Theo đó, Campuchia sẽ được tài trợ 2 triệu USD cho 8 dự án trên lĩnh vực: du lịch, rà phá bom mìn, nông nghiệp, phát triển nông thôn, nâng cao nhận thức về hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC), thúc đẩy kinh tế khu vực, giáo dục-đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp, xây dựng năng lực và quản lý rủi ro lũ lụt.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Sok Chenda Sophea, trong khuôn khổ hợp tác MLC, Campuchia đã nhận được các khoản tài trợ trị giá khoảng 35 triệu USD để thực hiện 97 dự án trên các lĩnh vực ưu tiên của quốc gia này.
Hợp tác MLC được thành lập chính thức từ tháng 3/2016, bao gồm sáu nước thành viên là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Mục tiêu chính của cơ chế hợp tác là thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mekong với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân.
Hợp tác MLC gồm ba trụ cột: chính trị và an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; xã hội, văn hóa và giao lưu con người Trong đó, các phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Chính thức triển khai từ năm 2017, đến nay, Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương đã hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện nhiều dự án mang lại lợi ích thiết thực trên các lĩnh vực, như thương mại, nông nghiệp, giáo dục, y tế, giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ, quản lý nguồn nước, môi trường và trao đổi văn hóa.