Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn một số đại biểu tham dự Hội nghị về các nội dung chính cũng như các sáng kiến mà các đoàn đã đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Thọ
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN sẽ cùng nhau thảo luận các nội dung kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan.
Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Thọ. |
Các nội dung chính bao gồm: Danh mục biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chung của ASEAN. Hội nghị cũng sẽ bàn bạc và định hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng cho Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026-2030.
Một phần quan trọng của Hội nghị là các phiên tham vấn giữa Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN với Tổng cục trưởng, Cao ủy Hải quan các đối tác trong khu vực bao gồm Hải quan Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia và Tổng thư ký tổ chức Hải quan thế giới, nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ để triển khai các sáng kiến của Hải quan ASEAN trong thời gian tới.
Việc đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN lần thứ 33 năm 2024 có ý nghĩa lớn đối với Hải quan Việt Nam. Ý nghĩa đầu tiên là thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN. Sau đó, thể hiện Hải quan Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong ASEAN. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trong cơ chế hợp tác ASEAN và trên thế giới.
Hải quan Việt Nam mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng Hải quan ASEAN hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần vào xây dựng thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Trong vai trò thành viên Hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị theo nghĩa vụ thành viên, luân phiên tổ chức hội nghị hằng năm.
Là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và nâng tầm tính tích cực và trách nhiệm để điều phối các cơ quan hải quan thành viên ASEAN, thúc đẩy việc triển khai các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) đúng tiến độ; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan Hải quan thành viên; tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp để triển khai các sáng kiến của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng thể hiện vai trò chủ động trong đề xuất các sáng kiến hải quan xanh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan đề xuất triển khai trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đạt được mục tiêu hợp tác hải quan ASEAN, góp phần xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”.
Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp EU tại ASEAN (EUABC) Chris Humphrey
Đây là lần thứ 8 EUABC tham gia Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN. Chúng tôi đại diện lợi ích doanh nghiệp EU, một mặt mong muốn hàng hóa thông quan nhanh, tạo thuận lợi thương mại, một mặt chúng tôi cũng sẵn sàng giúp hải quan nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong các vấn đề khác như đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp.
Giám đốc điều hành EUABC Chris Humphrey. |
Do đó, chúng tôi có một số ý tưởng hợp tác với Hải quan ASEAN.
Đầu tiên là sáng kiến về tuân thủ được thông tin. Sáng kiến này giúp doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn về những thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan hải quan, trong đó có Hải quan Việt Nam. Doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn về các thủ tục, như các biểu mẫu, tờ khai, từ đó sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng hơn.
Một lĩnh vực khác là hàng hóa trị giá thấp và hàng hóa thương mại điện tử. Chúng ta đã thấy sự tăng trưởng của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19 trong khu vực, với sự gia tăng các lô hàng trị giá thấp, và ASEAN lại là khu vực có nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Xuất phát từ nhu cầu thông quan nhanh chóng và bảo đảm kiểm soát được hàng hóa trị giá thấp, tôi cho rằng doanh nghiệp thương mại điện tử cần tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan để hiểu biết hơn về nhu cầu của nhau, giúp thông quan nhanh loại hàng hóa này ở khắp khu vực Đông Nam Á.
Lĩnh vực cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là tăng cường hợp tác chống thương mại bất hợp pháp. Đây cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng trong khu vực. Thương mại bất hợp pháp gây thất thu ngân sách cho chính quyền. Đối với người tiêu dùng, đó là mối lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm bất hợp pháp. Đối với doanh nghiệp, đó là sự tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp nếu các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán trên thị trường. Đây là lĩnh vực mà hải quan và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, không chỉ trong đào tạo xây dựng năng lực, mà còn chia sẻ thông tin.
Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được triển khai thực hiện vài năm trước, chúng ta nhận thấy có sự tăng lên đáng kể trong thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ. Việt Nam xác định vị trí của mình là một quốc gia thương mại, và hiện là một trong những quốc gia thương mại hàng đầu thế giới.
Điều này là do Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) như CPTPP, RCEP và các FTA với các đối tác song phương. Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, như xây dựng nhà máy sản xuất, trung tâm dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới.
Không chỉ thương mại, mà lĩnh vực đầu tư cũng có sự tăng trưởng kể từ khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực. Việt Nam trở thành một trung tâm thương mại không chỉ ở châu Á mà trên thế giới, dựa trên những FTA như đã nói, lực lượng lao động trẻ năng động, cũng như vị trí địa lý thuận lợi.
Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp trên thế giới đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid, chiến tranh… Và Việt Nam đang xác định vị trí của mình rất tốt trong sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng đó.
Phó Tổng Thư ký ASEAN Satvinder Singh
Tôi rất vui được có mặt ở Phú Quốc và chứng kiến cuộc chuyển giao vai trò Chủ tịch từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong thúc đẩy hội nhập hải quan khu vực. Đầu tiên, có thể kế đến Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên, đây là một trong những sáng kiến quan trọng trong nội khối ASEAN, nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Sự tham gia của Việt Nam vào Thỏa thuận này là rất quan trọng.
Phó Tổng Thư ký ASEAN Satvinder Singh. |
Ngoài ra, trong Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, Việt Nam cùng 5 nước thành tham gia sáng kiến về Giấy phép phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, cho phép một xe chở hàng sử dụng một giấy phép để đi qua nhiều quốc gia trong thời gian quá cảnh. Bên cạnh đó, là việc Việt Nam tham gia sáng kiến về Nhà vận chuyển được cấp phép trong ACTS cùng các nước thành viên khác.
Việt Nam cũng tích cực đi đầu trong chống thương mại bất hợp pháp. Cùng với đó, Việt Nam cũng nghiên cứu, áp dụng những thông lệ tốt nhất của hải quan ASEAN, trong những lĩnh vực như đơn giản hóa thủ tục hải quan, thương mại điện tử,… Tôi mong muốn các cơ quan hải quan khác cũng thực hiện những nỗ lực tương tự như Hải quan Việt Nam, từ đó mang lại giá trị cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải và logistic.
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN trong một giai đoạn rất quan trọng. Khu vực ASEAN đang thay đổi rất nhanh trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển dịch sang tính bền vững…Tạo thuận lợi cho thương mại phi giấy tờ cũng là một hình thức hiệu quả giúp giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng. Trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam, tôi mong hải quan ASEAN có thể triển khai thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên. Một lĩnh vực lớn khác là cải thiện trao đổi thông tin thương mại điện tử giữa hải quan doanh nghiệp, hy vọng sẽ đạt được trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cũng cần làm việc với Hải quan các nước ASEAN hoàn thành các Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2026-2030, cũng như tầm nhìn trong những năm tiếp theo.
Năm ngoái, ASEAN thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới, đạt 230 tỷ USD, vượt qua cả Trung Quốc về thu hút đầu tư. Để tiếp tục làm điều này, chúng ta cần tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại, trong đó hải quan đóng vai trò quan trọng.
Trong nhiệm kỳ chủ tịch này, Việt Nam cũng đăng cai giữ vai trò lãnh đạo trong chiến dịch hải quan chung giữa các nước thành viên ASEAN. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo để thực hiện thành công, vượt qua những thách thức trước mắt.
Hải quan ASEAN có trách nhiệm quan trọng trong nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực, thông qua khả năng bảo đảm lưu thông thương mại hàng hóa qua biên giới. Khu vực ASEAN phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, với giá trị thương mại đạt 3.800 tỷ USD, là một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Dự đoán tăng trưởng thương mại khu vực đạt 5% GDP khu vực từ giờ cho đến năm 2030.
Tiềm năng là rất lớn, không chỉ thương mại khu vực mà còn là với toàn thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng là lưu thông hàng hóa tự do trong khu vực và với các đối tác thương mại. Rõ ràng, vai trò tạo thuận lợi thương mại của Hải quan là rất quan trọng.
ASEAN có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang được đàm phán nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Cùng với đó, là thế hệ hàng hóa mới, như thương mại điện tử, hàng hóa trị giá thấp, cùng với những cam kết về chuyển đổi số như trong Hiệp định khung về Kinh tế số ASEAN (DEFA), đang được đàm phán, trong đó có Chương Thương mại điện tử.
Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò của Hải quan trong tạo thuận lợi thương mại, thông qua việc tạo ra một cơ chế hiệu quả mà các nước có thể thống nhất, mặc dù chúng ta không thể hài hòa hóa thủ tục ngay ngày mai, nhưng có thể mang lại sự thay đổi theo cách minh bạch.
Chúng ta đang trở thành khu vực thương mại lớn nhất thế giới, với nhiều nước trên thế giới đang chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực của chúng ta. Họ cần hàng hóa lưu thông thông suốt qua biên giới. Đó là vai trò và tác động mà Hải quan có thể mang lại cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Trưởng Phòng Điều tra Chống buôn lậu (Hải quan Hàn Quốc) Hyeon-seok
Trưởng Phòng Điều tra Chống buôn lậu (Hải quan Hàn Quốc) Hyeon-seok. |
Cơ quan Hải quan của Việt Nam và Hàn Quốc có thể xem xét thực hiện một số nhiệm vụ sau nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn sau của Chiến dịch Con rồng Mê Kông, cụ thể như:
Cơ quan Hải quan hai nước có thể thường xuyên tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan để chia sẻ xu hướng và phương thức thủ đoạn buôn lậu ma túy mới nhất. Hai nước cũng có thể chia sẻ, cập nhật kết quả kiểm soát và dữ liệu các vụ bắt giữ liên quan đến ma túy nhằm tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Cơ quan Hải quan hai nước có thể hợp tác để tăng cường triển khai các chiến dịch thực thi chung, bao gồm chia sẻ thông tin kịp thời trên các tuyến vận chuyển trái phép ma tuý chủ yếu và tiến hành các hoạt động kiểm soát ở cả hai quốc gia. Thí dụ, Hải quan Hàn Quốc có thể nhận các thông tin trước về mặt hàng nghi vấn trên chuyến bay hoặc chuyến tàu xuất phát từ Việt Nam để thực hiện kiểm soát hiệu quả hơn.
Các chuyên gia phân tích thông tin của hai nước có thể cùng tiến hành đánh giá rủi ro liên quan đến vấn đề vận chuyển trái phép ma túy.
Bố trí cán bộ liên lạc đến Việt Nam để tăng cường thu thập và phân tích thông tin 24/7. Bao gồm thu thập thông tin tình báo về các hoạt động liên quan đến ma túy trên địa bàn và phối hợp kiểm tra các kiện hàng có nghi vấn tới Hàn Quốc. Việt Nam cũng có thể triển khai cán bộ liên lạc tới Hàn Quốc để tạo điều kiện trong trao đổi thông tin và hợp tác hiệu quả hơn.
Cơ quan Hải quan hai nước có thể cùng xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo cho cán bộ kiểm soát của cơ quan thực thi hai cơ quan hải quan để chia kỹ thuật phương pháp kiểm soát tiên tiến nhất. Các chương trình đào tạo này giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hải quan hai quốc gia và tối đa hóa sức mạnh hợp tác quốc tế.