Tư vấn đối thoại

Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư được hưởng chính sách gì?

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ quy định số lượng tối đa cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp xã đã bố trí thừa nhân lực so với định mức, những người thuộc diện dôi dư được hưởng chính sách gì không?

NGUYỄN VĂN HÀ (Hưng Yên)

Trả lời:

Điều 14 Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 6-11-2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2019)  hướng dẫn việc giải quyết một số tồn tại về chế độ, chính sách đối với CBCC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. 

Theo đó, việc giải quyết chính sách đối với số CBCC cấp xã dôi dư do đã bố trí vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và số lượng người hoạt động chuyên trách dôi dư do đã bố trí vượt quá quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP; công chức cấp xã dôi dư do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 1 Thông tư này, Chủ tịch UBND cấp huyện tổng hợp và đề xuất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện như sau:

1. Tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

2. Giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của Luật CBCC; nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9-3-2015 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Điều chuyển, bổ sung cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn cấp huyện hoặc ở địa bàn cấp huyện khác thuộc tỉnh; hoặc chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng CCVC, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21-12-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định chi hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư.

Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội

Trước đây em tôi làm việc và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại một công ty trách nhiệm hữu hạn. Khi nghỉ việc tại đây (chưa được trả sổ BHXH), em tôi đã đi làm ở một doanh nghiệp khác, đóng BHXH tại đây và cũng được cấp sổ BHXH. Mới đây em tôi đã đòi được sổ BHXH cũ. Vậy em tôi có thể gộp hai sổ thành một sổ được không? Cần làm thủ tục gì?

TRỊNH MINH HẢI (Hà Nam)

Trả lời:

Về nguyên tắc, mỗi người lao động chỉ có duy nhất 1 sổ BHXH.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam: Một người có từ hai sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp của các sổ BHXH vào sổ mới.

Như vậy, người tham gia BHXH có từ hai sổ trở lên cần làm thủ tục gộp sổ.

Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định chi tiết hồ sơ làm thủ tục gộp sổ BHXH như sau:

- Mẫu TK1-TS: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (đối với người lao động);

- Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH (đối với người lao động);

- Sổ BHXH (tất cả các sổ mà người lao động có);

- Mẫu D01-TS: Bảng kê thông tin (đối với doanh nghiệp).

Địa điểm nộp hồ sơ: Cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã nơi người lao động tham gia đóng BHXH.