Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ kết nối thương mại và đầu tư

NDO - Chiều ngày 17/3, tại tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội nghị Kết nối thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh, thành phố và hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội nghị.
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội nghị.

Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 nghìn km2, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong cả nước về đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế (32% GDP), số thu ngân sách (44,7% số thu cả nước), xuất khẩu và giải quyết việc làm của cả nước.

Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đây là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của các tỉnh đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính. Đó là: kết nối giao thương; tháo gỡ những khó khăn mà các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn, hiện đại; thúc đẩy kết nối để phát triển kinh tế các tỉnh, thành phố và khu vực.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn được nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các địa phương phương, doanh nghiệp, hợp tác xã…đối với các nhà phân phối lớn trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi cho biết, tỉnh Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của tỉnh Bình Phước đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của Thành phố Hồ Chí Minh được phối hợp thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả đầy khả quan.

Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký là 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hội nghị Kết nối thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đã tạo điều kiện cho Bình Phước và các địa phương được gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ - những đối tác tiềm năng luôn quan tâm, ủng hộ và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và Việt Nam nói chung.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, startup, hợp tác xã…về những hạn chế, tồn tại, các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp căn cơ, thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, các ưu đãi về đầu tư, chính sách mời gọi đầu tư, lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư của các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trên thì doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong quảng bá sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch điện tử…Đối với phía chính quyền các địa phương, cần tham gia vào công tác đào tạo cho doanh nghiệp về kiến thức thị trường, quản lý… giúp các đơn vị doanh nghiệp có được kiến thức mới nhất về thị trường để đáp ứng tiêu chí của thị trường hiện nay. Đặc biệt, mỗi địa phương cần có một địa điểm, gian hàng để bán, trưng bày các sản phẩm đạt chất lượng OCOP, hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, sản phẩm của địa phương phải đảm bảo đủ chất và lượng để không ảnh hưởng hoạt động kinh của doanh nghiệp, nhà phân phối.