Cải thiện, nâng cao tầm vóc người Việt Nam

Để có một thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, ngay từ khi mang thai và con chào đời, người mẹ cần cung cấp một chế độ dinh dưỡng đủ chất mới bảo đảm nâng cao tầm vóc và thể lực khi trưởng thành…

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc bà mẹ trẻ em tại xã Tân Châu (Di Linh, Lâm Đồng). Ảnh: CÔNG NAM
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc bà mẹ trẻ em tại xã Tân Châu (Di Linh, Lâm Đồng). Ảnh: CÔNG NAM

Theo GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), việc cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam luôn là một trong những mục tiêu chiến lược được Nhà nước đặt ra trong những năm qua. Nhờ đó, sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới năm tuổi giảm liên tục và bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (ở mức 24,6%). Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm, hiện đạt 164 cm (ở nam) và 153 cm (ở nữ). Chiều cao của nam đứng thứ 19, và của nữ đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Chiều cao trung bình đạt được (tức là mức cao nhất đạt đến) của thanh niên Việt Nam hiện nay nằm ở nhóm tuổi 20 đến 24. Đáng lưu ý, chiều cao của người Việt Nam thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của phần lớn các nước trong khu vực châu Á.

Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, có năm yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc người Việt Nam: giới tính, gien, dinh dưỡng, hoạt động thể lực, giấc ngủ, môi trường, bệnh tật. Trong đó, gien góp 20% đến 25% sự ảnh hưởng tới chiều cao, nhưng để đạt được chiều cao nhất còn phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện, tình trạng bệnh tật... Điều này cho thấy chiều cao còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động, nhất là việc nuôi dưỡng trẻ từ trong bụng mẹ có được đúng cách hay không. Theo PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên nhân khiến trẻ Việt Nam thấp bé, nhẹ cân là do thường xuyên không được cung cấp đủ dinh dưỡng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất. Trong khi đó, thời kỳ mang thai, người mẹ không được chăm sóc tốt, thai phụ dễ bị bệnh dẫn đến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng. Số liệu Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Bên cạnh đó, trẻ thiếu can-xi do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con; nhiều trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu… Chỉ 62% số trẻ được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, 20% được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Thiếu vi chất dinh dưỡng là bất lợi cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Ở một số vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ không đủ thực phẩm để ăn dẫn đến thiếu hụt prô-tê-in, vi-ta-min, khoáng chất.

Theo TS Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), để chất lượng dân số ngày một nâng cao, người Việt Nam cần chú trọng cải thiện chiều cao, thể lực, và nhất là sự can thiệp mạnh mẽ về chế độ dinh dưỡng. Trọng tâm vẫn là chăm sóc toàn diện của bà mẹ trong thời kỳ mang thai và một năm đầu đời của trẻ. Riêng lứa tuổi dậy thì, cần được chú trọng cả về dinh dưỡng lẫn vận động phát triển thể lực. “Chương trình sức khỏe Việt Nam” đã được Thủ tướng phê duyệt tập trung vào các giải pháp cải thiện dinh dưỡng dựa trên cơ sở bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Theo đó, các chỉ số được đưa ra giới hạn tối đa mức ăn vào của các chất dinh dưỡng, bảo đảm không gây hại cho cơ thể. Mỗi người, mỗi ngày cần ăn đủ nhu cầu năng lượng theo nhóm tuổi, trẻ cần được bú sữa mẹ đến hết hai năm đầu đời, mỗi ngày cần xây dựng thực đơn đáp ứng đủ vi-ta-min, chất xơ, khoáng chất...

Hiện nay, ngành dân số cũng đã đưa những nội dung tuyên truyền về chăm sóc dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản như tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, để thanh niên nam nữ sắp kết hôn nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản, hạn chế thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con cái. Cần sàng lọc trước sinh, tức là kiểm tra nhằm phát hiện sớm các tật, bệnh của thai nhi để đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng. Sàng lọc sau sinh, tức là kiểm tra tình trạng dị tật, bệnh của các em bé ngay khi chào đời. Đáng chú ý, việc chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ có vai trò quan trọng cho quá trình phát triển thể chất sau này. Mặt khác, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ, ăn nhiều rau xanh, giảm muối, đường; chọn lựa dinh dưỡng kết hợp rèn luyện thể thao trong trường học và ngoài cộng đồng... là những giải pháp căn bản giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, đẩy mạnh nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện có ít cơ sở sản xuất thực phẩm thực hiện việc ghi nhãn thông tin tỷ lệ dinh dưỡng. Việc ghi nhãn thông tin dinh dưỡng rất cần thiết để người tiêu dùng biết được thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm cung cấp bao nhiêu phần trăm dinh dưỡng, chất xơ để có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp với sức khỏe và thể trạng cơ thể mình. Thời gian tới, Cục sẽ có các chương trình điều tra đánh giá về những sản phẩm Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu ban hành các chính sách, quy định phù hợp yêu cầu việc ghi nhãn thông tin dinh dưỡng trên các sản phẩm thực phẩm.