Đề án thí điểm xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ, cùng với phương châm “Đổi mới-khả thi”.
Khắc phục các hạn chế, bất cập
Thời gian qua, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nền hành chính công vụ được Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy đạt được những kết quả tích cực, song thực tế cho thấy, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế gây phiền hà cho người dân, nhất là các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực “nóng” như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, quy hoạch… Hiện nay, thành phố có 352 bộ phận một cửa các cấp, bao gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã. Mặc dù rất nỗ lực trong việc giải quyết nhưng tại nhiều địa phương tình trạng quá tải vẫn xảy ra, người dân vẫn than phiền về trình tự, số lượng các thủ tục hành chính,…
Với mục tiêu mang lại cho người dân sự thuận tiện nhất trong giao dịch, yêu cầu về đổi mới mô hình cung cấp dịch vụ công nhằm phù hợp thực tiễn công tác cải cách hành chính được đặt ra. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%, 100% hồ sơ được công khai, minh bạch.
Cách đây hơn một năm, thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình Trung tâm hành chính công. Đây là địa chỉ tiếp nhận, trả kết quả và giải quyết một số thủ tục hành chính cho địa phương. Công tác này được thực hiện theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ máy của Trung tâm hành chính công có giám đốc, các phó giám đốc, các bộ phận và công chức với ba bộ phận, gồm: Tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; Kiểm tra, giám sát; Hành chính-tổng hợp.
Thời gian qua, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết hồ sơ, nhiều thủ tục hành chính của người dân đã được thực hiện thuận lợi, thay vì phải “đi đi lại lại” ở nhiều cơ quan, đơn vị như trước đây. Phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục các hạn chế của mô hình bộ phận một cửa các cấp đang thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian hơn 2 năm (từ tháng 1/10/2024 đến 31/12/2026). Với tần suất và quy mô thực hiện các thủ tục hành chính rất lớn của người dân thành phố, đây sẽ là một “siêu trung tâm” đầu mối để giải quyết các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực.
Tối ưu hóa các nguồn lực
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian thí điểm của trung tâm sẽ được thực hiện qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2024 đến 31/12/2024; giai đoạn 2 từ 1/1/2025 đến 31/12/2025 và giai đoạn 3 từ 1/1/2026 đến 31/12/2026. Trung tâm cũng nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính; trong đó, 100% hồ sơ đều được công khai, minh bạch để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.
Một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình vận hành trung tâm là người dân địa phương này có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương khác. Thí dụ, người dân ở thành phố Thủ Đức có thể nộp hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính cho nhu cầu giải quyết ở huyện Củ Chi, quận Tân Bình và ngược lại thay vì phải nộp trực tiếp tại địa phương nơi có phát sinh giấy tờ, hồ sơ. Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, điều này đã khắc phục được tình trạng “độc quyền” trong giải quyết thủ tục để góp phần dẹp bỏ nạn nhũng nhiễu, găm hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện tối đa để người dân được giải quyết hồ sơ một cách thuận tiện nhất.
Trung tâm hành chính công của thành phố sẽ tối ưu hóa lực lượng nhân sự, sắp xếp hiệu quả hơn nguồn nhân lực đang làm việc tại các cơ quan hành chính thành phố; khắc phục tình trạng nơi thừa nơi thiếu, giảm tình trạng quá tải công việc tại một số trung tâm, đơn vị. Thành phố hiện có gần 2.600 nhân sự được bố trí ở bộ phận một cửa các cấp. Tại các bộ phận một cửa các cấp, việc cơ cấu cứng nhân sự tại mỗi cấp hành chính cũng được thực hiện ổn định, song thực tế nhiều hạn chế vẫn còn bộc lộ chưa được khắc phục.
Việc quy về một đầu mối theo tinh thần thí điểm của Trung tâm hành chính công, các hạn chế này sẽ dần được khắc phục. Ngoài ra, với việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính, đến nay thành phố đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 966 thủ tục, trong đó 611 dịch vụ công toàn trình và 335 dịch vụ công một phần. Tuy nhiên, nhiều thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai, xây dựng, kinh tế, người dân còn khó khăn khi nộp hồ sơ trực tuyến, vẫn phải đến giao dịch trực tiếp. Với trung tâm phục vụ hành chính tập trung, vấn đề số hóa sẽ được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến. Trung tâm có sự thống nhất các nền tảng và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tiếp nhận, số hóa, điều phối giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ công. Khi hồ sơ của người dân đã được số hóa sẽ được tái sử dụng, không cần phải khai, nộp nhiều lần các giấy tờ.
Đối với người dân chưa quen với việc số hóa và làm việc trực tuyến, sẽ được hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong nộp và nhận kết quả thủ tục hành chính. Việc đưa toàn bộ các thủ tục, hồ sơ lên môi trường số cũng giúp người dân dễ dàng giám sát tiến độ, quá trình giải quyết hồ sơ của mình.