Nhìn vào bảng thành tích học tập của Quang không ai nghĩ rằng cậu học trò có thân hình nhỏ thó này lại đạt được kết quả đáng ngưỡng mộ như thế. Câu chuyện vươn lên, tìm lối đi riêng để vượt qua số phận của Nguyễn Thanh Quang đang được nhiều bạn trẻ ở Hà Tĩnh lấy làm nguồn cảm hứng để vươn tới những ước mơ.
Nỗi đau chưa nguôi
Thôn Vạn Đò ở xã Thạch Sơn, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nằm ép mình phía cuối sông Nghèn. Trước khi hợp dòng với sông Phủ đổ ra Cửa Sót để hòa mình vào biển cả, dòng sông này đã kịp trả lại vị “ngọt hóa” cho vùng thượng nguồn ở cống Đò Điệm, Thạch Sơn. Thành ra nước đoạn cuối sông lúc mặn, lúc ngọt, hết vơi rồi lại đầy như cuộc sống tất bật, tần tảo quanh năm của người dân thôn Vạn Đò.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, với một người bình thường, điểm xuất phát này vốn đã là thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, với một người mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh như Quang thì sự thua thiệt đó càng nhân lên gấp bội bởi cuộc sống ở Vạn Đò đã lắm gian lao.
Đầu và cuối giờ đến lớp,các bạn học sinh thay nhau cõng Quang "bàn giao"cho mẹ. |
Như không muốn nhắc lại nhiều những nổi đau mà con mình từng trải, chị Lại Thị Tuyết Ban (mẹ của Quang) chỉ kể vắn tắt: Do không biết cháu bị bệnh xương thủy tinh khi còn trong bụng mẹ nên lúc mới sinh ra cháu đã bị gãy chân. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến nay, Quang đã trải qua 28 lần gãy xương, phải mổ 8 lần, kèm theo vô số lần vết thương bị nhiễm trùng. Do bị gãy chân quá nhiều lần nên chân trái của em đang dần bị teo nhỏ lại, mọi sinh hoạt của Quang nhờ cả vào mẹ.
"Chưa có bệnh viện nào từ bắc tới nam mà mẹ con tôi chưa từng đến. Có lúc ôm con đi chưa chữa hết bệnh phải ôm con về vì thiếu thốn. Có khi phải nằm viện với con sáu, bảy tháng trời. Dẫu buồn bã, khổ cực nhưng nghĩ đến con là tôi lại tự an ủi mình, còn nước, còn tát", chị Lại Thị Tuyết Ban chia sẻ.
Chưa có bệnh viện nào từ bắc tới nam mà mẹ con tôi chưa từng đến. Có lúc ôm con đi chưa chữa hết bệnh phải ôm con về vì thiếu thốn. Có khi phải nằm viện với con sáu, bảy tháng trời. Dẫu buồn bã, khổ cực nhưng nghĩ đến con là tôi lại tự an ủi mình, còn nước, còn tát.
Chị Lại Thị Tuyết Ban
Chị Lại Thị Tuyết Ban nhớ lại, lúc đang học cấp 1, bản thân Quang và các bạn học chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của bệnh xương thủy tinh nên mẹ và các thầy cô giáo luôn luôn phải canh chừng, trông nom em trước sự tò mò, hiếu động của bạn bè. Đến lúc học cấp hai, khi ý thức được căn bệnh của mình và đã trải qua nhiều cơn đau quằn quại thì Quang tỏ ra rất sợ sệt và mặc cảm trước bạn bè. Đây cũng chính là lý do khiến em không dám ngồi lên xe ai khác ngoài xe mẹ cầm lái.
Rất may, cứ mỗi lần như thế, niềm say mê học tập, khát vọng vươn lên đã giúp Quang vượt qua được nỗi sợ hãi và tìm lại niềm vui cuộc sống trên con đường đến trường. “Con học lớp 10 thì mẹ được 10 năm đến lớp, say mê của con là niềm vui của mẹ, nỗi tần tảo của mẹ cũng là động lực để con vươn lên”, chị Lại Thị Tuyết Ban lạc quan chia sẻ.
Vượt lên số phận
Gặp Nguyễn Thanh Quang trong giờ ra chơi của lớp 10 A7, Trường trung học phổ thông Lý Tự Trọng, chúng tôi khá bất ngờ vì sự cởi mở, thân thiện của em.
Quang cho rằng, trước đây em cứ nghĩ số phận quá khắt khe với mình nên em rất buồn chán, song khi tìm hiểu qua sách vở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, em thấy trên đời này còn rất nhiều số phận éo le hơn em.
Bản thân em lại nhận được tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ, anh chị, sự quan tâm, chia sẻ của thầy cô, bạn bè và rất nhiều người chung quanh cớ sao mình không nỗ lực vươn lên để vượt qua số phận, tìm cho mình hướng đi riêng. Với thể trạng, tình hình sức khỏe của em, em ước sau này mình sẽ trở thành một kỹ sư phần mềm hoặc lập trình viên.
Để tạo lập “đường ray” cho ước mơ và hướng đi riêng ấy, ngay từ những năm cuối cấp một, và đầu cấp hai, khi thấy Quang có thiên hướng, năng khiếu tiếp cận môn ngoại ngữ và tin học, thầy cô và gia đình đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất để em được tiếp xúc kiến thức, kỹ năng của hai môn học này.
Trường trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) tổ chức lễ tuyên dương tấm gương vượt khó Nguyễn Thanh Quang. |
Theo lời kể của các thầy cô giáo cũ của Quang, trong các giờ lên lớp, em rất chăm chú, say mê nghe giảng. Do ít vận động, không tham gia được hoạt động ngoại khóa ở trường nên hễ có thời gian Quang lại đưa sách giáo khoa Tiếng Anh và Tin học ra đề mày mò, học thuộc nhiều lần. Có khi em còn chủ động nhờ giáo viên bộ môn ra thêm đề bài để về nhà tự học. Mặc dù sức khỏe yếu những khi bị gãy xương, nghỉ học hằng tháng trời, phải bó bột nằm một chỗ nhưng cứ tháo bột lại bắt mẹ chở đi học, dù trời mưa gió cũng không chịu nghỉ học ngày nào.
Khi bị đau ốm không thể đến lớp, em đã nhờ thầy cô, bạn bè ghi chép bài vở để tự học ở nhà. Nhờ đó, dù có những thời điểm việc học bị gián đoạn do sức khỏe nhưng lúc nào Quang cũng đứng đầu lớp về thành tích học tập.
Cô giáo Trần Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7, Trường trung học phổ thông Lý Tự Trọng cho biết, với niềm đam mê, nỗ lực không ngơi nghỉ của mình năm học 2022-2023, Nguyễn Thanh Quang đã gặt hái được nhiều thành tích cao trong học tập, đặc biệt tại các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Quang còn đạt thành tích vượt cấp.
Năm học 2022-2023 Nguyễn Thanh Quang đoạt Giải ba cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet toàn quốc, Giải Ba cuộc thi tìm kiếm những code talent trong khối Trung học phổ thông toàn quốc do Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức, 2 giải Nhất cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet toàn tỉnh lớp 10 và lớp 11, giải Nhất tại Hội thi tin học trẻ huyện Thạch Hà.
Tự hào về học trò của mình, thầy giáo Phan Quang Tấn, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lý Tự Trọng cho biết, hình ảnh người mẹ tần tảo, nét mặt nhiều âu lo vượt nắng gắt, mưa rào, ngày ngày chở đứa con đầy nghị lực đến trường đã mang lại nhiều cảm xúc sâu lắng, trở thành niềm cảm hứng để học sinh nhà trường có thêm nghị lực vượt qua những trở ngại, khó khăn phía trước và khẳng định mình như kết quả mà em Quang đã làm được.
Mải miết đắm chìm trong niềm cảm phục nghị lực, khát vọng vươn lên của Quang, bất chợt tôi gặp lại hình ảnh người mẹ gầy yếu đón con lúc tan trường, khung cảnh này khiến tôi day dứt mãi với lời tự vấn của người mẹ khắc khổ khi tạm biệt chúng tôi: Không biết sau này học lên Đại học mẹ có còn sức khỏe để theo con và tiếp tục lo cho con nữa không?