Các vùng an toàn bị phá hủy, hoạt động nhân đạo ở Gaza bị cản trở

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định, chương trình nhân đạo hiện nay tại Dải Gaza hoạt động không còn hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân sơ tán tránh giao tranh tại thành phố Khan Younis, phía nam Gaza.
Người dân sơ tán tránh giao tranh tại thành phố Khan Younis, phía nam Gaza.

Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Martin Griffiths bày tỏ quan ngại khi các cuộc tấn công quân sự liên tiếp đã phá hủy các vùng an toàn từng được thiết lập, cản trở các hoạt động nhân đạo.

Ông nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc lên kế hoạch và triển khai vận chuyển hàng nhân đạo hiện nay. Tình trạng thiếu an toàn có thể làm gián đoạn hoạt động của các đoàn cứu trợ và khiến họ đối mặt nguy cơ bị tấn công.

Ông Martin Griffiths cũng cho rằng, việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kích hoạt điều 99 của Hiến chương Liên hợp quốc vào ngày 6/12 vừa qua cho thấy những diễn biến tại Gaza đang là mối đe dọa khẩn cấp đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, quan chức này tiết lộ đại diện của Ai Cập, Mỹ, Liên hợp quốc và Israel đang thảo luận về vấn đề mở cửa khẩu Kerem Shalom; đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy cửa khẩu này sẽ sớm được mở.

Trong khi đó, Đại tá Elad Goren, quan chức của Cơ quan của Israel phụ trách điều phối vấn đề dân sự với Palestine (COGAT), cũng xác nhận những ngày tới, Israel sẽ mở cửa khẩu Kerem Shalom để tiến hành kiểm tra.

Cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới với Ai Cập hiện chỉ được thiết kế để người dân qua lại, chứ không phải cho xe tải lưu thông.

Trong khi đó, 60% lượng hàng hóa chuyên chở bằng xe tải vào Gaza trước khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10 là đi qua cửa khẩu Kerem Shalom. Cửa khẩu này nằm ở biên giới phía nam Dải Gaza với Israel và Ai Cập, cả hai nước này đều đang để ngỏ khả năng khôi phục lại hoạt động của tuyến đường.

Theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, ước tính có 1,9 triệu người tại Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Họ đang phải đối mặt tình trạng thiếu nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vệ sinh. Một cuộc khảo sát do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy, hiện có từ 83% đến 97% số hộ gia đình không có thực phẩm phù hợp.

Nhà trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường tại Gaza và cho phép tăng thêm hàng cứu trợ vào khu vực này.

Ông Biden kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để người dân có thể di chuyển an toàn giữa các điểm nóng về chiến sự; nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng thêm viện trợ cho tất cả người dân trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Mỹ cho rằng cần duy trì các nỗ lực để khôi phục lệnh ngừng bắn. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hướng tới hòa bình lâu dài và bền vững tại Trung Đông, bao gồm việc thiết lập Nhà nước Palestine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh, Ai Cập muốn chứng kiến chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza nhưng hiện còn quá sớm để thảo luận chi tiết các dàn xếp cho tương lai của dải đất này.

Ông Shoukry đưa ra phát biểu trên trước thềm cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao Arab và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 8/12 tại Washington, Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhằm thảo luận về những diễn biến mới nhất về tình hình nhân đạo và an ninh đang xấu đi ở Dải Gaza, cũng như các hành động ngoại giao để khôi phục thỏa thuận ngừng bắn.