Tham dự, có đại diện lực lượng cảnh sát biển 17 quốc gia và vùng lãnh thổ: Băng-la-đét, Bru-nây, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Pa-ki-xtan, Phi-li-pin, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Xri Lan-ca, Thái-lan và Việt Nam. Ðại tá Tat-su-yu-ki-kô, Trưởng phòng Quản lý Khủng hoảng và các vấn đề quốc tế, Cục Hành chính, Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Nhóm làm việc đã dự thảo 'Chương trình hành động' để báo cáo tại Hội nghị HACGAM7, trong đó, tóm tắt những nỗ lực và phương hướng của từng nước liên quan đến việc xây dựng năng lực trong 5 năm tới. Hội nghị nhất trí đề xuất tóm tắt và chia sẻ các biện pháp, kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên tai xảy ra diện rộng trên biển tại Hội nghị HACGAM7. Ðại diện lực lượng Cảnh sát biển các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hội nghị nhất trí cùng hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam - là nước chủ nhà, chủ trì điều phối chương trình nghị sự, lịch trình... và là Trưởng Ban thư ký Hội nghị HACGAM7. Hội nghị có chủ đề chính là 'Tăng cường hợp tác thiết thực, chia sẻ thông tin, an ninh và an toàn trên biển'. Tại HACGAM7, Việt Nam đề xuất một số biện pháp hợp tác trong thời gian tới, bao gồm: hỗ trợ đào tạo nhân lực, triển khai diễn tập trên mạng, tổ chức họp các nhóm nước có cùng địa lý... sẵn sàng tham gia các lĩnh vực hợp tác như: giao lưu cảnh sát biển các nước; tuần tra chung chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập đường dây nóng để giải quyết các sự cố trên biển; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hội nghị HACGAM7 diễn ra tại Hà Nội sắp tới sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á, vì mục tiêu, lợi ích chung trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.