Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy ở Long An

Thời gian qua, việc tập trung cải cách hành chính (CCHC) và tinh gọn bộ máy đã giúp tỉnh Long An tăng chỉ số CCHC (Par Index) đứng thứ năm trong cả nước, giảm chi ngân sách thường xuyên hơn 72,5 tỷ đồng/năm; thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả nêu trên đã góp phần đưa tỉnh vượt lên đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách nhà nước và là địa phương phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Người dân làm thủ tục, giấy tờ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Long An thuận lợi hơn trước.
Người dân làm thủ tục, giấy tờ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Long An thuận lợi hơn trước.

Năm 2020, Tỉnh ủy Long An đề ra mục tiêu: "Tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng; huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông; thực hiện đạt hiệu quả hai chương trình đột phá và ba công trình trọng điểm của Nghị quyết Ðại hội 10 Ðảng bộ tỉnh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ; tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị,…". Ðể đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ tạo điểm nhấn để thu hút đầu tư.

Thực tế, điểm CCHC tăng là nhờ sự năng động, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan DN và nhanh gọn trong triển khai các thủ tục hành chính (TTHC). Hiện, tất cả các cơ quan hành chính thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với 19/19 sở, ngành cấp tỉnh và Trung tâm phục vụ hành chính công (HCC) cấp tỉnh, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh. Cấp huyện có 15/15 trung tâm HCC; 192/192 UBND cấp xã; Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội đã tổ chức thực hiện cơ chế một cửa rất hiệu quả. Theo đó, mô hình sử dụng hệ thống một cửa điện tử đang áp dụng tại Trung tâm phục vụ HCC cấp tỉnh, 15/15 trung tâm HCC cấp huyện, 192/192 UBND cấp xã, 17/19 sở, ngành để tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin tra cứu hồ sơ qua hệ thống mạng như: Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tổng đài điện thoại, tin nhắn SMS, qua ứng dụng Zalo đang mang lại hiệu quả cao trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, DN nhanh gọn, công khai, minh bạch và dân chủ. Toàn bộ hồ sơ TTHC được lưu trữ, luân chuyển từ các trung tâm HCC đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, UBND cấp xã qua hệ thống một cửa điện tử, không phụ thuộc vào hồ sơ giấy, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, để mang lại sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức, thời gian qua Trung tâm phục vụ HCC tỉnh Long An đã tiếp nhận, giải quyết ngay trong ngày đối với hồ sơ đăng ký thành lập DN, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký DN, thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo về việc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo cụ thể đối với hồ sơ được tiếp nhận trong buổi sáng trước 11 giờ 30 phút và được giải quyết, trả kết quả trong ngày. Năm 2019, toàn tỉnh tiếp nhận gần 2,3 triệu hồ sơ, giải quyết hơn 2,241 triệu hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn hơn 501.300 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98%, tăng 2% so cùng kỳ, đạt hơn 95% mục tiêu đề ra.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trần Anh Long An Hà Văn Thiện cho biết: Từ khi Long An triển khai giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa liên thông" đã mang lại rất nhiều thuận tiện cho DN và người dân. Nếu như trước đây hồ sơ hành chính có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều cơ quan, DN phải thông qua nhiều đầu mối mới có kết quả cuối cùng thì nay chỉ cần nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối, giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN. Bên cạnh đó, TTHC được công khai trên website của trung tâm phục vụ HCC đã giúp DN chủ động thực hiện thủ tục của đơn vị, nắm bắt được tiến độ và giám sát việc giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước. Mặt khác, sự đổi mới hoạt động của cơ quan HCC, đặc biệt là thái độ phục vụ thân thiện của cán bộ, công chức đã đem đến sự hài lòng cho nhân dân. Bà Phạm Thị Hồng Dung, người dân tại thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết: Từ khi trung tâm phục vụ HCC hoạt động, việc giải quyết thủ tục, giấy tờ rất thuận lợi. Ðiều đáng khen là nhân viên các trung tâm HCC rất vui vẻ, tận tình hướng dẫn người dân và kết quả trả hồ sơ rất đúng hẹn.

Sau hai năm thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tỉnh Long An đã giảm năm đầu mối tương đương cấp sở, 117 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể, UBND cấp huyện; giảm ba cấp trưởng đơn vị cấp tỉnh, giảm 209 trưởng, phó phòng và tương đương, giảm 256 biên chế khối cơ quan đảng, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và khối cơ quan chính quyền. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An Võ Minh Thành cho biết: Sau hai năm sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, ngành tài nguyên và môi trường đã giảm 24 đơn vị trực thuộc sở; giảm 22 cấp trưởng, phó các phòng thuộc Chi cục và trực thuộc sở; giảm 17 cấp trưởng, cấp phó trực thuộc đơn vị sự nghiệp và giảm 111 biên chế viên chức. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ, trực tiếp, sâu sát. Công tác tham mưu của cấp phòng, ban chủ động hơn, nêu cao được trách nhiệm của người đứng đầu, đạt hiệu quả cao, giảm chi thường xuyên và thu nhập của công chức năm 2019 tăng thêm bình quân 1,85 lần so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tại Văn phòng quản lý đất đai, nếu như cùng kỳ năm 2019 số lượng hồ sơ tồn đọng, chưa kịp giải quyết là hơn 10% trong tổng số hơn 322.000 hồ sơ đã tiếp nhận thì nay chỉ còn dưới 1%. Ðạt được kết quả này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cơ cấu tổ chức lại bộ máy trong toàn đơn vị, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng, lấy hiệu quả làm thước đo trách nhiệm, thường xuyên đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ; sâu sát thông tin tại 15 huyện, thị xã, thành phố và các phòng chuyên môn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong mỗi tuần. Xây dựng quy trình kiểm soát công việc nội bộ cơ quan theo từng khâu, ngày giờ cụ thể của từng vụ việc và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cơ sở dữ liệu trong quá trình lưu chuyển hồ sơ từ Văn phòng quản lý đất đai sang Trung tâm phục vụ HCC đến Chi cục thuế và ngược lại; theo dõi thời gian hồ sơ đi và đến để đánh giá trách nhiệm của từng cơ quan liên quan.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An Trần Kỳ Ðức cho biết: Trước khi sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, bộ máy hệ thống chính trị của Long An còn một số bộ phận chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chưa phát huy hiệu quả cao mặc dù lực lượng cán bộ, công chức, viên chức khá đông. Có trường hợp, cùng một nhiệm vụ liên quan đến hai đơn vị cho nên khi triển khai đến cơ sở bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đôi khi chỉ đạo không thống nhất. Việc sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có sự tương đồng, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn thống nhất trong quản lý, chỉ đạo công tác, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Kết quả sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã góp phần giảm chi hoạt động thường xuyên năm 2019 hơn 72,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức; người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách được hưởng phụ cấp khoảng 1.112.000 đồng/tháng.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An Nguyễn Thanh Hải cho biết: Bài học kinh nghiệm trong quá trình CCHC và tinh gọn bộ máy là: Phải có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh xáo trộn; kịp thời có cơ chế và chế độ chính sách phù hợp; công tác cán bộ trong việc sắp xếp phải làm chặt chẽ, bố trí lại chức danh dôi dư phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy trình. Thường xuyên theo dõi, giám sát, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương, bảo đảm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tinh giản biên chế. Lấy kết quả thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.