Những năm gần đây, tại các huyện biên giới nổi lên tình trạng mua bán người với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) để làm quen với các đối tượng, chủ yếu là phụ nữ, học sinh, sinh viên, sau đó tán tỉnh, đặt vấn đề yêu đương rồi rủ đi chơi, đi du lịch. Khi "con mồi" mắc bẫy, các đối tượng lừa đưa qua bên kia biên giới, bán vào các nhà hàng làm gái mại dâm hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp. Một số đối tượng có mối quan hệ quen biết với người nước ngoài còn cấu kết, hình thành đường dây, ổ nhóm tội phạm hoạt động mua bán người khép kín, manh động, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang, mặc dù các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, nhưng công tác đấu tranh, PCTP mua bán người vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đường biên giới dài, giao thông đi lại khó khăn, nhiều cửa khẩu tiểu ngạch, đường mòn qua lại biên giới; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống khó khăn cho nên người dân vẫn chủ quan, mất cảnh giác; hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, gây án xong thường bỏ trốn qua bên kia biên giới, không xác định được địa chỉ cụ thể để phối hợp truy bắt.
Lực lượng công an, biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, PCTP mua bán người. Qua đó, đã triệt phá thành công nhiều vụ án mua bán người, giải cứu nhiều phụ nữ, trẻ em đã bị bán qua bên kia biên giới. Sáu tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang đã thụ lý, điều tra ba vụ với năm đối tượng mua bán và tình nghi mua bán người. Hiện nay, đơn vị cũng đang đấu tranh một chuyên án lớn về đường dây tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, trong đó, đã khởi tố, điều tra hai vụ với ba bị can, đang xác minh hàng chục vụ việc khác có liên quan. Chuyên án này được xác định khó khăn, phức tạp với nhiều đối tượng và hàng chục nạn nhân đã bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc.
Không chỉ nổi lên tình trạng mua bán người, trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang còn có các loại tội phạm, như tổ chức người trốn ra nước ngoài; mua bán, vận chuyển pháo nổ; giết người vì mâu thuẫn cá nhân. Ðể đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, hằng năm, Công an tỉnh Hà Giang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Ðẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự.
Tỉnh Hà Giang hiện có 271 mô hình tổ tự quản (TTQ) về ANTT, hơn 600 mô hình TTQ về PCTP, hơn 2.600 TTQ thôn với hàng chục nghìn thành viên. Nhiều mô hình kiểu mẫu như: Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn ở huyện biên giới Yên Minh; mô hình thôn đoàn kết cùng giữ gìn ANTT ở Mèo Vạc; mô hình dòng họ tự quản ở các huyện biên giới. Qua việc xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự, người dân khu vực biên giới đã đề cao cảnh giác, chủ động trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 540 tin báo, tố giác tội phạm.
Tổ tự quản về ANTT thôn Thèn Ván 1, xã biên giới Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ được thành lập từ năm 2013. Tổ có 11 thành viên đã luân phiên tuần tra, canh gác, nắm bắt tình hình và trực tiếp tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong thôn. Ông Tẩn Phủ Lìn, người dân thôn Thèn Ván 1 cho biết: "Từ khi TTQ hoạt động, mọi vướng mắc, tranh cãi của bà con đều được giải quyết, giảm được các sự việc mâu thuẫn cá nhân. Tình hình ANTT của thôn cũng ổn định".
Từ hiệu quả mô hình TTQ thôn Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ đã nhân rộng mô hình này, đến nay, xã có 12 TTQ về ANTT với 95 thành viên. Ðể bảo đảm ANTT trên tuyến biên giới, lực lượng công an xã, thành viên các tổ tự quản ở thôn giáp biên thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, nắm bắt tình hình tội phạm khu vực giáp biên. Phó Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ Nguyễn Ðức Nghiệp cho biết: "Các TTQ đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm ANTT khu vực biên giới, giảm các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tình hình ANTT ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xã phát triển kinh tế, giảm nghèo".
Ngoài phát huy vai trò của người dân trong PCTP, Công an tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình địa bàn, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm hình sự. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề về PCTP, triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới. Tình hình tội phạm hình sự tại địa bàn biên giới xảy ra 123 vụ với 236 đối tượng, chủ yếu là tội phạm giết người do mâu thuẫn cá nhân, mua bán người, mua bán, vận chuyển hàng cấm.
Công tác đấu tranh, PCTP trên tuyến biên giới gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, tội phạm ngày càng tinh vi, manh động, nhưng lực lượng công an luôn vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ðã có những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến đấu với tội phạm nơi biên giới. Sáng mồng hai Tết Nguyên đán Mậu Tuất, từ nguồn tin báo ở cơ sở, Công an huyện Yên Minh xác định Thào Mý Ly, đối tượng bị truy nã trong vụ giết người xảy ra ngày 7-10-2016, tại thôn Xín Chải, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh sẽ về mốc 358, xã Bạch Ðích, huyện Yên Minh để đón người thân vượt biên sang Trung Quốc.
Trung úy Lưu Minh Thức, Ðội quản lý về trật tự xã hội nhận lệnh cùng đồng đội đi bắt đối tượng. Sau nhiều giờ theo dõi, bám sát, khoảng 12 giờ 25 phút cùng ngày, Trung úy Thức tiếp cận, áp sát, khống chế đối tượng. Trong quá trình khống chế, đối tượng đã dùng kíp nổ chống trả quyết liệt và bị chết tại chỗ còn Trung úy Thức bị thương nặng. Dù được đồng đội và người dân địa phương đưa đi bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng, Trung úy Lưu Minh Thức đã hy sinh trên đường đi cấp cứu.
Cuộc chiến với các loại tội phạm trên tuyến biên giới Hà Giang mặc dù vẫn luôn được các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt, nhưng cũng vẫn còn không ít khó khăn, gian nan, nguy hiểm.