Các trường học vùng sâu vùng xa vất vả duy trì sĩ số học sinh sau Tết

Đến thời điểm này, học sinh cả nước đã quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tình trạng học sinh chưa đến trường đầy đủ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Trẻ mẫu giáo dân tộc H’Mông trong giờ chơi tại bản Khuôn Bổ, xã vùng cao Hồng Ca, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Thanh Sơn)
Ảnh minh họa: Trẻ mẫu giáo dân tộc H’Mông trong giờ chơi tại bản Khuôn Bổ, xã vùng cao Hồng Ca, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Thanh Sơn)

Nguyên nhân do đặc thù vùng miền, nhiều em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy hoặc đi làm thuê. Bên cạnh đó, sau Tết nhiều hoạt động lễ hội diễn ra kéo dài ở địa phương thu hút học sinh tham gia.

Tại Lạng Sơn, Sở Giáo dục và Ðào tạo lưu ý các trường học, chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương xuống tận thôn, bản vận động học sinh đến trường, quan tâm, khích lệ và động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tại Yên Bái, tính đến ngày 30/1, tỷ lệ ra lớp trên toàn tỉnh đạt 91,3%. Thấp nhất là huyện Trạm Tấu, đạt hơn 80%.

Trước tình hình trên, Sở Giáo dục và Ðào tạo Yên Bái đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo phân công giáo viên bám bản, bám làng, bám từng gia đình… để vận động các em trở lại lớp. Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày đầu học sinh quay trở lại trường, nhiều hoạt động được tổ chức như văn nghệ, đố vui, trò chơi dân gian để tạo hứng thú cho học sinh. Một số trường học tổ chức trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế cho thấy, việc vận động học sinh đến trường ở một số huyện vùng sâu, vùng xa là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả của giáo viên. Nhiều nơi, thầy giáo, cô giáo phải lội suối, băng rừng, đi bộ nhiều cây số mới đến được nhà học sinh, thậm chí lên tận nương, rẫy vận động học sinh trở lại trường. Nhưng các thầy cô đều không nản lòng.

Theo các chuyên gia giáo dục, các địa phương cần tính toán mở rộng mạng lưới trường lớp, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú ở vùng sâu, vùng xa.

Ðối với các cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi sĩ số học sinh trong lớp hằng ngày; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời động viên, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập.

Ðối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền xã, trưởng bản, già làng đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, vận động phụ huynh quan tâm, đưa học sinh đến trường đúng thời gian quy định. Các địa phương cần thông báo lịch nhập học của học sinh các cấp học trên loa phát thanh của xã, bản.

Ðối với những học sinh có nguy cơ bỏ học, nhà trường phân công cán bộ, giáo viên trực tiếp xuống bản, vào nhà vận động, giải thích lợi ích, tầm quan trọng của việc học tập. Giáo viên cần tạo không khí học tập thoải mái, không tạo áp lực cho học sinh.