Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN

Sáng 4/6, tại Kiên Giang, Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 chính thức khai mạc, với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu thuộc các đoàn lãnh đạo của 10 cơ quan Hải quan nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN gồm: Hải quan các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Australia; Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN; Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ông Satvinder Singhp, Phó Tổng Thư ký ASEAN là khách mời danh dự của hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hội nghị là sự kiện thường niên và quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN, được tổ chức trong bối cảnh khu vực ASEAN đang hồi phục đáng kể về thương mại, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư và du lịch. Trong năm 2023 bức tranh kinh tế ASEAN ghi nhận những tín hiệu tích cực, tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN tăng trưởng 4,3%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,7%. Bên cạnh đó, Hải quan ASEAN nổi lên thành điểm sáng trong hợp tác hải quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong hợp tác hải quan, các đối tác song phương và đa phương tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò của Hải quan ASEAN. Chúng ta vui mừng nhận thấy Hải quan ASEAN không có sự khác biệt lớn về cách tiếp cận. Sự khác biệt về trình độ phát triển và hiện đại hóa được rút ngắn bằng lòng tin, tinh thần xây dựng, đồng lòng, ủng hộ và thiện chí của các cơ quan Hải quan ASEAN.

Hội nghị cùng nhau thảo luận các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan và quyết định phương hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng cho Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2026-2030. Hải quan ASEAN sẽ tiếp tục cùng nhau khắc phục khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai để hồi phục kinh tế, khẳng định quyết tâm của Hải quan ASEAN tăng cường hợp tác, truyền tải thông điệp tích cực về một cộng đồng Hải quan ASEAN gắn kết như chủ đề ưu tiên của ASEAN năm 2024. Hải quan ASEAN quyết tâm cùng nhau hoàn thành mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho thị trường hàng hóa và cơ sở sản xuất chung của ASEAN, phục vụ lợi ích của cộng đồng gần 700 triệu dân, kiểm soát biên giới, góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

Thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại trong nội khối ASEAN cũng như với các đối tác quan trọng trong khu vực và thế giới, Hải quan ASEAN đã thực hiện lộ trình hài hòa hóa thủ tục hải quan chung, áp dụng biểu thuế chung, xây dựng và vận hành Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi C/O điện tử mẫu D, tờ khai hải quan ASEAN, mở rộng trao đổi chứng từ thương mại với các Đối tác thương mại ngoài ASEAN, vận hành Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN và bước đầu thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên. Những thành tựu nêu trên góp phần đưa thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng hàng chục lần và với các đối tác lên 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chiếm 3,6% GDP toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, ngoài mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nhiệm vụ kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại bảo đảm cho dòng chảy thương mại hợp pháp cũng không kém phần quan trọng. Nhận thức chung như vậy, Hải quan ASEAN đã triển khai có hiệu quả các Chiến dịch kiểm soát các loại hàng hóa có nguy cơ gian lận thương mại và ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của cộng đồng. Trong đó, Hải quan ASEAN đã bước đầu triển khai thành công Chương trình Kiểm soát hải quan chung, theo đó nâng cao được hiệu quả chia sẻ thông tin qua Hệ thống thông báo cảnh báo của ASEAN.

Cùng với Hải quan ASEAN, Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các sáng kiến, các cam kết nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung của ASEAN. Theo đó, kế hoạch xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong giai đoạn tới đang được Hải quan Việt Nam quyết tâm thực hiện. Tôi tin tưởng rằng, mô hình quản lý hải quan hiện đại áp dụng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối không chỉ là mục tiêu của Hải quan Việt Nam mà còn là của Hải quan các nước ASEAN.

Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác quan trọng trong ASEAN, vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng gắn kết, thể hiện vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn

Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn đề nghị, trong giai đoạn tới ngoài mục tiêu hiện đại hóa hải quan, Hải quan ASEAN cần tập trung thực hiện sáng kiến về Hải quan xanh và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin tình báo để công tác kiểm soát ngày càng được thực hiện hiệu quả hơn trong nội khối ASEAN và với các nước đối tác. Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác quan trọng trong ASEAN, vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng gắn kết, thể hiện vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN ảnh 1

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Chương trình nghị sự của hội nghị gồm 12 nội dung, các Tổng Cục trưởng Hải quan ASEAN cùng nhau thảo luận các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan; đồng thời quyết định phương hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026-2030. Trên cơ sở xem xét các xu hướng phát triển hải quan gần đây trong WCO và các tổ chức quốc tế liên quan, cùng với các sáng kiến Hải quan khu vực ASEAN và các khuyến nghị của khu vực tư nhân, để đưa vào các yếu tố mới, gồm số hóa, tự động hóa hải quan, nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, tính bền vững... trong chu kỳ mới của các SPCD.

Hội nghị cũng quyết định phương hướng tiếp tục triển khai Danh mục biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) trong ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chung của ASEAN. Các chương trình hành động và kế hoạch chiến lược phát triển hải quan được thực hiện nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN về luân chuyển hàng hóa tự do trong nội khối ASEAN và thúc đẩy thương mại giữa ASEAN với các đối tác.

Cụ thể, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN rà soát công việc và tiến độ của Ủy ban Điều phối Hải quan ASEAN (CCC), Nhóm Công tác về Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại (CPTFWG), Nhóm Công tác về Thực thi và Tuân thủ Hải quan (CECWG), Nhóm Công tác Xây dựng Năng lực (CCBWG) và Ủy ban Chỉ đạo Một cửa ASEAN.

Hội nghị cũng cập nhật những tiến bộ gần đây trong hội nhập hải quan ASEAN, bao gồm việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên (AAMRA) phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); hoan nghênh những tiến bộ tích cực của 6 nước thành viên, gồm Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore trong việc thực hiện chương trình Thí điểm AAMRA.

Hội nghị hoan nghênh Myanmar là nước thành viên tham gia thứ 7 trong Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) và chính thức tham gia hoạt động trực tiếp của ACTS có hiệu lực từ ngày 1/3/2024. Thông qua Hội nghị, Hải quan ASEAN khuyến khích tất cả các nước thành viên tăng cường nhận thức, sự tham gia của công chúng để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp sử dụng ACTS. Hội nghị ghi nhận bốn nước thành viên tham gia Chương trình Doanh nghiệp quá cảnh ưu tiên (ATT) gồm: Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam và mong muốn các nước thành viên còn lại hoàn tất việc thiết lập ATT càng sớm càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sử dụng ACTS.

Hội nghị ghi nhận việc hoàn thành Kết quả Khảo sát Nghị quyết Luxor về Thương mại điện tử xuyên biên giới, đánh giá mức độ thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết Luxor, xác định khoảng cách giữa các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử và xây dựng các khuyến nghị để thu hẹp khoảng cách. Đồng thời, hoan nghênh Hoạt động Kiểm soát Hải quan Chung (JCC) lần thứ nhất được tiến hành trực tuyến vào tháng 12 năm 2023, với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN tập trung vào giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá bất hợp pháp trong ASEAN. Hội nghị khuyến khích các nước thành viên ASEAN tiếp tục các hoạt động kiểm soát chung để đấu tranh với tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong khu vực.

Hội nghị thông qua “Hướng dẫn Quản lý Hiệu quả làm việc của Hải quan ASEAN” và “Hướng dẫn về Thông lệ tốt nhất trong Thực hiện Quản lý Tri thức”, là nguồn tài liệu tham khảo cho Hải quan ASEAN áp dụng các nguyên tắc quản lý, thông lệ tốt nhất về làm việc hiệu quả, áp dụng các bài học nhằm cải thiện hiệu quả công tác của công chức hải quan ASEAN, tìm kiếm giải pháp và tối ưu hóa nguồn lực trong quản lý tri thức.

Hội nghị công nhận những nỗ lực hỗ trợ đáng kể cho việc thực hiện Nghiên cứu về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) thế hệ mới, được coi là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Lào năm 2024. Đầu ra của Nghiên cứu Nâng cấp ASW là các khuyến nghị về chính sách, kỹ thuật và pháp lý cho phép ASW có khả năng tương tác với các hệ thống/nền tảng khác của khu vực tư nhân và có khả năng trao đổi dữ liệu hải quan điện tử với các Đối tác Đối thoại Hải quan.

Bên cạnh hoạt động bàn thảo các nội dung hợp tác hải quan, cơ chế tham vấn với các Đối tác Đối thoại với các cơ quan hải quan trong khu vực và khu vực tư nhân đã trở thành một phần quan trọng trong Chương trình nghị sự của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN hằng năm.

Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN ảnh 2

Các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 bao gồm các phiên tham vấn với các Đối tác Đối thoại gồm: Phiên tham vấn lần thứ 13 với Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan thế giới; tham vấn cấp Cao ủy/Tổng cục trưởng lần thứ 22 với Hải quan Trung Quốc, lần thứ 26 với Hải quan Nhật Bản, lần thứ 20 với Hải quan Hàn Quốc và lần thứ 8 với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Australia. Tại các Phiên tham vấn nêu trên, Hải quan ASEAN và các đối tác đối thoại sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thông lệ tốt nhất cho công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại; đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt là các vấn đề mới nổi liên quan đến tính bền vững, hải quan xanh, thương mại điện tử xuyên biên giới, AEO MRA, đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp, kiểm soát rác thải nhựa và sự luân chuyển các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn...

Các phiên tham vấn với khu vực tư nhân bao gồm: Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Hải quan ASEAN với khu vực tư nhân, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại hợp pháp, tăng cường sự ổn định và bền vững của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế và góp phần giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp trong khu vực.

Hội nghị ghi nhận các tiến triển trong đàm phán nâng cấp một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), những nâng cấp này đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho các sáng kiến ​​hải quan hiện nay. Hội nghị ghi nhận việc triển khai đầy đủ Chứng nhận xuất xứ Mẫu D điện tử trong khu vực ASEAN kể từ tháng 1/2024.

Là cơ quan hải quan chủ nhà đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị, đồng thời là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, cùng Hải quan ASEAN đạt được các thành tựu về xây dựng Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN,Thỏa thuận công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và triển khai các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó nổi bật là Chiến dịch “Con rồng Mê Kông”.

Cùng với tinh thần "Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương" theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Bộ Chính trị, việc chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị và đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025 của Hải quan Việt Nam khẳng định sự tích cực, chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác và hội nhập Hải quan ASEAN, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trong cơ chế hợp tác ASEAN.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè ASEAN và khu vực về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam; các danh lam thắng cảnh và các địa điểm thăm quan của thành phố du lịch biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực điều phối, thúc đẩy việc triển khai các SPCD đúng tiến độ; tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp để triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác của Hải quan ASEAN. Tại hội nghị này, Hải quan Việt Nam chủ động đề xuất các sáng kiến về Hải quan xanh, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan để Hải quan ASEAN xem xét triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Những đóng góp của Hải quan Việt Nam góp phần cùng Hải quan ASEAN đạt được các mục tiêu hợp tác và góp phần xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một Tầm nhìn - Một Bản sắc - Một Cộng đồng”.