Nhiều tháng nay, hàng nghìn người dân ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư phản ánh, nước sinh hoạt do Công trình cấp nước sạch xã Ninh Vân sản xuất, cung cấp cho các hộ dân bẩn, đục và có mùi tanh, hôi khó chịu.
Nước sinh hoạt bẩn, đục, có mùi lạ
Đến thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, chúng tôi vào ngẫu nhiên một hộ gia đình. Chủ hộ Cao Văn Hùng cho biết, mỗi tháng, gia đình ông phải trả từ 200 nghìn đến 250 nghìn đồng tiền nước sinh hoạt. Nhà ông Hùng có năm người, ngoài việc sử dụng nước ao, có mua thêm nước từ Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ nước Ninh Vân để ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước rất kém. Bằng trực quan có thể thấy, nước sau đồng hồ do Công trình cấp nước sạch xã Ninh Vân sản xuất thường xuyên bị đục, có mùi tanh, hôi khó tả.
Gia đình ông cũng như hầu hết các hộ trong thôn phải khắc phục bằng cách xây bể chứa ngầm để lắng bẩn, sau đó bơm nước lên bể chứa trên sân thượng để lắng một lần nữa trước khi đưa vào máy lọc để lấy nước ăn. Cục lọc cũng phải thay liên tục do nước rất đục. Ông Nguyễn Trung Kiên, người dân ở xã Ninh Vân cho biết, trước kia khi xây dựng hệ thống nước sạch để cung cấp cho xã, mỗi hộ dân dùng nước đã phải đóng góp tiền. Thế nhưng giờ đây, ngoài đóng tiền nước hằng tháng, gia đình lại phải xây bể, mua máy lọc, vừa tốn tiền, vừa mất công sức.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Vân Đinh Văn Tuyên cho biết, chất lượng nước mà Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ nước Ninh Vân cung cấp cho hơn 2.600 hộ dân tại địa phương khá thất thường. Thời gian qua, người dân đã phản ánh nhiều lần; chính quyền xã cũng đã nhiều lần làm việc với đại diện doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện tượng nước có mầu đục, có mùi lạ vẫn thường xuyên xảy ra, chưa được khắc phục.
Theo kết quả thử nghiệm mẫu nước do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình tiến hành lấy mẫu của Công trình cấp nước sạch xã Ninh Vân thì có tới 5/14 chỉ tiêu không đạt theo quy chuẩn địa phương (QCĐP 01:2022/NB), trong đó có chỉ số cao gấp hơn chín lần so với giới hạn cho phép.
Trạm bơm lấy nước của đơn vị này nằm ngay bên đoạn sông khá nhỏ hẹp, chảy qua khu dân cư. Bằng mắt thường có thể thấy nguồn nước ở đây khá đục, nhiều bèo, rác trôi dạt quanh trạm bơm. Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ nước Ninh Vân Đinh Văn Trình lý giải, nguồn nước mà công ty đang lấy để cung cấp cho hơn hai nghìn hộ dân xã Ninh Vân được lấy từ sông Hệ. Sông này ngày một ô nhiễm, nhất là vào mùa cạn, khi tàu thuyền đi lại nhiều, nên nước mặt bị bẩn đục.
Hơn nữa, hệ thống đường ống dẫn nước đến các hộ dân nằm khá sâu dưới đất và thường xuyên bị vỡ nứt, nên phần nào bị bùn đất “chui” vào. Ông Trình cho rằng, người dân nên trang bị kiến thức, phương cách dùng nước và phải hiểu nước sạch khác với nước sinh hoạt mà đơn vị này đang cung cấp. Theo đó ông khuyến cáo, khách hàng nên chuẩn bị bể lắng và máy lọc. Đồng thời phải thường xuyên thau rửa bể chứa và các dụng cụ chứa nước trong nhà, thường xuyên thay cục lọc để bảo đảm nước tốt hơn. Ông Trình cho biết, giá nước hiện nay đang rất thấp, do đó doanh nghiệp đang phải bù lỗ rất nhiều, cộng với công trình, đường ống xây dựng từ nhiều năm, khấu hao lớn, nên hay xảy ra hỏng hóc, công ty đang chờ được các cơ quan, ban, ngành chấp thuận để xây dựng nhà máy mới trên địa bàn.
Ngoài trường hợp tại xã Ninh Vân thì thực trạng nước không bảo đảm quy chuẩn chất lượng địa phương đang tồn tại tại nhiều công trình cấp nước cho các xã vùng nông thôn của tỉnh Ninh Bình. Cụ thể, tại Công văn số 2240/SNN-TTNS của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình ngày 16/8 có kèm theo danh sách 20 công trình cấp nước sạch sinh hoạt không đạt quy chuẩn.
Sớm giải quyết dứt điểm
Ngày 23/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình đã chủ trì, tổ chức hội nghị bàn phương án xử lý và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt đối với các công trình cấp nước tại một số xã, trong đó có xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Hội nghị thống nhất yêu cầu các đơn vị cung cấp nước khẩn trương thực hiện các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng nước; nâng cấp công nghệ xử lý, lắp đặt hệ thống trợ lắng lamen để tăng cường xử lý nước; thực hiện nạo vét bùn tại hồ sơ lắng tăng cường khả năng tự làm sạch tại hồ sơ lắng hoặc sử dụng clo để xử lý sơ bộ tại hồ sơ lắng.
Thời gian thực hiện xong trước ngày 1/12/2023. Đồng thời định kỳ vệ sinh cụm lắng lọc, bể chứa nước sạch và sục rửa hệ thống đường ống; điều chỉnh hóa chất xử lý phù hợp khi chất lượng nước nguồn bị suy giảm. Ngoài ra các đơn vị cung cấp nước cần cải tạo, thay thế hệ thống đường ống dẫn kém chất lượng để giảm thất thoát, bảo đảm cấp nước an toàn trong quá trình truyền tải tới các hộ dân.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, đôn đốc những doanh nghiệp cung cấp nước sạch sinh hoạt tại nông thôn nâng cấp hạ tầng, xử lý nước bảo đảm vệ sinh theo tiêu chuẩn đã quy định trước khi cung cấp vào các hộ dân. Nếu doanh nghiệp nào yếu kém, tiếp tục để xảy ra tình trạng nước không bảo đảm chất lượng theo quy định sẽ bị xử lý, thậm chí yêu cầu dừng hoạt động để có phương án thay đổi đơn vị cung cấp.
Với diện tích toàn tỉnh khoảng 1.400 km2, bao gồm nhiều hệ thống sông như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi…, với tổng chiều dài khoảng 496 km, phân bố rộng khắp trong toàn tỉnh, Ninh Bình được xem là địa phương khá thuận lợi về nguồn nước mặt.
Tỉnh có hơn 90 công trình cấp nước, trong đó có 30 công trình do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kinh doanh nước sạch Ninh Bình, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quản lý; có gần 50 công trình do doanh nghiệp quản lý; phần còn lại được giao cho Ủy ban nhân dân các xã. Để bảo đảm sức khỏe và chất lượng sống cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, chính quyền các cấp cần sớm có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng nước không bảo đảm quy chuẩn theo quy định, theo đúng tinh thần của Quyết định số 1978/QĐ-TTg (ngày 24/11/2021) của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung chiến lược nêu rõ: Bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo đảm vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; bảo đảm sức khỏe và giảm các bệnh liên quan đến nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa cấp nước sạch, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình, bảo đảm hoạt động hiệu quả, bền vững ■