Các trường vùng cao Lai Châu gặp khó khăn với bộ sách giáo khoa mới

NDO -

Sau hơn một tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên ở tỉnh biên giới Lai Châu, đặc biệt giáo viên đang giảng dạy tại các xã vùng dân tộc thiểu số đều khẳng định nội dung của chương trình sách giáo khoa mới nặng kiến thức so với năng lực của học sinh lớp 1, nhất là đối với con em đồng bào. Điều này gây khó khăn trong việc giảng dạy của giáo viên cũng như việc học tập của học sinh. 

Học sinh vùng cao đa phần là con em đồng bào dân tộc, nhận thức không đồng đều, nói tiếng phổ thông chưa rõ nên việc học gặp nhiều khó khăn, nhất là với bộ sách mới được các thầy cô giáo đánh giá có lượng kiến thức nặng hơn.
Học sinh vùng cao đa phần là con em đồng bào dân tộc, nhận thức không đồng đều, nói tiếng phổ thông chưa rõ nên việc học gặp nhiều khó khăn, nhất là với bộ sách mới được các thầy cô giáo đánh giá có lượng kiến thức nặng hơn.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ - một trong 93 trường tiểu học của tỉnh Lai Châu lựa chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống – một trong năm bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông áp dụng từ năm học 2020 - 2021. Toàn trường hiện bảy lớp 1 với 79 học sinh; 100% các em học sinh trong nhà trường đều là con em dân tộc thiểu số, trong đó học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao và H'Mông chiếm đa số.

Sau sáu tuần học, giáo viên, học sinh cho rằng nội dung sách giáo khoa nặng, sách quá nhiều chữ, khó hiểu; các bài học có tốc độ nhanh, khiến học sinh không thể tiếp thu, vì nhận thức của các em không đồng đều; gây khó khăn cho việc dạy và học của cô, trò, nhất là môn Tiếng Việt.

Ghi nhận tại buổi học Tiếng Việt của lớp 1A, điểm trường trung tâm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lản Nhì Thàng, chúng tôi thấy các em học sinh rất khó khăn trong việc đánh vần và ghép từ, đặc biệt những từ dài. Theo cô giáo Nông Thị Hương, giáo viên của lớp cho biết, lượng kiến thức trong một bài học lớn, chẳng hạn như trong một bài học mà học sinh phải học hai âm, học sinh không theo kịp. Thời lượng học quá ít, trong hai tiết phải thực hiện đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong khi đa số học sinh vùng cao học hết mầm non đều chưa nhận biết được hết mặt chữ cái, nhiều cháu còn chưa nói sõi tiếng phổ thông... nên việc học của các cháu gặp rất nhiều khó khăn.

Để chứng minh điều trên, cô giáo Nông Thị Hương, giáo viên dạy lớp 1A đã mời học sinh Tẩn Thị Kim Ngân, dân tộc Dao, một học sinh khá nhanh nhẹn của  lớp để hỏi, sau đoạn hội thoại ngắt quãng không thành văn, câu trả lời nhận được là: “Em thấy rất khó, em chỉ biết đánh vần các từ, nhưng ghép từ thì em chưa ghép được”...

Cũng theo cô Hương, việc triển khai chương trình giáo dục mới không chỉ khó với học sinh mà cả giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Để học sinh lĩnh hội tri thức một cách tốt nhất, các giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 cũng giành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sách giáo khoa mới, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp đối với các em, nhất là học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số khi còn yếu về tiếng Việt. Đối với chương trình cũ, học sinh có thời gian làm quen nhận biết các chữ và học cách cầm bút; nhưng chương trình mới này thì các em không có thời gian làm quen, mà vào học chính luôn. Vì vậy, tận dụng thời gian rảnh cô luôn tìm tòi, tham khảo các cách dạy học của các cô giáo khác để rút ra một cách dạy phù hợp với học sinh của mình.

Các trường vùng cao Lai Châu gặp nhiều khó khăn khi triển khai bộ sách giáo khoa mới -0
 Để tìm ra giải pháp, phương pháp giảng dạy phù hợp, giáo viên phải thường xuyên sinh hoạt tổ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Để bắt kịp chương trình dậy và học mới, hàng tuần Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lản Nhì Thàng phải tổ chức họp các tổ chuyên môn, để các giáo viên thảo luận đưa ra những giải pháp phù hợp, từ khâu thiết kế đồ dùng học tập, bộ chữ cho học sinh đến phương pháp giảng dạy… để học sinh dễ dàng hình dung, nhận biết.

Thầy giáo Lò Văn Vương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới, nhà trường đã lựa chọn giáo viên có năng lực chuyên môn tham gia công tác bồi dưỡng, tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong quá trình triển khai, nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, dự giờ và tổ chức sinh hoạt chuyên môn hàng tuần để nắm bắt thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, để việc giảng dạy chương trình mới này thuận lợi hơn, nhà trường mong muốn ngành giáo dục tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề giữa các trường với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất cho học sinh lớp 1; đồng thời, mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu sớm hỗ trợ trang thiết bị học tập đi kèm để phục vụ hoạt động dạy và học tốt hơn.

Tương tự Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lản Nhì Thàng; Trường tiểu học và trung học cơ sở Nậm Loỏng, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, năm học 2020 - 2021 có 443 học sinh, trong đó khối lớp 1 có 50 học sinh với hai lớp học. Các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số và nhận thức của các em không đồng đều. Sau một thời gian ngắn triển khai Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh lớp 1, các thầy cô giáo đều thấy nội dung của sách có thời lượng hơi lớn đối với học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế, giáo viên dạy lớp 1 tâm sự: Lớp có 30 học sinh, các em đều là người dân tộc H'Mông nên vốn từ tiếng Việt của các em còn ít, gây khó khăn trong việc nhận biết các âm. Theo cô, khó khăn lớn nhất là trong một bài mà có hai âm, thời gian giảng dạy lại ít nên các em không kịp học ghép các từ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trong quá trình triển khai sách giáo khoa mới, nhà trường thường xuyên nắm bắt ý kiến của giáo viên, học sinh. Đến nay, khó khăn lớn nhất của các giáo viên trực tiếp giảng dạy là thời lượng bài học hơi lớn; nhà trường mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giảm tải được nội dung hai âm trong một bài học, nên tách ra để học sinh có thời gian đọc và ghép từ.

Sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông áp dụng từ năm học 2020 - 2021 gồm năm bộ sách: Bộ sách Cánh Diều gồm chín cuốn, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 10 cuốn, Bộ sách Chân trời sáng tạo gồm chín cuốn, Bộ sách Cùng con học để phát triển năng lực gồm 10 cuốn, Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục gồm chín cuốn.

Tại tỉnh Lai Châu đa số các trường học đều lựa chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (93 trường), còn lại 17 trường lựa chọn Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực và hai trường chọn Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1 theo lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, nên ngành giáo dục Lai Châu còn gặp một số khó khăn như: Năm học trước do ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học nhiều ngày làm kiến thức của học sinh bị gián đoạn; thời gian tựu trường muộn, nên thời lượng tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số không được nhiều, vì thế việc tiếp cận chương trình mới của các em gần như không có. Mặt khác, một số nhà trường còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hình thức dạy học, lúng túng phân bổ thời lượng cho phù hợp với đối tượng học sinh…

Với những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã có những giải pháp trước mắt như: Sở đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn; mời các tác giả của bộ môn của sách để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp và định hướng cho lãnh đạo các phòng giáo dục, đội ngũ giáo viên trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 cần linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, áp dụng phương pháp dạy học tích cực phù hợp để tạo giờ học nhẹ nhàng, thoái mái, gây hứng thú cho học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, thực hành để học sinh nâng cao năng lực tư duy.

Ngoài ra, chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục phân bổ hợp lý về nội dung, thời lượng giữa các môn học, không gây quá tải; giao quyền chủ động cho các trường học xây dựng, phân phối chương trình dạy học và thời khóa biểu, nhằm bảo đảm tỷ lệ hợp lý về thời lượng trong ngày học, tuần học phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1. Mặt khác, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số để các em mở rộng vốn từ.