Cùng với đó, chính quyền cố đô Campuchia cũng thiết lập thêm nhiều trạm kiểm soát trên các trục đường chính để bảo đảm phát hiện sớm những người nhiễm virus SAR-CoV-2 khi họ ra vào địa bàn được coi là vùng du lịch quan trọng bậc nhất, mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc gia.
Những biện pháp khẩn cấp trên là có cơ sở khi sự lây nhiễm virus SAR-CoV-2 trong cộng đồng, được phát hiện tại thủ đô Phnom Penh ngày 20-2, đã lan rộng ra chín tỉnh, thành của Campuchia, trong đó có Siem Reap.
Theo thông cáo sáng 10-3 của Bộ Y tế Campuchia, nhà chức trách xác định thêm 64 trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2 liên quan đến “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, trong đó có 39 người Khmer, 23 người Trung Quốc và hai công dân Việt Nam.
Đến nay, đã có chín tỉnh, thành phố của Campuchia phát hiện lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, bao gồm thủ đô Phnom Penh cùng các tỉnh: Kandal, Preah Sihanouk, Koh Kong, Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham, Kampong Thom và tỉnh Siem Reap.
Đối phó với đợt lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lần thứ ba, với số ca dương tính nhiều nhất từ trước tới nay, Chính phủ Campuchia đề nghị các cơ quan nhà nước và tư nhân giảm 90% số lao động đến làm việc trực tiếp; tổ chức hội nghị và công việc chuyên môn qua hình thức trực tuyến; tạm hoãn các hoạt động tập trung đông người.
Nhà chức trách cũng thắt chặt việc quản lý, giám sát các trung tâm và cơ sở cách ly, đồng thời tăng mức xử phạt đối với những cá nhân vi phạm nội quy cách ly hoặc không chịu hợp tác với cơ quan chức năng.
Đêm 8-3, một phụ nữ Trung Quốc tự ý rời khỏi tỉnh Preah Sihanouk, nơi đang thực hiện lệnh hạn chế đi lại, để về thủ đô Phnom Penh, nhưng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và đưa trở về cách ly tại tỉnh duyên hải tây nam Campuchia nêu trên. Trước đó, nhà chức trách đã trục xuất một công dân Trung Quốc vi phạm quy định phòng, chống dịch của Chính phủ.
Tại Phnom Penh, ngày 9-3, cơ quan phòng, chống dịch đã thực hiện cách ly và có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với hai nhân viên làm việc tại Casino NagaWorld, sau khi những người này trốn khỏi nơi tự cách ly tại nhà riêng để đi chợ và bị hệ thống quét mã QR Code “Stop Covid-19” do Chính phủ thiết lập phát hiện.
Về vấn đề tiêm vaccine phòng dịch, hiện Campuchia đang sử dụng vaccine Sinopharm dành cho người ở độ tuổi từ 18 đến 59 và vaccine AstraZeneca cho người từ 60 tuổi trở lên. Sau một tháng, đã có khoảng 180 nghìn người dân và quân nhân được tiêm cả hai loại vaccin ngừa Covid-19 trên.
Về phía các cơ quan lập pháp, Thượng viện Campuchia đang xem xét thông qua dự luật phòng, chống sự lây lan dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do Chính phủ đệ trình và mới được Quốc hội thông qua hôm 5-3 vừa qua.
Sau hơn hai tuần huy động nhiều lực lượng tham gia dập dịch, hôm qua, nhà chức trách đã dỡ bỏ phong tỏa 23 điểm trong thủ đô. Tuy nhiên, theo thống kê, số ca lây nhiễm trong cộng động mới được phát hiện trên địa bàn này vẫn còn nhiều.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia, tính đến sáng 10-3, nhà chức trách phát hiện tổng cộng 1.124 trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2, trong đó có 613 ca liên quan đến “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, 549 bệnh nhân đã phục hồi, không có ca tử vong.