500, Viện Chiến lược phát triển đề xuất Chính phủ cần thay đổi các tiếp cận trong mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng ban hành chính sách riêng để hình thành các tập đoàn tư nhân lớn.

TS Trần Toàn Thắng cho biết đó chính là bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các quốc gia này đã có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, tạo nên “xương sống” cho nền kinh tế. Đối với tình hình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân còn rất trẻ, chủ yếu ra đời sau Đổi mới cho nên cách thức hỗ trợ của Nhà nước cần đi vào thực chất và đủ mạnh để có thể thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, trở thành “sếu đầu đàn” kéo theo các doanh nghiệp nhỏ, tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế. Đây cũng là quan điểm của TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. “Muốn xây dựng doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường, Chính phủ cần đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từ Báo cáo VPE 500, cần tiếp tục khảo sát để xác định doanh nghiệp cần gì. Thí dụ như doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, mở rộng quy mô… để có giải pháp hỗ trợ cụ thể”, TS Tú Anh đề xuất.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, Nhóm nghiên cứu cho rằng các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đồng thời cần có chính sách kinh tế khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Về phía các địa phương cần khuyến khích và tạo phong trào để xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE 500 làm tăng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% năm tiếp theo. Con số này cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE 500. Đáng lưu ý, VPE 500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Tiến sĩ TRẦN TOÀN THẮNG

Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển