Thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang cho biết, việc tháo dỡ và cải tạo công trình do chủ đầu tư thực hiện theo phương án được tham vấn ý kiến của các chuyên gia UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công trình này sẽ cải tạo theo thiết kế phù hợp với cảnh quan, thân thiện với môi trường, không có chức năng lưu trú mà là điểm dừng chân ngắm cảnh đỉnh đèo Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản.
Năm 2019, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra công trình. Kết quả kiểm tra cụ thể cho thấy, về phần thủ tục, hồ sơ liên quan, chủ đầu tư chỉ cung cấp được một bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định. Chủ đầu tư cũng báo cáo hiện chỉ có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).
Hiện trạng công trình được xây dựng nằm ngoài mốc giới danh thắng Mã Pì Lèng. Công trình có kết cấu bê tông, cốt thép kết hợp các dàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm bảy cấp xây bám theo địa hình.
Mặt trước công trình gồm hai đơn nguyên, đơn nguyên một gồm một tầng nổi và một tầng âm; đơn nguyên hai gồm một tầng nổi, một tum và một tầng âm.
Sáu cấp còn lại được xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng là 226m2 với tổng diện tích sàn là 476m2, cộng với 78m2 sàn ngắm cảnh.
Đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thì khu vực xây dựng công trình được quy định như sau: “Khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng, diện tích khoảng 28.000ha, hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình về an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ một đến ba tầng, mật độ xây dựng từ 15 đến 25%”.
Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành chức năng, tỉnh Hà Giang đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ, cải tạo công trình thành điểm dừng chân, ngắm cảnh và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Nhìn từ đỉnh Mã Pì Lèng