Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng gần 300 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn ba triệu lao động. Bên cạnh nhiều khó khăn mà người lao động (NLĐ) đang phải đối mặt như thu nhập, giờ làm việc, chế độ bảo hiểm… tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn tập thể diễn ra những năm gần đây gây nhiều lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, khiến hàng nghìn lao động phải nhập viện. Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong số những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến NLĐ, có tới 70% số nguyên nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, 30% đến từ điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.
Các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không tốt, dẫn đến nhiễm vi sinh. Một bộ phận cơ sở chế biến buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến, bảo quản, dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn... Đồng thời cũng khuyến cáo, mọi nguyên nhân, cuối cùng đều hướng đến lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp (DN) và các đơn vị trung gian. Trong số hàng trăm nghìn DN đang hoạt động trên cả nước, không ít nơi chọn cách ký hợp đồng với một đơn vị độc lập cung cấp các suất ăn công nghiệp cho NLĐ. Với cách làm này, DN không phải lo lắng về việc đầu tư mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà bếp, đội ngũ nấu ăn, tuy nhiên lại không thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm. Các cơ sở chế biến bên ngoài thường chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng nhập nguyên liệu bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc nhằm kiếm lợi nhuận. Sự thật này chỉ được phơi bày khi sự đã rồi, có nghĩa là hàng chục, hàng trăm công nhân trở thành nạn nhân của việc kinh doanh thiếu lương tâm của DN cung cấp và sự thờ ơ, thiếu quan tâm từ phía chủ sử dụng lao động đối với chính “tài sản” của mình. Để xảy ra tình trạng nêu trên còn phải nói tới trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp chưa cao.
Nhằm chăm lo thiết thực hơn nữa cho đoàn viên, NLĐ, năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Nghị quyết số 7c về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Sau hai năm triển khai đã nâng giá trị bữa ăn ca cho gần 600 nghìn NLĐ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay còn nhiều dang dở, bởi thực phẩm để tới được các bếp ăn, bàn ăn qua rất nhiều khâu: nhập thực phẩm, quá trình vận chuyển, chế biến. Điều này liên quan nhiều cơ quan chức năng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành quản lý thị trường, y tế. Do vậy, mối quan tâm, lo lắng về sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của NLĐ trên cả nước vẫn đang là một câu chuyện dài, mà một mình tổ chức công đoàn không thể đảm đương được.
Nhằm tăng cường hiệu quả, tính bền vững trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vụ ngộ độc thực phẩm tại các DN cần sự tham gia chỉ đạo quyết liệt của ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương. Nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp; huy động sự phối hợp tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể, các DN cung cấp suất ăn công nghiệp, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở tổ chức nấu ăn.
Các chuyên gia lao động công đoàn cho rằng, ngành y tế đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí về bữa ăn ca. Do vậy, cần ưu tiên cho những nhóm dinh dưỡng nhằm bảo đảm sức khỏe để NLĐ có thể tái tạo sức lao động. Đồng thời kiến nghị, cần đưa bữa ăn ca của NLĐ vào Luật Lao động (sửa đổi). Hoặc Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo việc thực hiện bữa ăn giữa ca của NLĐ tương tự như việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm để có cơ sở buộc DN thực hiện. Cùng với đó, có những quy định cụ thể đối với mỗi vùng, miền về định lượng, chất lượng bữa ăn.