Các quốc gia nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung vaccine ngừa Covid-19

Nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đã xuất hiện nhiều tín hiệu tươi sáng khi mới đây, các nước liên tiếp đạt thành tựu bứt phá trong sản xuất loại “vũ khí chiến lược” giúp đẩy lùi dịch bệnh này. Sự nỗ lực, chủ động mở rộng quy mô sản xuất vaccine của các quốc gia được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán khó về tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ vừa lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi quốc gia này khởi động chiến dịch tiêm chủng vào đầu năm nay. Có được kết quả đáng mừng đó là nhờ Ấn Độ tăng tốc trong hoạt động sản xuất vaccine. Sản lượng vaccine trên toàn quốc hiện tăng gấp hai lần so với sản lượng hồi tháng 4 vừa qua. Ấn Độ đang hy vọng trở lại “đường đua” xuất khẩu vaccine trong vài tháng tới.

Đây là một tin vui với các nước trong khu vực, bởi hoạt động sản xuất vaccine của Ấn Độ là mắt xích quan trọng trong nỗ lực tăng cường nguồn cung toàn cầu. Sau khi New Delhi quyết định ngừng xuất khẩu vaccine vào tháng 4/2021 để tập trung cho chương trình tiêm chủng trong nước, kế hoạch tiêm chủng của không ít quốc gia tại châu Á và châu Phi đã bị xáo trộn nghiêm trọng.

Những thông tin tích cực về vaccine cũng đồng loạt “nở rộ” ở các khu vực khác. Với ba loại vaccine nội địa được cấp phép chỉ trong một thời gian ngắn, Cuba là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin phát triển vaccine phòng Covid-19 của riêng mình. Ai Cập vừa thông báo kế hoạch sản xuất một tỷ liều vaccine Sinovac của Trung Quốc mỗi năm.

Dự án này được kỳ vọng đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vaccine của hãng dược Pfizer/BioNTech và hãng Moderna, nhằm giúp tăng sản lượng vaccine trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng trở lại tại “lục địa già”.

Mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 là tín hiệu vui, song giới chuyên gia lưu ý, bài toán phân phối hợp lý vaccine vẫn phải được giải quyết sớm. Bởi, nếu vaccine sản xuất dư thừa mà không kịp thời đến được những khu vực cần thì sẽ gây lãng phí. Theo Liên hợp quốc, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 để có thể tiêm chủng cho 70% dân số. Việc các nước nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung là động thái đáng khích lệ, mở ra cánh cửa hy vọng cho những nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận bình đẳng nguồn vaccine.